Giá xăng dầu hôm nay 10/8: Giá xăng có thể giảm tới 1.200 đồng/lít?

Nguyễn Phương Thứ tư, ngày 10/08/2022 10:43 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu hôm nay 10/8: Trên thị trường thế giới, giá dầu thô tiếp tục giảm trong phiên giao dịch sáng nay, vì lo ngại sự chậm lại của nền kinh tế có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu. Trong nước, giá xăng ngày mai (11/8) có thể giảm tới 1.200 đồng/lít?...
Bình luận 0

Trên thị trường thế giới, giá dầu thô tiếp tục giảm trong phiên giao dịch sáng nay, vì lo ngại sự chậm lại của nền kinh tế có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu

Giá xăng dầu hôm nay 10/8: Tiếp đà giảm vì triển vọng nhu cầu xấu đi

Ghi nhận lúc 10h29 sáng ngày 10/8/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI đứng ở mức 89,99 USD/thùng, giảm 0,56%.

Trong khi đó, giá dầu Brent đứng ở mức 95,99 USD/thùng, giảm 0,32%.

Giá xăng dầu hôm nay 10/8: Giá xăng có thể giảm tới 1.200 đồng/lít? - Ảnh 1.

Giá xăng dầu hôm nay 10/8

Giá xăng dầu hôm nay 10/8: Giá xăng có thể giảm tới 1.200 đồng/lít? - Ảnh 2.

Giá xăng dầu hôm nay 10/8

Giá xăng dầu hôm nay 10/8: Giá xăng có thể giảm tới 1.200 đồng/lít? - Ảnh 3.

Giá xăng dầu hôm nay 10/8: Trên thị trường thế giới, giá dầu thô tiếp tục giảm trong phiên giao dịch sáng nay, vì lo ngại sự chậm lại của nền kinh tế có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu.

Giá dầu ngày 10/8 giảm nhẹ trong bối cảnh đồng USD tiếp đà suy yếu nhờ kỳ vọng lạm phát Mỹ đã đạt đỉnh, bắt đầu hạ nhiệt, qua đó làm giảm triển vọng tăng lãi suất của Fed.

Trước đó, theo dữ liệu từ ANZ, nhu cầu dầu năm 2022 ước tăng 1,8 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 99,7 triệu thùng/ngày.

Thị trường dầu thô cũng ghi nhận dữ liệu nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 7/2022, đạt mức 8,79 triệu thùng/ngày. Mặc dù vậy, mức nhập khẩu này vẫn thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ 2021, tới 9,5%.

Giá dầu hôm nay giảm nhẹ còn do lo ngại thoả thuận hạt nhân Iran tiếp tục rơi vào bế tắc khi Iran vẫn tiếp tục làm giàu Urannium và hạn chế không cho phép các đoàn kiểm tra làm việc.

Ở diễn biến khác, theo một số nguồn tin được phát đi ngày 8/8, công ty năng lượng nhà nước Ukraine Ukrtransnafta đã ngừng bơm dầu của Nga qua nhánh phía nam của đường ống Druzhba tới EU. Động thái này được khẳng định sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn cung khí tới các nước Hungary, Cộng hòa Séc, Slovakia.

Tuy nhiên, ở chiều hướng khác, đà giảm của giá dầu hôm nay cũng bị kiềm chế đáng kể bởi thông tin tồn kho dầu thô Mỹ tăng mạnh và lo ngại suy thoái kinh tế khi căng thẳng địa chính trị, đặc biệt là căng thẳng Mỹ-Trung Quốc, gia tăng.

Số liệu từ Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cho biết, tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần trước đã tăng thêm 2,156 triệu thùng trong tuần trước, vượt xa mức dự báo giảm 400.000 thùng được giới phân tích đưa ra. Dự trữ xăng của Mỹ giảm 627.000 thùng nhưng dự trữ sản phẩm chưng cất lại tăng 1,376 triệu thùng.

Hiện thị trường đang hướng sự chú ý đến dữ liệu lạm phát và PPI của Mỹ sẽ được trong tuần này để có thêm dữ liệu để đánh giá triển vọng kinh tế, qua đó đánh giá triển vọng tiêu thụ dầu toàn cầu.

Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, cán cân cung cầu chưa thực sự cân bằng có thể hỗ trợ cho giá dầu tiếp tục hồi phục. Giá dầu đang tìm cách duy trì đà tăng, khi các tin tức tiêu cực trên thị trường đã vơi bớt.

Nguyên nhân chính khiến cho thị trường chịu sức ép bán lớn đến từ những lo ngại suy thoái kinh tế sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ dầu sụt giảm. Tuy nhiên, bất chấp những số liệu tiêu thụ kém khả quan được công bố gần đây của Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA), nhu cầu tiêu thụ dầu thực tế có khả năng vẫn chưa có dấu hiệu suy yếu.

GasBuddy, cơ quan theo dõi nhu cầu xăng bán lẻ tại các trạm bơm ở Mỹ, cho biết nhu cầu xăng đã tăng 2% vào tuần trước, trong khi, báo cáo của EIA cho thấy nhu cầu giảm 7,6% trong cùng khoảng thời gian.

Nhiều khả năng, nhu cầu tiêu thụ dầu vẫn chưa hạ nhiệt, bởi Mỹ vẫn đang tích cực kêu gọi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) tăng sản lượng. Bên cạnh đó, Mỹ và các đồng minh phương Tây tiếp tục tìm cách để hoàn tất thỏa thuận hạt nhân với Iran, trong một nỗ lực gia tăng nguồn cung dầu thế giới thêm 1 triệu thùng/ngày.

Các hoạt động đầu tư vào các dự án mới trên toàn cầu hiện cũng đang rất hạn chế. Ngoài ra, số lượng giàn khoan dầu mới đang có dấu hiệu giảm, trong bối cảnh giá dầu hạ nhiệt dần so với mức đỉnh hồi tháng 3. Các công ty sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ cũng không có ý định đẩy mạnh sản xuất để tránh tình trạng gia tăng nguồn cung vượt nhu cầu như trước đây.

Tất cả các thông tin hiện vẫn đang chỉ ra rằng cán cân cung cầu trên thị trường dầu vẫn chưa cân bằng, và giá dầu có thể tiếp tục neo ở mức cao trở lại, dù đã hạ nhiệt so với đầu năm.

Giá xăng dầu tại thị trường trong nước 

Tại thị trường trong nước, Bộ Công Thương có quyết định điều hành giá xăng dầu kể từ 15 giờ hôm 1/8.

Theo đó, từ 15h00 chiều ngày 1/8, giá xăng E5 RON 92 giảm 444 đồng/lít so với giá hiện hành, giá xăng RON 95-III giảm 462 đồng/lít; giá các loại dầu giảm từ 713 – 950 đồng/lít/kg.

Giá xăng E5 RON 92 giảm 444 đồng/lít và giá bán mới không cao hơn 24.629 đồng/lít. Giá xăng RON 95-III không cao hơn 25.608 đồng/lít (giảm 462 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành).

Giá dầu diezen 0.05S giảm 950 đồng/lít trở về mức 23.908 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 713 đồng/lít và giá bán mới là 24.533 đồng/lít. Mặt hàng dầu mazut 180CST 3.5S giữ nguyên giá 16.548 đồng/kg.

Giá xăng dầu hôm nay 10/8: Giá xăng có thể giảm tới 1.200 đồng/lít? - Ảnh 4.

Theo chu kỳ điều hành giá xăng dầu, ngày mai (11/8), Liên Bộ Công Thương – Tài chính sẽ công bố giá cơ sở cho kỳ điều hành từ ngày 11/8.

Hiện giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 10/8 như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 24.629 đồng/lít; giá xăng RON 95 không cao hơn 25.608 đồng/lít; giá dầu diezen 0.05S không cao hơn 23.908 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 24.533 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 16.548 đồng/kg.

Liên Bộ Công Thương - Tài chính yêu cầu thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 800 đồng/lít (kỳ trước là 950 đồng/lít); xăng RON 95 ở mức 850  đồng/lít (kỳ trước là 950 đồng/lít), dầu diesel ở mức 450 đồng/lít (kỳ trước là 550 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 650 đồng/lít (kỳ trước là 700 đồng/lít) và dầu mazut ở mức 787 đồng/kg (kỳ trước là 950 đồng/kg). Đồng thời, không chi Quỹ BOG đối với các loại xăng dầu.

Như vậy, ở kỳ điều hành ngày 1/8, liên Bộ tiếp tục trích Quỹ BOG với mặt hàng xăng ở mức cao. Điều này khiến giá xăng không thể tiếp tục giảm mạnh như 2 kỳ vừa qua.

Tính chung cả 4 lần giảm giá liên tiếp, cơ quan điều hành đã trích tới hơn 2.750 đồng/lít với mặt hàng xăng; 2.150 đồng/lít với dầu hỏa và 1.550 với dầu diesel.

Nếu kỳ điều chỉnh này, liên Bộ Công Thương - Tài chính không trích lập Quỹ BOG, giá xăng đã có thể giảm tới 1.250-1.320 đồng/lít và dầu diesel cũng có thể giảm tới 1.400 đồng/lít.

Theo lý giải của nhà quản lý, thời gian qua, để bình ổn giá xăng dầu trong nước, Quỹ BOG xăng dầu đã được sử dụng khá nhiều nên số dư tại một số doanh nghiệp vẫn còn âm. Tuy nhiên, hiện nay dư địa Quỹ BOG xăng dầu của một số doanh nghiệp đã dương trở lại, trong đó, đến ngày 1/8, Quỹ BOG của Petrolimex - nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước dương 305 tỷ đồng.

Theo số liệu, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành ngày 1/8 giảm 1,2-3,8% so với kỳ trước. Cụ thể xăng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5 RON 92) còn 110,6 USD/thùng, giảm 1,2%; xăng RON 95 còn 114,4 USD/thùng, giảm 1,5%; dầu diesel còn 130,5 USD/thùng, giảm 3,8%...

Tính đến nay, giá xăng dầu đã trải qua 20 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 7 lần giảm. Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 trong nước đã xuống quanh mức 24.500-25.600 đồng/lít, tương đương mức giá vào tháng 2.

Điều này khiến cho người dân và doanh nghiệp vui mừng bởi chi phí cho xăng dầu giảm, đồng nghĩa với gánh nặng lên vai đã nhẹ bớt, có thể kích cầu tiêu dùng trong thời gian tới. Theo đánh giá của chuyên gia, giá xăng dầu giảm mạnh không chỉ giúp người dân được hưởng lợi trực tiếp từ giá xăng mà còn có thể hưởng lợi gián tiếp từ việc giảm giá các loại hàng hóa, dịch vụ.

Chính phủ, các Bộ ngành có thể tiếp tục đề xuất mạnh việc giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt để giá xăng giảm xuống nữa, giúp giá cả thị trường, chi phí giảm, doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh.

Giá dầu thế giới còn rất khó dự báo, có thể giảm trong kỳ điều hành này, nhưng sẽ quay trở lại tăng vào thời gian tới. Do vậy, các Bộ, ngành cần tiếp tục tính toán, cân nhắc và đề xuất các giải pháp để giảm thuế trên xăng dầu, từ đó giảm giá xăng dầu, góp phần tác động mạnh hơn tới giảm giá nhiều mặt hàng tiêu dùng...

Được biết, các doanh nghiệp dự báo giá xăng dầu trong nước sẽ có lần giảm thứ 5 liên tiếp vào ngày 11/8 tới. Với việc giá xăng dầu thành phần phẩm trung bình trên thị trường Singapore trong kỳ điều hành từ ngày 1/8 giảm khoảng 8 USD/thùng, giá xăng ngày mai được dự báo có thể giảm tới 1.200 đồng/lít.

Theo chu kỳ điều hành giá xăng dầu, ngày mai (11/8), Liên Bộ Công Thương – Tài chính sẽ công bố giá cơ sở cho kỳ điều hành từ ngày 11/8.

Dữ liệu cập nhật của Bộ Công Thương đến ngày 8/8 cho thấy giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore thời gian gần đây tiếp tục giảm khoảng 8 USD/thùng so với kỳ điều hành trước.

Cụ thể, giá xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 bình quân trên thị trường Singapore là 102,48 USD/thùng và giá xăng RON 95 là hơn 106,1 USD/thùng. Trong khi đó, tại kỳ điều hành ngày 1/8, giá xăng RON 92 bình quân được ghi nhận là 110,631 USD/thùng và xăng RON 95 là 114,456 USD/thùng.

Giá các mặt hàng dầu trong kỳ điều hành cũng có xu hướng giảm mạnh.

Trao đổi với báo chí, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cho biết, trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/8, nếu cơ quan điều hành không thay đổi các mức chi, trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng ngày mai (11/8) có thể được điều chỉnh giảm từ 1.000 – 1.200 đồng/lít. Trong khi giá dầu có thể giảm tới 1.500 đồng/lít.

Tuy nhiên, nếu cơ quan điều hành thay đổi mức chi, trích Quỹ bình ổn, giá xăng ngày 11/8 sẽ giảm ít hơn.

Nếu đúng như dự báo, giá xăng dầu sẽ có lần giảm thứ 5 liên tiếp, đưa giá xăng về mốc 23.500 – 24.500 đồng/lít.

Ngày 8/8, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (thuộc mã HS từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) từ 20% xuống 10%.

Cụ thể, sửa đổi mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 quy định tại Phụ lục II - Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ thành các mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mới quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định Nghị định số 51/2022/NĐ-CP.

Theo đó, điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (thuộc mã HS từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) từ 20% xuống 10%.

Theo Bộ Tài chính, so với nhiều nước, tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu của nước ta hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung. Tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu ở nhiều nước hiện nay chủ yếu trong khoảng 40% - 55% đối với xăng và 35% - 50% đối với dầu (ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỷ trọng thấp hơn).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem