Giá xăng dầu tăng đồng loạt tăng "sốc", có loại tăng gần 400 đồng/lít
Giá xăng dầu tăng đồng loạt, có loại tăng gần 400 đồng/lít
An Linh
Thứ năm, ngày 11/01/2024 15:22 PM (GMT+7)
Giá xăng dầu sau phiên giảm đồng loạt ngày 4/1 đã bật tăng trở lại trong phiên điều chỉnh ngày hôm nay (11/1). Theo đó, các mặt hàng xăng dầu tăng từ 19 đồng/lít đến 374 đồng/lít bắt đầu từ 15 giờ ngày 11/1.
Liên Bộ Công Thương - Bộ Tài chính vừa có quyết định điều chỉnh giá bán xăng dầu các loại trong phiên điều chỉnh 15 giờ ngày 11/1. Theo đó, mặt hàng xăng tăng đồng loạt từ 19 đồng đến 35 đồng/lít, trong đó giá xăng E5 tăng 35 đồng/ lít, giá bán lẻ xăng E5 RON 92 là 21.041 đồng/lít, thấp hơn xăng RON95-III 894 đồng/lít; giá xăng RON 95 tăng 19 đồng/ lít, giá bán lẻ 21.935 đồng/lít.
Giá dầu các loại tăng mạnh hơn, dầu diesel tăng 339 đồng/lít, giá bán lẻ 19.707 đồng/lít; dầu hỏa tăng 374 đồng/lít, giá bán lẻ 20.331 đồng/lít, dầu mazut tăng hơn 320 đồng/ kg, giá bán lẻ 15.815 đồng/kg.
Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu bán lẻ ngày 11/1, liên Bộ Tài chính - Công Thương không trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng, dầu diesel và dầu hỏa và trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng dầu mazut.
Trước đó, ngày 4/1 trong phiên điều hành giá xăng dầu đầu tiên năm 2024, liên Bộ Công Thương - Bộ Tài chính đã điều chỉnh giảm đồng loạt giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu, trong đó giá xăng E5 RON 92 giảm 180 đồng/lít, giá bán lẻ 21.006 đồng/lít, thấp hơn xăng RON95-III 911 đồng/lít; giá xăng RON 95 giảm 232 đồng, giá bán lẻ không cao hơn 21.916 đồng/lít.
Các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm, trong đó dầu diesel giảm 420 đồng/lít, giá bán lẻ hơn 19.368 đồng/lít; dầu hỏa giảm cao nhất hơn 500 đồng, giá bán lẻ 19.957 đồng/lít; dầu mazut giảm 190 đồng/ lít, giá bán lẻ 15.495 đồng/kg.
Trong lần điều chỉnh ngày 4/1, không trích lập và không chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cho các mặt hàng xăng dầu trong nước.
Mới đây, trong kết luận về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý nhà nước về xăng dầu, Thanh tra Chính phủ nêu nhiều vi phạm của Bộ Công Thương, Tổng cục Thuế và một loạt các doanh nghiệp xăng dầu trên thị trường.
Riêng Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ khẳng định Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến hoạt động kinh doanh xăng dầu diễn biến phức tạp, nhiều hành vi mua bán trái quy định, phá vỡ các nguyên tắc đã được quy định trong nghị định của Chính phủ, xảy ra thường xuyên trong thời gian dài.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, vụ việc để xem xét, xử lý theo quy định.
Ngoài trách nhiệm trực tiếp của Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ cũng nêu sai phạm của hàng loạt doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong đó có Tập đoàn Thiên Minh Đức và Công ty Xuyên Việt Oil nợ thuế số tiền rất lớn, vay ngân hàng hàng nghìn tỷ đồng nhưng Chủ tịch, Tổng Giám đốc doanh nghiệp này vẫn được mượn tiền công ty hàng nghìn tỷ đồng với mục đích cá nhân.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính thiếu kiểm tra, giám sát các thương nhân đầu mối KDXD, dẫn đến một số thương nhân đầu mối KDXD xây dựng giá bán buôn, bán lẻ xăng dầu thiếu cơ sở…
Về kiểm điểm, xử lý trách nhiệm, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu vụ việc để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Thanh tra Chính phủ chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, có liên quan đến những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm nêu tại kết luận thanh tra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.