Giá cà phê tăng lên gần 62 triệu đồng/tấn, ai được hưởng lợi?

Thiên Hương Thứ tư, ngày 07/06/2023 14:59 PM (GMT+7)
Cà phê - mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam thời gian qua có giá liên tục tăng mạnh, lên mức cao nhất trong vòng 15 năm qua.
Bình luận 0

Giá cà phê thị trường nội địa thời gian qua đã có lúc chạm mức 63 triệu đồng/tấn - mức cao chưa từng thấy kể từ khi các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu xuất khẩu chính thức cà phê (cuối thập niên 1980).

Giá cà phê liên tục lập kỷ lục mới

Theo ghi nhận của phóng viên Báo NTNN, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa trong tuần qua tăng thêm 9.400 – 9.700 đồng/kg (tùy từng khu vực khảo sát) so với ngày 28/4/2023. 

Giá cà phê tăng lên gần 62 triệu đồng/tấn, ai được hưởng lợi? - Ảnh 1.

Bảng giá cà phê trong nước ngày 7/6/2023. Nguồn: giacaphe

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay đang ở mức 61.600 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với hôm qua và tăng gần 10.000 đồng/kg so với cuối tháng 4. Tại tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông, giá cà phê lần lượt ở mức 61.800 đồng/kg và 61.900 đồng/kg. Tại tỉnh Lâm Đồng, giá cà phê cũng tăng thêm 100 đồng/kg, lên 61.300 đồng/kg.

Về xuất khẩu, tính chung 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 882.000 tấn, trị giá 2,02 tỷ USD, giảm 2,2% về lượng, nhưng tăng 0,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta ước đạt mức 2.295 USD/tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về nguyên nhân khiến giá cà phê tăng "nóng", theo ông Lê Đức Huy - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đăk Lăk (Simexco Đăk Lăk), thời điểm này, hầu như cà phê trong dân không còn, doanh nghiệp do chịu áp lực tài chính nên mua đến đâu bán đến đó. 

Một số doanh nghiệp còn hàng trong kho thì hầu như đã chốt đơn hàng, chốt giá, chỉ đợi giao hàng. Do đó, một số nhà xuất khẩu đối mặt với tình trạng không đủ hàng để giao trong những tháng cuối năm.

Giá cà phê cao, thêm động lực chăm vườn - Ảnh 1.

Giá cà phê - mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cao nhất trong vòng 15 năm qua. Ảnh: Nông dân Đăk Lăk thu hoạch cà phê. Ảnh: T.L

Theo các chuyên gia, cà phê Robusta của Việt Nam đã có thương hiệu, Tây Nguyên cũng đã hình thành vựa cà phê lớn của thế giới. Do đó, nông dân cần duy trì diện tích cây cà phê, chăm sóc theo hướng chất lượng cao, cà phê đặc sản, lưu ý một số cảnh báo mới của các thị trường khó tính để sản xuất bền vững.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex cho biết, giá cà phê liên tục tăng cao thời gian qua là do thị trường thế giới thiếu hàng. Sàn giao dịch lớn nhất thế giới là New York cũng đang thiếu hàng nên đẩy giá giao dịch lên cao.

Trước đó, Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) dự báo sản lượng cà phê giảm từ 10-15%/năm, tuy nhiên năm nay có thể giảm trên dưới 20% so với dự đoán ban đầu do biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, cộng với hiện tượng El Nino tác động lớn đến năng suất và sản lượng cà phê.

Việt Nam là nước sản xuất cà phê lớn thứ 2 toàn cầu, chỉ sau Brazil, tuy nhiên riêng cà phê Robusta thì nước ta chiếm tới 50% sản lượng xuất khẩu toàn thế giới. Do đó, khi sản lượng cà phê của nước ta sụt giảm cũng sẽ ít nhiều tác động lên cung - cầu cũng như giá cà phê thế giới.

Giá cà phê tăng lên gần 62 triệu đồng/tấn, ai được hưởng lợi?

Có một thực tế ông Đỗ Hà Nam chỉ ra, đó là diện tích trồng cà phê những năm gần đây liên tục giảm do sự cạnh tranh mạnh mẽ của các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao hơn như sầu riêng, bơ, chanh dây... Nhiều hộ không phá bỏ hoàn toàn diện tích cà phê nhưng cũng chặt tỉa bớt để trồng xen cây ăn trái. Những yếu tố này khiến sản lượng cà phê sụt giảm, đẩy giá cà phê trong nước tăng lên.

Ông Nam cho biết: "Do giá cà phê tăng nhanh và tăng quá cao khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn hàng. Cà phê vẫn có thể mua được, chỉ có điều giá sẽ đắt lên, nhiều doanh nghiệp sẽ bị lỗ nếu mua thời điểm này, nhất là với những đơn hàng đã kí từ trước".

Là doanh nghiệp xuất khẩu cà phê dẫn đầu cả nước, ông Nam nhận định, giá cà phê tăng cao sẽ tạo động lực giúp người trồng cà phê quay lại chăm sóc vườn cây. Lâu nay, nông dân thường thấy cây trồng nào tăng giá cao là "chạy" theo, cũng như với cây sầu riêng, bơ, chanh dây hiện nay. Tuy nhiên nếu cứ chạy theo giá cả thị trường sẽ dẫn đến sản xuất không bền vững.

Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh cũng khẳng định, khi nông dân trồng cà phê chất lượng cao, đáp ứng được các tiêu chuẩn về kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm thì sẽ không lo không bán được hàng, thậm chí luôn được doanh nghiệp thu mua giá cao. Khi đạt chất lượng tốt, người bán sẽ quyết định giá bán cà phê, không phải người mua quyết định giá. Theo thống kê, diện tích trồng cà phê của Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 710.000ha, trong đó có 50% là cà phê có tín chỉ, cho giá trị xuất khẩu cao.

Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam cũng phân tích, hơn 30 năm nay, tất cả các nhà rang xay lớn trên thế giới đều gắn với cà phê Robusta của Việt Nam, vì vậy sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam giảm ít nhiều gì cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của họ. Ví dụ các nhà rang xay cà phê lớn trên thế giới như Nestle, nhiều năm nay đều mua cà phê Robusta của Việt Nam để phối trộn với cà phê Arabica, cho ra cà phê thành phẩm.

Theo quy luật cung cầu, khi sản lượng cà phê giảm thì giá cà phê tăng. "Giá cà phê tăng thì trước tiên là nông dân được hưởng lợi, còn các doanh nghiệp kinh doanh ai bán trước thì gặp rủi ro cao, doanh nghiệp nào mua bán bình thường hoặc mang tính chất đầu cơ thì được hưởng lợi" - ông Nam nhận định.

Tuy nhiên, ông Đỗ Hà Nam cũng khẳng định: "Sẽ không có chuyện thiếu cà phê, bởi thực tế vẫn có nhiều người đang găm cà phê trong kho chưa bán ra. Cộng với lượng hàng được bổ sung từ Brazil thì dự báo giá cà phê thời gian tới sẽ không còn quá "nóng". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem