Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói về cơ chế "đặt hàng" đào tạo nông dân
Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Cần có cơ chế "đặt hàng" đào tạo nông dân
K.Nguyên
Thứ hai, ngày 30/05/2022 16:21 PM (GMT+7)
Trao đổi thêm về vấn đề đào tạo nghề hiệu quả cho lao động nông thôn tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam lần thứ tư ngày 29/5, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, các địa phương cần "đặt hàng" các cơ sở giáo dục đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp.
Tham gia đối thoại với Thủ tướng tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam lần thứ tư tại Sơn La ngày 29/5, chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng đặt câu hỏi: "Muốn thực hiện thành công việc xây dựng thế hệ nông dân thông minh thì công tác đào tạo nghề rất quan trọng. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho nông dân còn mang tính hình thức.
Vậy, Chính phủ cần có chính sách đột phá gì về đào tạo nghề cho nông dân, để hình thành một thế hệ nông dân làm nông nghiệp một cách chuyên nghiệp?".
Để trả lời cho câu hỏi này của chuyên gia Nguyễn Lân Hùng và cũng là sự quan tâm của nhiều nông dân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và GS.TS Nguyễn Thị Lan, Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam có những diễn giải xung quanh công tác đào tạo nghề cho nông dân hiện nay.
GS.TS Nguyễn Thị Lan cho rằng: Để phát triển nông nghiệp theo Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bên cạnh các giải pháp về vốn, cơ sở vật chất,… thì một trong những vấn đề căn cơ, cốt lõi là nguồn nhân lực và khoa học công nghệ.
Về nguồn nhân lực cho các địa phương, theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, để phát triển nền nông nghiệp bền vững theo hướng xanh và sạch, cần phải quan tâm đến quy hoạch nguồn nhân lực.
Nếu như không làm tốt quy hoạch nguồn nhân lực thì chúng ta sẽ không có định hướng, không có kế hoạch bài bản, toàn diện để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
"Cần phải xác định nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương căn cứ vào thực trạng và định hướng chiến lược phát triển của địa phương để biết địa phương cần gì để đào tạo cho phù hợp, từ đó sẽ có định hướng, kế hoạch sát thực để thực hiện" - GS.TS Nguyễn Thị Lan khẳng định.
Đồng thời, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cần có quy hoạch về cơ sở đào tạo, xác định ai đào tạo và đào tạo như thế nào. Tăng cường phối hợp các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp để cùng tham gia đào tạo.
Từ đó chúng ta xây dựng một chuẩn mực cho vị trí công việc ở địa phương, mỗi hợp tác xã, mỗi vị trí đó cần kiến thức chuẩn như thế nào thì đào tạo kiến thức đó.
Đối với người nông dân, GS.TS Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh, cần một thế hệ nông dân mới, có kiến thức và kỹ năng chuyên nghiệp hơn để thích ứng với bối cảnh mới, thách thức mới.
Chính phủ cần giao các cơ sở đào tạo đầu ngành trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản xây dựng bộ chương trình, tài liệu chuẩn để đào tạo “nông dân chuyên nghiệp” có kiến thức khoa học kỹ thuật, thành thạo các kỹ năng kinh tế số, công nghệ mới, kỹ năng quản lý kinh tế, kỹ năng đàm phán và thương thuyết, xúc tiến thương mại, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, ... theo sát nhu cầu và yêu cầu thị trường nông sản quốc tế, gắn với thị trường lao động và phù hợp với xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn trong nước.
Để chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp cần phải có thể chế khuyến khích hình thành và phát triển tầng lớp doanh nhân trong nông nghiệp. Chúng ta rất cần tầng lớp doanh nhân mới, ở cả đô thị và nông thôn, đó phải là những người biết phụng sự xã hội, phụng sự dân tộc, biết làm giàu cho mình và cho sự hưng thịnh của quốc gia.
"Các bộ ngành Trung ương và các địa phương cần sớm phát động chương trình “Nông dân khởi nghiệp” và chương trình cần được thực hiện thường xuyên, thực chất để người nông dân ở mọi miền tổ quốc, không phân biệt tuổi tác, giới tính, trình độ văn hóa,... có thể tiếp cận thông tin, trao đổi kinh nghiệm và cùng nhau khởi nghiệp nông nghiệp" - GS.TS Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.
Đối với khoa học công nghệ (KHCN), Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, với mỗi địa phương cũng cần quy hoạch tốt. Đánh giá xem thực tế mỗi địa phương cần nhu cầu gì về KHCN dựa vào đặc thù thế mạnh văn hoá, địa lý, kinh tế, đất đai,.. định hướng chiến lược của địa phương để xây dựng kế hoạch, tiếp nhận giống vật nuôi, cây trồng, kỹ thuật, công nghệ… phù hợp từ các trung tâm nghiên cứu lớn, từ trường đại học, doanh nghiệp, địa phương, trong nước quốc tế.
Đây là cách nâng cao chất lượng nhân lực nông nghiệp hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số theo hướng “trí thức hóa nông dân”; phát huy mạnh mẽ tiềm năng sáng tạo vô tận của người dân nông thôn Việt Nam.
Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, Học viện Nông nghiệp Việt Nam là tổ chức đào tạo và NCKH nông nghiệp lớn với bề dày truyền thống 66 năm, với đội ngũ gần 1.400 cán bộ, viên chức, đã đào tạo được trên 100.000 cán bộ kĩ thuật, bác sỹ thú y, cán bộ quản lý có trình độ đại học và trên đại học phục vụ ngành nông nghiệp trên mọi miền của Tổ quốc, luôn nhận thức sâu sắc về vai trò của sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, sẵn sàng đón nhận các nhiệm vụ, các trọng trách mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ban ngành, các địa phương và bà con nông dân tin tưởng giao phó.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.