Gây rối ở trạm thu phí Long Phước, TP.Thủ Đức: Tài xế phải đối diện với mức phạt nào?
Gây rối ở trạm thu phí Long Phước, TP.Thủ Đức: Tài xế phải đối diện với mức phạt nào?
Chinh Hoàng
Thứ ba, ngày 02/08/2022 15:45 PM (GMT+7)
Người đàn ông tên L. đi ô tô bán tải biển số Đồng Nai lưu thông trên cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, khi đến trạm thu phí Long Phước (TP.Thủ Đức) người này đi vào làn thu phí không dừng ETC nhưng không chịu hợp tác với nhân viên dán thẻ thu phí, không quay đầu có hành vi gây rối.
Hôm qua (1/8) khoảng 13h20, người đàn ông tên L. lái xe ô tô bán tải mang BKS Đồng Nai lưu thông trên cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, khi đến trạm thu phí Long Phước (TP.Thủ Đức) thì đi vào làn thu phí không dừng ETC.
Tại đây, nhân viên trạm thu phí hướng dẫn làm thẻ thu phí không dừng ở làn khẩn cấp lân cận nhưng ông L. không đồng ý, cũng không quay đầu xe rời khỏi vị trí.
Lực lượng chức năng sau đó đã có mặt để làm việc nhưng ông L. không hợp tác và không đồng ý xuất trình giấy tờ. Lực lượng chức năng phải dùng xe cẩu di dời chiếc xe trên ra khỏi vị trí làn ETC để giải tỏa giao thông.
Đến gần 18h cùng ngày, ông L. vẫn chưa cung cấp giấy tờ và chưa hợp tác với cơ quan chức năng.
Có thể phạt từ 10 đến 12 triệu đồng nếu không xuất trình giấy tờ xe
Theo luật sư Lê Bá Thường (Đoàn luật sư TP.HCM), Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ. Khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính (Điều 11 Luật Giao Thông Đường Bộ 2008). Và mức xử phạt vi phạm hành chính là phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Cũng theo luật sư Thường, người điều khiển xe còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (GPLX) từ 1 đến 3 tháng. Nếu thực hiện hành vi trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng (Điểm b, khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Đồng thời, theo quy định thì người lái xe ô tô tham gia giao thông nếu người điều khiển phương tiện không xuất trình được GPLX sẽ bị xử phạt như lỗi không có GPLX, bị giữ phương tiện và có phiếu hẹn. Mức phạt vi phạm tiền người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 - 12.000.000 đồng.
Nếu không có GPLX, sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm cấp hoặc sử dụng GPLX bị tẩy xóa (Nghị định 123/2021 mới nhất, bổ sung và sửa đổi của Nghị định 100/2019). Thời gian tạm giữ phương tiện không quá 7 ngày, kể từ ngày tạm giữ.
"Nếu có tình tiết phức tạp hơn có thể giữ tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ . Nếu Trong thời gian hẹn mà người vi phạm xuất trình được GPLX thì sẽ được hạ mức phạt xuống thành lỗi như không mang theo GPLX.
Nếu xuất trình GPLX sau thời gian ghi hẹn trên biên bản hoặc không xuất trình được GPLX thì sẽ bị chịu phạt như mức ban đầu. Mức phạt không có giấy phép lái xe thì bị xử phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng (điểm b khoản 8 Điều 21, Nghị định 100/2019/NĐ-CP)", luật sư Thường phân tích.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.