Gia tăng HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới: "Ngồi ở nhà cũng tìm được bạn tình"
Gia tăng HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới: "Ngồi ở nhà cũng tìm được bạn tình"
Bạch Dương
Thứ sáu, ngày 18/12/2020 08:51 AM (GMT+7)
Việt Nam đang đối mặt sự gia tăng tỷ lệ dương tính với HIV của nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Đáng lo ngại hơn khi độ tuổi nhiễm HIV ở nhóm đối tượng này đang ngày một trẻ hóa.
13-14 tuổi đã nhiễm HIV do quan hệ tình dục đồng giới
Phạm Tuấn Sinh, đại diện nhóm MSM TG cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, tỉ lệ người nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới hiện nay khoảng 12,9%, tập trung nhiều ở đối tượng trẻ từ 16-29 tuổi, cá biệt có những bạn chỉ 13-14 tuổi đã nhiễm HIV từ bạn tình.
So với những năm trước, tỉ lệ này hiện đang tăng lên đáng kể (trước đây khoảng 4%). Tuấn Sinh cho biết, cách đây khoảng 10-15 năm, những người trong nhóm MSM không dám bộc lộ bản thân, không thể hiện giới tính của mình ra ngoài xã hội nên số liệu thống kê ít ỏi cũng là điều dễ hiểu. Họ có thể đến phòng khám, kiểm tra tình trạng HIV nhưng không dám nhận mình là MSM.
Với sự ra đời của nhiều nhóm đồng đẳng, nhiều tổ chức như VietPride, MSM TG, GLink… đã khiến những bạn này dần trở nên cởi mở hơn. "Thật sự chúng tôi thấy mừng khi con số nhiễm tăng lên, không phải mừng vì có nhiều người nhiễm HIV hơn mà mừng vì có nhiều người nhiễm HIV đã được xác định thuộc nhóm MSM bởi hiện nay chúng tôi đang là người đi tìm người nhiễm. Như thế chứng tỏ nhóm MSM đã dần bước ra khỏi vỏ bọc của mình, sẵn sàng tiếp cận với các cơ sở y tế cũng như tiếp cận các biện pháp điều trị", Tùng Văn Lưu Khiết, nhóm Sắc Màu Cuộc Sống chia sẻ.
Tống Văn Nam, đại diện nhóm Kết nối trẻ Bình Dương cho biết, do mạng xã hội phát triển nên việc tìm kiếm bạn tình ngày một dễ dàng khiến độ tuổi quan hệ tình dục đồng giới nam đang trẻ hóa. Trước đây, những người thuộc nhóm đồng giới nam chỉ có thể tìm đến một số "điểm nóng" nhất định để tìm bạn tình, nhưng bây giờ chỉ cần online Facebook, Zalo… ngồi ở nhà cũng tìm được bạn tình.
Tuấn Sinh thẳng thắn: "Mặc dù đã tuyên truyền, giáo dục nhiều nhưng thực tế, tỉ lệ nhiễm HIV trong các bạn trẻ MSM một phần do các bạn sử dụng chất kích thích, ma túy dẫn đến quan hệ tình dục không kiểm soát".
PrEP ngăn ngừa đến 98% nguy cơ lây nhiễm
Trong bối cảnh đó, PrEP - thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV ra đời, được xem như biện pháp hữu hiệu. Thực tế trong 3 năm triển khai, PrEP đã mang đến những tín hiệu lạc quan.
Hơn 6 tháng nay, anh Lý (24 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) biết đến và sử dụng PrEP như một biện pháp phòng ngừa nguy cơ nhiễm HIV cho mình. Có bạn tình là nam giới, trước đó, Lý luôn nơm nớp lo sợ mình có thể bị nhiễm HIV.
Cũng biết đến PrEP thông qua các hoạt động trong cộng đồng những người đồng tính, Đăng Khoa (25 tuổi, ngụ quận 9) lựa chọn uống PrEP mỗi ngày để bảo vệ bản thân. Dù biết đến PrEP chỉ mới 3 tháng, nhưng Khoa hoàn toàn hài lòng với hiệu quả mà PrEP mang lại.
Khoa chia sẻ: "Ban đầu mình có hơi nghi ngại, lo lắng về những tác dụng phụ của thuốc, nhưng sau khi sử dụng mình không bị buồn nôn hay đau đầu như khuyến cáo, cũng không ảnh hưởng đến công việc khiến mình cảm thấy khá thoải mái".
Đây chỉ là 2 trong hàng ngàn trường hợp biết đến và sử dụng PrEP như một liệu pháp phòng chống lây nhiễm HIV hiệu quả trong cộng đồng MSM tại TP.HCM. Dù mới chỉ được cấp phép cung cấp PrEP từ tháng 9/2020 nhưng sau hơn 2 tháng, Phòng khám cộng đồng Alocare (quận Thủ Đức) đã có 240 khách hàng sử dụng biện pháp phòng ngừa này.
Anh Nguyễn Minh Thuận, Giám đốc Phòng khám Alocare, cho biết, ban đầu nhiều bạn trong cộng đồng MSM vẫn còn e ngại với PrEP, nhưng sau khi được tư vấn kỹ càng thì ngày càng có nhiều người tin tưởng, lựa chọn PrEP và đã có những phản hồi tích cực về PrEP. "Nếu như có nguồn thuốc hỗ trợ ổn định, lâu dài, tôi tin chắc rằng đây sẽ là vũ khí lợi hại ngăn ngừa HIV lây lan trong cộng đồng", anh Nguyễn Minh Thuận nhìn nhận.
Đánh giá về hiệu quả của PrEP, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) nhìn nhận, PrEP giúp giảm 95%-98% khả năng lây nhiễm HIV.
Cụ thể, một nghiên cứu cho thấy, trong 10.000 trường hợp sử dụng PrEP chỉ có 8 người dương tính với HIV, trong khi nếu không được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm, số lượng người nhiễm mới khoảng 700 người. Do đó, hiện nay, PrEP được coi là phương pháp hiệu quả nhất trong việc ngăn ngừa lây nhiễm HIV trong cộng đồng và được Bộ Y tế đưa vào tài liệu "Hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS" từ tháng 12/2017.
Những đối tượng được khuyến cáo sử dụng PrEP là những người có nguy cơ lây nhiễm cao như nam giới quan hệ tình dục đồng tính, người chuyển giới nữ, phụ nữ bán dâm, các cặp dị nhiễm (tức là có 1 người vợ hoặc 1 người chồng bị nhiễm HIV). Đặc biệt, phương pháp này an toàn với hầu hết người sử dụng, bao gồm cả phụ nữ mang thai và cho con bú. Chỉ khoảng 10% người sử dụng gặp tác dụng phụ như buồn nôn, chóng mặt, đau đầu... nhưng thường nhẹ và chấm dứt sau 1-2 tuần.
Là một trong những phòng khám cộng đồng tại TP.HCM được tiếp cận với PrEP đầu tiên vào tháng 10/2017, sau 3 năm, tại hệ thống 7 phòng khám GLink trên toàn quốc đã có 3.500 khách hàng đăng ký sử dụng PrEP thường xuyên, trong đó có đến 92% là nam quan hệ tình dục đồng giới.
Để có lượng khách hàng đông đảo này, bác sĩ Lư Trọng Tín, Phòng khám GLINK, chia sẻ, phòng khám đã triển khai nhiều cách thức như đa dạng các kênh truyền thông từ trực tiếp đến trực tuyến, phát triển mạng lưới cộng tác viên tiếp cận, hỗ trợ khách hàng, triển khai thêm nhiều mô hình mới, đặc biệt là cung cấp PrEP lưu động và các dịch vụ theo gói như xét nghiệm HIV, điều trị ARV, dự phòng PrEP...
Tuy nhiên, hiện nay việc tiếp cận PrEP ở các vùng nông thôn, miền núi còn nhiều khó khăn. Do đó, trong thời gian tới, Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ phối hợp với các bên liên quan mở rộng cung cấp dịch vụ này bằng nhiều hình thức khác nhau.
Bên cạnh đó, để đảm bảo tài chính cho chương trình, lãnh đạo Cục sẽ đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ chi trả PrEP thông qua BHYT, cũng như vận động các nguồn lực xã hội khác nhằm đảm bảo cung cấp nguồn thuốc ổn định, lâu dài, tăng tiếp cận với người có nguy cơ cao lây nhiễm và có nhu cầu sử dụng PrEP. Dự kiến, đến cuối năm 2021 sẽ có khoảng gần 30.000 khách hàng sử dụng PrEP thường xuyên, như một biện pháp bảo vệ khỏi nguy cơ lây nhiễm HIV.
PrEP - thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV được giới thiệu lần đầu tiên tại Việt Nam vào đầu năm 2017, trong khuôn khổ chương trình Prepped for PrEP (P4P) - một chương trình thí điểm do Cục Phòng, chống HIV/AIDS và dự án USAID PATH Healthy Markets phối hợp triển khai. Sau thời gian thí điểm, từ năm 2019, PrEP bắt đầu được đưa vào sử dụng rộng rãi ở nhiều tỉnh thành và đến nay đã có mặt tại 27 địa phương trên cả nước, với hơn 125 cơ sở điều trị (93 cơ sở y tế nhà nước và 32 cơ sở y tế tư nhân).
Tính đến tháng 11/2020 đã có 13.000 khách hàng sử dụng PrEP nhằm mục đích phòng ngừa nhiễm HIV. Tại TPHCM, hiện đã có hơn 30 cơ sở triển khai cung cấp PrEP, gồm các phòng khám công lập thuộc trung tâm y tế quận/huyện và các phòng khám cộng đồng do tư nhân lập ra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.