Giám đốc nhân sự PNJ: Khơi gợi để nhân viên phát huy tài năng, thấy hạnh phúc khi làm việc

P.V Thứ tư, ngày 09/12/2020 08:51 AM (GMT+7)
Trong đại dịch Covid-19, PNJ vẫn tăng trưởng và phát triển để chinh phục những đỉnh cao mới trên thị trường. Thành công này đến từ sự gắn kết và nội lực của mọi người; sự linh hoạt, ứng biến trong các chiến lược và chính sách của công ty.
Bình luận 0

PNJ trở thành mái nhà chung để bất kỳ nhân viên nào cũng có thể phát huy hết khả năng của mình…

Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa được Báo Lao động - Xã hội phối hợp Talentnet vinh danh Chính sách nhân sự ứng biến Covid xuất sắc trong khuôn khổ giải thưởng Vietnam HR Award 2020. Và ông Nguyễn Anh Hùng, Giám đốc Khối Nguồn nhân lực PNJ đã được vinh danh Nhà lãnh đạo nhân sự ứng biến xuất sắc.

Phóng viên đã trao đổi với ông Nguyễn Anh Hùng, Giám đốc Khối Nguồn nhân lực PNJ, xung quanh câu chuyện "vượt bão" của PNJ thời gian qua.

Giám đốc nhân sự PNJ: Khơi gợi để nhân viên phát huy tài năng, thấy hạnh phúc khi làm việc - Ảnh 1.

Vietnam HR Award 2020 được ví như giải Oscar của ngành nhân sự Việt, ông chia sẻ một chút khi PNJ vinh dự nhận được giải thưởng này, còn bản thân ông cũng nhận được giải thưởng dành cho Nhà lãnh đạo nhân sự ứng biến xuất sắc?

- Vietnam HR Awards 2020 là một phiên bản đặc biệt, nhằm vinh danh những doanh nghiệp xây dựng chính sách nhận sự và chiến lược quản trị nguồn lực xuất sắc, ứng phó hiệu quả những tác động từ đại dịch, hóa giải rủi ro, nắm bắt cơ hội tăng trưởng mới.

Giải thưởng được xúc tiến ngay sau đợt dịch Covid-19 lần 2 xảy ra ở Đà Nẵng, thời điểm đó, chúng tôi cũng khá lưỡng lự vì vừa muốn tham gia để chia sẻ, học hỏi, cũng vừa muốn tập trung cho vấn đề kinh doanh. Sau khi trao đổi, Khối Nguồn nhân lực quyết định tham gia và đề xuất Ban lãnh đạo nộp hồ sơ giải thưởng này. Bởi từ khoảng 2,5 năm trước, PNJ đã thay đổi, đầu tư vào hệ thống quản trị, con người, chúng tôi cũng muốn chia sẻ câu chuyện DN vượt qua khủng hoảng dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm.

Và rất vui là sau một số vòng đánh giá, kết quả PNJ đã được vinh danh trong Top 10 Chính sách nhân sự ứng biến Covid xuất sắc. Và bản thân tôi cũng khá bất ngờ khi nhận được vinh danh Nhà lãnh đạo nhân sự ứng biến xuất sắc, bởi một mình tôi sẽ không thể tạo nên thành công này mà có sự đóng góp của cả Khối Nguồn nhân lực, định hướng của Ban điều hành và sự cộng hưởng của gần 7.000 cán bộ nhân viên trong công ty.

Trở lại câu chuyện ứng phó với đại dịch, nhất là bài toán nhân sự trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đến mọi hoạt động sản xuất, kin doanh của DN. Với PNJ, khó khăn nhất trong bài toán nhân sự ở giai đoạn vừa qua là gì?

- Thật ra, giai đoạn dịch Covid-19 tác động cũng là dịp để các DN tạm dừng lại và nhìn lại mình, bản thân từng cán bộ, nhân viên, người lao động cũng vậy. Chậm lại để xác định đâu là điểm chưa tối ưu, điểm tốt, điểm cần tập trung đầu tư thêm hay cần thay đổi định hướng, sắp xếp lại "bàn cờ" của mình… Và PNJ cũng không nằm ngoài lộ trình này.

Trong suốt thời gian qua, PNJ phát triển với tốc độ cao, và nhanh. Thông thường mỗi năm, công ty tăng trưởng khoảng 25-35%/năm, vậy là cứ sau 3-4 năm quy mô sẽ tăng gấp đôi. Và để đạt được điều này đồng nghĩa với việc mọi người vào guồng quay với tốc độ rất nhanh và có xu hướng ưu tiên cho những mục tiêu kinh doanh.

Do đó, Covid cũng là dịp để PNJ tạm thời dừng lại, rà soát hệ thống của mình, có nhữung định hướng chiến lược mới, đầu tư thêm mô hình kinh doanh mới, dựa trên nền tảng online, đầu tư thêm hệ thống công nghệ số.

Đối với yếu tố con người, chúng tôi cũng đi song song 2 tuyến: Một tuyến là tiếp tục đầu tư cho những năng lực mới mà mình cần kinh nghiệm, kỹ năng để giúp PNJ xây dựng mô hình kinh doanh mới, phát triển lên tầm cao mới về chiến lược. Nhưng đồng thời, để có nguồn lực làm được điều đó cần phải quay lại rà soát tính hợp lý và tối ưu hoá. Tối ưu hoá ở đây đồng nghĩa với việc rà soát năng lực, gia tăng việc sắp xếp hợp lý hơn, tinh giản quy trình để làm sao nhanh chóng và hiệu quả; rồi nâng cao năng lực mới cho nhân viên, tăng năng suất lao động…

Ông đang nói đến việc khơi gợi nội lực của mỗi cán bộ, nhân viên?

- Đúng vậy. Theo tôi, điều quan trọng nhất ở mỗi DN là cần có cách thức khơi gợi nội lực bên trong của môi trường làm việc, nhất là đội ngũ cán bộ nhân viên. Vì nhiều khi, nhân viên đi làm thường có tâm lý cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trong khi thật sự họ còn có thể làm được nhiều hơn thế.

Vậy thì, mình cần làm gì để kích thích, động viên họ phát huy hết khả năng? Đổi lại, nhân viên cũng sẽ đặt câu hỏi, nếu tôi làm việc tốt hơn nữa thì tôi sẽ dđược gì? Do đó, ngoài yếu tố quyền lợi và trách nhiệm cá nhân, một yếu tố quan trọng khác lớn hơn, bao trùm hơn là sự đồng hành, là niềm tin mà ở đó, nhân viên thấy họ là một phần của tổ chức, của DN. Và tổ chức khi triển khai các kế hoạch cũng đặt nhân viên vào trong đó, có thể tác động, lan toả cả tới gia đình của họ…

Những yếu tố trên sẽ tạo thành tình cảm gắn kết, chứ không chỉ đơn thuần là mối quan hệ công việc. Có nhiều trường hợp, nhân viên ở lại DN vì yêu thương, gắn bó với công ty chứ không chỉ vì thu nhập, những yếu tố vô hình sẽ gắn kết chặt chẽ hơn là hữu hình. Vì hữu hình sẽ cân đong, đo đếm được, chỉ cần được lợi nhiều hơn họ cũng dễ dịch chuyển, nhảy việc hơn.

Để làm những điều này, PNJ đã lên các kế hoạch ứng phó cho từng giai đoạn của đại dịch: dịch bệnh - suy thoái - phục hồi và đẩy mạnh hoạt động sáng tạo, đổi mới trên toàn hệ thống?

- Còn nhớ, hồi đầu năm, khi dịch Covid-19 bắt đầu tràn vào Việt Nam, PNJ cũng giống như các DN khác, đứng trước bài toán không biết dịch bệnh thế nào, cách phòng chống ra sao? Nhưng đội ngũ nhân viên gần 7.000 người, trải dài khắp 54 tỉnh thành trên hệ thống kinh doanh của cả nước, đặt ra bài toán khiến Ban lãnh đạo công ty phải quan tâm yếu tố quan toàn cho nhân viên, như gia đình đông con khi có những mối nguy hại càng lo cho con cái mình.

Tôi nhớ, ngay khi vẫn còn trong Tết, Ban điều hành và Hội đồng quản trị đã trao đổi với nhau qua các kênh online để tìm cách ứng phó. Vì sau Tết, ngày 10 tháng Giêng là vía Thần Tài nên rơi vào cao điểm, mà cao điểm lại vướng dịch thì kinh doanh ra sao? Do đó, ban lãnh đạo đã rất chủ động để trao đổi về phương thức phòng chống.

Và PNJ là một trong những DN đầu tiên trong nước lúc bấy giờ lên các kế hoạch phòng chống bài bản, như là một trong những DN đầu tiên mua máy đo thân nhiệt, nước rửa tay, khẩu trang cung cấp cho nhân viên… Sau đó, DN cũng chuẩn hoá thành những phương án ứng phó để bảo đảm kinh doanh liên tục (BCB), ban hành tiêu chuẩn BCB liên tục, đưa ra tất cả tiêu chuẩn, quy định, tình huống và phương án ứng phó, nếu Covid-19 xảy ra với cộng đồng và nhân viên của công ty?

Chúng tôi đặt thứ tự ưu tiên là quan tâm đến sức khoẻ của nhân viên, khách hàng và cộng đồng lên hàng đầu. Quan tâm và tuân thủ theo những quy định của nhà nước ở từng giai đoạn. Tiếp đó mới là tối ưu để giảm thiểu những tác hại do dịch bệnh gây ra về khía cạnh kinh doanh; duy trì và thúc đẩy kinh doanh để tạo công việc cho người lao động.

Trong "bão" Covid-19, PNJ vẫn giữ vững phong độ, thậm chí còn tiếp tục phát triển mạnh. Đâu là yếu tố đóng vai trò như thế nào ở bài toán quản lý nhân sự để tiết giảm chi phí hoạt động, tăng năng suất, hiệu quả kinh doanh?

- Năm 2020, hoạt động kinh doanh của PNJ vẫn tiếp tục tăng trưởng. Còn nhớ, giai đoạn khó khăn nhất trong năm qua có lẽ là thời điểm giãn cách xã hội hồi tháng 4, khi đó có khoảng 90% cửa hàng, trên tổng số gần 400 cửa hàng của PNJ trên cả nước phải đóng cửa. Ngay lập tức, kết quả kinh doanh bị giảm so với cùng kỳ, và đây là năm đầu tiên PNJ bị ghi lỗ trong quá trình kinh doanh của mình.

Nhưng đây cũng là thời điểm dựa trên những kế hoạch đã có, chương trình, kế hoạch đã chuẩn bị, là cơ hội để thúc đẩy sáng kiến, giải pháp trên cơ sở nội lực đã có, trang bị thêm cho nhân viên… Và ngay lập tức, từ tháng 5 trở đi hoạt động kinh doanh lại tăng vọt và trung bình tăng trưởng khoảng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước, trong khi xu hướng chung của ngành là giảm trên 30%.

Những thành công này được lý giải bởi những yếu tố: Sự linh hoạt và ứng biến trong các chiến lược và chính sách của công ty. Đây là điều rất quan trọng.

Yếu tố con người: nếu đạt được sự gắn kết đồng lòng của nhân viên, thì sau dịch bệnh, chính nguồn lực này sẽ tiếp tục gắn bó với PNJ. Và chúng tôi có thể khẳng định, nhân viên cảm nhận điều này rất rõ khi nhìn ra thị trường, không ít DN đã sa thải nhân viên, cắt giảm lương trong khi PNJ vẫn bảo đảm thu nhập, chế độ đãi ngộ, tổ chức cho đi du lịch… Đây là những điều minh chứng bằng hành động chứ không phải bằng lời nói. Và khi quay ại sản xuất, kinh doanh, họ chính là những người dùng năng lượng để công ty vươn lên.

Về yếu tố công nghệ. Năm 2019, PNJ đã đầu tư một nền tảng công nghệ lớn, theo tiêu chuẩn mới nhất trên toàn cầu. Đây là xương sống, sau đó công ty cũng phát triển thêm nhiều giải pháp khác trên cơ sở công nghệ, thúc đẩy cho hoạt động kinh doanh, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.

Một yếu tố khác là văn hoá DN - yếu tố mềm nhưng lại là sợi dây gắn kết chặt chẽ. Văn hoá đôi khi dựa trên yếu tố cảm nhận sẽ sâu sắc hơn. Vô hình chung trong những giai đoạn, khi khủng hoảng xảy ra, những yếu tố liên quan cảm xúc, nhân văn sẽ trở thành yếu tố then chốt để gắn bó con người lại với nhau. PNJ cũng tự hào là mình đã xây dựng nền tảng văn hoá, tốt đẹp, mái nhà chung trở thành gia đình lớn, gắn bó với nhau.

Trong các yếu tố này, đâu là bí quyết lớn nhất giúp PNJ không ngừng thành công?

- Theo tôi, là sự gắn kết và nội lực.

Sự gắn kết đến từ niềm tin giữa tổ chức và nhân viên, giữa nhân viên và những người trong ban điều hành lãnh đạo về khả năng có thể dẫn dắt công ty vượt qua khó khăn và chinh phục những thành tựu mới. Sự gắn kết đến từ việc chăm lo, quan tâm nhân viên một cách chân thành. Sự gắn kết cũng là mỗi bản thân nhân viên tự nỗ lực, gắn kết để tạo ra sức mạnh lớn hơn.

Với nội lực, bản thân mỗi con người đều có những khả năng và chưa thể khai phá hết được. Và khi được khơi gợi, họ có thể làm được nhiều thứ. Nếu nhìn vào lượng nhân sự gần 7.000 con người của PNJ, sẽ thấy có những nội lực đã được chuyển hoá vào thành công việc, chuyển hoá thành kết quả kinh doanh. Và cũng có những nội lực nhân viên đang tiềm ẩn, nếu biết khơi gợi sẽ bùng lên. Đó là mới điều quan trọng.

Những thành công này được lý giải bởi những yếu tố: Sự linh hoạt và ứng biến trong các chiến lược và chính sách của công ty. Đây là điều rất quan trọng.

Trong khủng hoảng, có xu hướng các DN thu hẹp lại hoạt động, quy mô. Nếu số lượng không tăng thêm mà để gia tăng sức mạnh thì phải có cách để khơi gợi mỗi cá nhân có sức mạnh hơn, tạo nên sức mạnh tổng thể. Và khi mỗi người cảm thấy mình là một thành viên có sự kết nối, dân chủ, được quyền nêu lên ý kiến, góp ý, những sáng kiến để giúp cho công ty triển khai công việc một cách hiệu quả, sẽ giúp PNJ vượt lên những giới hạn của mình.

Những chiến lược nhân sự nổi bật mà PNJ sẽ triển khai thời gian tới?

Có rất nhiều thứ phải làm trong thời gian tới, nhưng một trong những yếu tố tôi muốn nhấn mạnh khi nói về bài toán nhân sự là câu chuyện hạnh phúc của nhân viên. Làm sao xây dựng tổ chức ngoài việc thành công của DN, còn là năng lực nghề nghiệp của nhân viên và hạnh phúc của nhân viên. Khi nhân viên có hạnh phúc thì mới có thể làm tốt được công việc, từ đó truyền tải và mang hạnh phúc trong từng dịch vụ cho khách hàng…

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn tiếp tục thời gia tới, cá nhân tôi và PNJ vẫn luôn nỗ lực để chinh phục và trở thành DN dẫn đầu, nên rất cần sự gắn kết, đồng lòng của nhân viên ở hiện tại và cả những sự gia nhập của đội ngũ cán bộ nhân viên mới để đưa con thuyền PNJ chinh phục thêm nhiều vùng đất hứa nữa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem