Giá lợn hơi miền Bắc hôm nay: Người chăn nuôi không cần tăng nóng, chỉ cần ổn định

Minh Huệ Thứ bảy, ngày 06/08/2022 05:28 AM (GMT+7)
Nhiều người chăn nuôi cho biết, trải qua nhiều đợt thua lỗ vì bão giá, dịch bệnh, bây giờ bà con mong nhất là giá lợn hơi không cần tăng cao quá mà duy trì ổn định, giá lợn hơi miền Bắc hôm nay trong khoảng 65.000 - 70.000 đồng/kg.
Bình luận 0

Giá lợn hơi giảm về mức hợp lý

Sau khi tăng khá nhanh, giá lợn hơi tại miền Bắc hôm nay đã quay đầu giảm dao động từ 65.000 - 69.000 đồng/kg, tùy địa phương. 

Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ NNPTNT tại cuộc trao đổi với báo chí mới đây, căn cứ vào giá thành chăn nuôi lợn hiện nay thì mức giá lợn hơi như vậy là không quá cao, cũng không quá thấp. 

Với mức giá này, cả người tiêu dùng và người chăn nuôi đều có lợi, vì hiện giá thành sản xuất khoảng trên dưới 60.000 đồng/kg, tùy mô hình chăn nuôi lợn.

Báo cáo của Bộ NNPTNT cho thấy, trong tháng 7/2022, giá lợn hơi biến động tăng tại tất cả các khu vực trên cả nước. 

Giá lợn hơi tăng là do thời gian qua giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, bệnh dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại ở một số địa phương nên nguồn cung cho thị trường giảm. Bên cạnh đó, các nhà hàng, quán ăn, các khu du lịch hoạt động trở lại nên tiêu thụ thịt lợn cao hơn. 

Tại khu vực miền Bắc, thị trường lợn hơi điều chỉnh tăng từ 11.000 - 12.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 69.000 - 73.000 đồng/kg. 

Giá lợn hơi tại Lào Cai và Vĩnh Phúc ở mức 71.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại Thái Bình 73.000 đồng/kg. Tỉnh Ninh Bình tăng lên 72.000 đồng/kg, ngang bằng với Hưng Yên và Nam Định, cao thứ hai khu vực.

 Thị trường lợn hơi khu vực miền Trung, Tây Nguyên tăng 14.000 - 15.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 66.000 - 73.000 đồng/kg. Theo đó, tỉnh Bình Định điều chỉnh lên mốc 70.000 đồng/kg. Tỉnh Quảng Trị giá lợn hơi lên mức 68.000 đồng/kg, ngang bằng với tỉnh Khánh Hòa và Hà Tĩnh. 

Giá lợn hơi miền Bắc hôm nay: Người chăn nuôi không cần tăng nóng, chỉ cần ổn định - Ảnh 1.

Giá lợn hơi miền Bắc hôm nay 5/8 trong khoảng 65.000 - 70.000 đồng/kg. Ảnh: Báo Hà Nam.

Thị trường lợn hơi miền Nam ghi nhận giá thu mua biến động tăng 11.000 – 13.000 đồng/kg tại nhiều tỉnh thành, dao động trong khoảng 65.000 - 72.000 đồng/kg. Trà Vinh, Đồng Tháp và TP HCM tăng lên mốc 66.000 đồng/kg. 

Tương tự, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cà Mau và Bạc Liêu thu mua heo hơi lần lượt ở mức 65.000 đồng/kg và 66.000 đồng/kg. Bình Phước, Vũng Tàu, Đồng Nai, Hậu Giang, Bình Dương, Tây Ninh, Cần Thơ, Bến Tre, Sóc Trăng, Long An và An Giang hiện giao dịch với giá từ 68.000 đồng/kg đến 72.000 đồng/kg.

"Chúng ta cố gắng hết sức để cân đối cung cầu, làm sao giá thịt lợn hơi không quá cao, cũng không giảm xuống quá thấp, người tiêu dùng và người chăn nuôi đều được hưởng lợi và không ảnh hưởng tới chỉ số CPI trong rổ thực phẩm".

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến

Đảm bảo nguồn cung thực phẩm

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2021, sản lượng thịt các loại nói chung của nước ta đạt 669 triệu tấn. 

Đến hết tháng 7, đàn lợn tăng 4,8%; đàn gia cầm tăng 1,6%. Đàn bò tăng 2,6%, đàn trâu năm 2021 giảm 2,4% nhưng đến thời điểm này chỉ giảm 1,1%. Như vậy năm nay, tổng sản lượng thịt các loại chắc chắn sẽ đạt trên 7 triệu tấn, 18,4 tỷ quả trứng và trên 1,3 triệu tấn sữa.

"Trong bối cảnh chi phí đầu vào khó khăn như hiện nay, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, thì với tốc độ tăng trưởng như trên, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm đủ thực phẩm từ nay đến cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán" - Thứ trưởng Tiến nói.

Tuy nhiên, cũng theo ông Tiến, thời gian qua, giá lợn hơi và giá thịt lợn ở các thị trường xung quanh có sự biến động lớn. 

Bộ NNPTNT đã cử các đoàn công tác phối hợp với các tỉnh có đường biên giới tiến hành kiểm tra, rà soát tình hình buôn bán thịt lợn. Bây giờ các cửa khẩu biên giới đều đã được siết chặt, không còn tình trạng buôn bán lợn như ngày trước. Mặc dù vậy, vẫn còn chuyện các thương lái mổ lợn, sau đó chặt mảnh chở sang Trung Quốc tiêu thụ.

Bộ NNPTNT đã sớm đẩy mạnh rà soát, kiểm tra tình hình buôn bán thịt lợn ở các tỉnh biên giới, vừa nhằm đảm bảo tình hình an toàn thực phẩm, vừa đảm bảo nguồn cung thị trường trong nước ổn định.

Hiện cả nước có 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn chi phối tỉ trọng ngành chăn nuôi lợn. Chúng ta cũng đã nghiên cứu thành công vaccine dịch tả lợn châu Phi – đây chính là công cụ quan trọng nhằm thúc đẩy công tác tái đàn thuận lợi. Bên cạnh đó, việc phòng chống các bệnh dịch lở mồm long móng, tai xanh được khống chế tương đối tốt.

"Quan trọng là giá đầu ra của thịt lợn ở mức thuận lợi như hiện nay sẽ giúp đảm bảo đà tăng trưởng nói chung của chăn nuôi lợn trong nước. Như năm 2021, chúng ta giết mổ khoảng 51 triệu con lợn thì năm nay phấn đấu đạt hơn 51 triệu con lợn thương phẩm. Bên cạnh đó, chúng ta phấn đấu giữ đà tăng trưởng các loại thịt bò, thịt trâu, thịt gia cầm, các loại thủy hải sản để phục vụ thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán" - Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem