Giá lợn hơi về 80.000 đồng/kg, nông dân vẫn lãi hay chỉ hòa vốn?

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 25/08/2020 11:08 AM (GMT+7)
Theo khảo sát, giá lợn hơi hôm nay 25/8 tiếp tục có chiều hướng giảm, dao động trong khoảng 79.000 - 85.000 đồng/kg. Có thông tin cho rằng, với mức giá này, nông dân lỗ nặng, nhưng hạch toán thực tế, mức giá lợn hơi 80.000 đồng/kg vẫn đảm bảo nông dân có lãi.
Bình luận 0

Thời gian gần đây, giá lợn hơi trên cả nước có chiều hướng giảm, nhiều người băn khoăn, mức giá này liệu nông dân còn có lãi khi giá con giống họ mua quá đắt, đẩy giá thành sản xuất lên cao. 

Theo báo cáo tình hình nguồn cung thịt lợn và sản xuất, nhu cầu tiêu thụ lúa gạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá thành chăn nuôi lợn hiện đang dao động trong khoảng 50.000 - 71.000 đồng/kg tùy theo có chủ động được con giống hay không.

Nếu hạch toán chi tiết người chăn nuôi đi mua con giống thì giá thành khoảng 71.000 đồng/kg lợn hơi, nếu nuôi khép kín từ khâu giống đến nuôi thịt thì giá thành khoảng 50.000 đồng/kg lợn hơi. 

Trong khi đó, giá lợn hơi ở nhiều địa phương miền Bắc (Tuyên Quang, Nam Định, Ninh Bình, Thái Nguyên,...) đang dao động quanh mức 82.000 - 85.000 đồng/kg; giá lợn hơi ở miền Trung - Tây Nguyên quanh mức 79.000 - 86.000 đồng/kg; giá lợn hơi ở miền Nam 80.000 - 86.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi về 80.000 đồng/kg, nông dân vẫn lãi hay chỉ hòa vốn? - Ảnh 1.

Giá thành chăn nuôi lợn cho trang trại (không chủ động con giống) khoảng 70.000 đồng/kg, còn nuôi khép kín khoảng 50.000 đồng/kg. Ảnh: Vũ Mưa.

Như vậy, với mức giá này, người chăn nuôi trang trại vẫn có lãi 10.000 - 15.000 đồng/kg lợn hơi; trong khi lợi nhuận của doanh nghiệp có thể còn cao hơn.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT cùng các bộ, ngành đã, đang và sẽ trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc thị trường và quy định của pháp luật, tiếp tục chỉ đạo, kiểm soát thực hiện các giải pháp đồng bộ cho việc phòng chống dịch, đồng thời vẫn tái đàn, tăng đàn an toàn sinh học, duy trì sản xuất để đảm bảo cơ bản đủ nguồn cung thịt lợn cho người tiêu dùng.

"Nhưng do chu kỳ sinh học nên việc tái đàn, tăng đàn sản phẩm phải vào cuối quý III và đầu quý IV mới có thể cân đối cung - cầu, đến lúc đó giá cơ bản sẽ ổn định" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh. 

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến cuối tháng 6 và tháng 7/2020, tổng đàn lợn của cả nước đạt khoảng 24,9 triệu con, tương đương 80% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi (trên 31 triệu con vào 31/12/2018).

Theo báo cáo của 16 doanh nghiệp và đơn vị chăn nuôi lợn lớn, đàn lợn thịt trong tháng 6/2020 của các doanh nghiệp này đạt trên 4,16 triệu con, tăng so với 1/1/2019 (trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi) là 66,35%, tăng so với 1/1/2020 là 30,89%, đến cuối tháng 7/2020 đàn lợn thịt 4,87 triệu con tăng 17%.

Kế hoạch của 16 doanh nghiệp đến hết quý III đạt 5,17 triệu con và quý IV đạt 5,36 triệu con (tăng 68% so với 1/1/2020). 

Đến hết tháng 6/2020 theo báo cáo của các địa phương tổng đàn nái của cả nước đạt trên 2,9 triệu con, tăng gần 6,94% so với 01/01/2020, đạt 99,8% so với kế hoạch của quý II/2020 (trong đó có 115.000 con cụ kỵ và ông bà). 

Cùng với đàn nái thì đến hết tháng 5/2020 cả nước có 64.212 con lợn đực giống, đủ để sản xuất tinh và phối giống cho tổng đàn nái. Mặc dù, đàn nái như vậy nhưng từ tháng 10/2019 các cơ sở mới bắt đầu phối giống sau đó mới tái đàn, nên đến cuối quý IV mới cơ bản đủ con giống cho sản xuất. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem