Hôm nay 26/12, giá xăng trên thế giới tiếp tục đà tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại ở nửa cuối tháng này. Điều này sẽ tác động đến giá xăng trong nước ở phiên điều chỉnh diễn ra vào thứ 5 tuần này, rất có thể sẽ tăng.
Cập nhật mới nhất của Dân Việt, giá xăng dầu 26/12 trên thế giới tại thời điểm 6h30 phút (giờ Việt Nam), cụ thể như sau:
Giá dầu thô WTI tăng lên 73,874 USD/thùng, tương đương tăng 0,43%; giá dầu Brent tăng lên 79,253 USD/thùng, tương đương tăng 0,23% so với phiên giao dịch trước đó. So với cùng kỳ năm ngoái, giá dầu thô WTI giảm 7,26%, giá dầu Brent giảm 6,30%.
Giá dầu thô Brent kỳ hạn dao động dưới 80 USD/thùng, tăng tuần thứ hai liên tiếp. Nguyên nhân của đợt tăng giá này là bởi sự gián đoạn thương mại toàn cầu trong bối cảnh các cuộc tấn công của Houthi gia tăng nhằm vào các tàu ở Biển Đỏ.
Theo báo cáo của Bloomberg, các chuyến hàng dầu ở Biển Đỏ đã giảm hơn 40% trong tuần so với mức trung bình hàng ngày trong ba tuần trước đó. Đồng thời, nguồn cung dầu hiện nay vẫn còn hạn chế do phần lớn dầu thô của Trung Đông được xuất khẩu qua eo biển Hormuz.
Trong khi đó, giá dầu chịu áp lực hôm thứ Năm sau khi Angola tuyên bố sẽ rời OPEC sau 16 năm trong bối cảnh bất đồng về hạn ngạch sản lượng dầu của nước này vào năm 2024. OPEC đã cố gắng hạn chế nguồn cung khi hoạt động sản xuất ngoài OPEC, dẫn đầu là Mỹ, tiếp tục tăng.
Về mặt nhu cầu, các quốc gia tại hội nghị khí hậu COP28 đang xem xét kêu gọi chính thức loại bỏ nhiên liệu hóa thạch như một phần trong thỏa thuận cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc nhằm giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu. Ngoài ra, đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong hai tuần sau khi dữ liệu mới cho thấy cơ hội việc làm trong tháng 10 giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng trong năm tới, 1,1 triệu thùng/ngày, trong khi OPEC cho rằng nhu cầu sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong dịp đầu năm 2024.
Theo các nhà phân tích, mặc dù OPEC cắt giảm sản lượng trong quý I/2024 nhưng nguồn cung trong năm sẽ vẫn dồi dào bởi nguồn cung ổn định từ Brazil, Guyana, Na Uy và Canada và sản lượng tăng từ Mỹ. Đã có những ý kiến cho rằng giá dầu có thể chạm "đỉnh" 100 USD/thùng trong năm 2024, nhưng nếu không có điểm nóng chính trị, khả năng này gần như bằng 0.
Ở lần điều chỉnh giá xăng dầu lần này, Liên Bộ Tài chính - Bộ Công Thương tiếp tục quyết định không trích lập Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu và chỉ trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng dầu mazut. Đồng thời, không chi sử dụng Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: lo ngại xảy ra xung đột tại khu vực Biển Đỏ, gây gián đoạn thương mại quốc tế và dòng chảy năng lượng toàn cầu, tồn kho dầu thô và nhiên liệu của Mỹ tăng…
Trong đó, lo ngại nguồn cung dầu bị gián đoạn trước căng thẳng tại Biển Đỏ khi các hãng vận tải hàng hải lớn chọn tránh tuyến đường Biển Đỏ bằng các chuyến đi dài hơn, làm tăng phí vận chuyển và bảo hiểm.
Được biết, Hy Lạp đã khuyến cáo các tàu thương mại đi qua Biển Đỏ và Vịnh Aden tránh vùng biển của Yemen. Hiện tại, các chủ tàu Hy Lạp kiểm soát khoảng 20% tàu thương mại trên thế giới xét về phương diện sức chở.
Ngày 19/12, Washington đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm để bảo vệ thương mại ở Biển Đỏ khỏi các cuộc tấn công của lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn. Trong khi đó, lực lượng Houthi thề sẽ thách thức sứ mệnh hải quân do Mỹ dẫn đầu và tiếp tục nhắm mục tiêu vào hoạt động vận chuyển trên Biển Đỏ để hỗ trợ Hamas.
Theo công bố, có khoảng 12% lưu lượng vận tải biển thế giới đi qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez. Các nhà phân tích cho biết mặc dù nguồn cung dầu đã được điều chỉnh lại nhưng vẫn chưa xuất hiện tình trạng thiếu hụt.
Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua có biến động tăng sau 5 lần giảm liên tiếp
Hiện tại, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 14-12 và kỳ điều hành ngày 21/12 ở mức gần 5% với xăng và gần 3% với dầu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.