Giáo viên mầm non thất nghiệp vì dịch, tủi thân khi phụ huynh đăng tuyển như... tìm osin

Tào Nga Thứ tư, ngày 08/12/2021 13:10 PM (GMT+7)
"Chỉ việc" trông bé cả ngày, giáo viên được trả lương 3,5 triệu đồng/tháng, nếu đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, dạy học sẽ có lương 6 triệu/tháng, biết thêm tiếng Anh thì được cao hơn.
Bình luận 0

Tuyển giúp việc có bằng giáo viên mầm non

Bất ngờ thất nghiệp vì dịch, nhiều giáo viên lao đao tìm việc khác để xoay xở cuộc sống suốt mấy tháng qua. Có người làm bưng bê chạy bàn, rửa bát tại các quán ăn, bảo vệ và cũng có người không trụ được nữa đã bỏ nghề đi làm thẩm mỹ viện, công nhân trong khu công nghiệp...

Tuy nhiên, vẫn có cô quyết tâm bám trụ ở các thành phố lớn, quyết tâm sống với nghề, với con đường mình đã chọn là tiếp tục dạy học. Thay vì đến trường, các cô nhận dạy trẻ ở nhà hoặc đến nhà dạy trẻ và đây cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các cô vượt qua khó khăn trong mùa dịch này. Thế nhưng, không ít người phải "cười ra nước mắt", ngậm ngùi với những thông tin tuyển dụng tìm giúp việc có bằng giáo viên mầm non hay tìm giáo viên mầm non cho con nhưng kiêm đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp với mức lương osin. 

Giáo viên mầm non thất nghiệp vì dịch: Tủi thân khi nhiều phụ huynh đăng tuyển như... tìm osin - Ảnh 1.

Thay vì đến trường, nhiều giáo viên đến nhà học sinh để dạy học. Ảnh: NVCC

Trao đổi với PV báo Dân Việt, cô Lương Thanh Nga, một giáo viên mầm non tư thục ở quận Thanh Xuân, Hà Nội bày tỏ: "Mình học Sư phạm Mầm non ra, đi dạy cũng được vài năm thì thất nghiệp từ tháng 5 đến giờ. Mình định nhận trông 1, 2 trẻ trong thời gian này nhưng quả thật nhiều tin tuyển dụng của phụ huynh khiến mình "sốc" nặng. Ví dụ như có tin cần tìm giáo viên mầm non "chỉ việc" trông trẻ 11 tháng, làm giờ hành chính với mức lương là 3,5 triệu đồng/tháng".

Cô Phạm Thùy Dương, quận Hà Đông, Hà Nội bày tỏ: "Nhiều gia đình có con nghỉ học nên tìm giáo viên dạy con ở nhà. Mình gặp trường hợp một gia đình ở quận Thanh Xuân cần giáo viên mầm non yêu cầu biết tiếng Anh đến dạy trẻ nhưng phải hỗ trợ việc gia đình. Cụ thể: nấu ăn sáng, chơi với trẻ 4 tuổi và 2,5 tuổi, trưa đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp nhà... có mức lương 7,5 triệu đồng/tháng. Còn một số nơi cần giáo viên dạy chương trình bình thường như trên lớp là 6 triệu đồng/tháng. Thậm chí mình thật nghẹn ngào khi được trả 150.000 đồng/buổi - mức lương đúng là không bằng giúp việc".

"Mỗi nghề có một cái khó, cái khổ riêng nên các cô vẫn luôn nhắn tin động viên nhau vượt qua khó khăn này. Dù mỗi người một công việc làm thêm để trang trải cuộc sống nhưng thôi với mình miễn sao kiếm được đồng tiền chân chính để chờ đợi tiếp tục cống hiến với nghề là niềm vui rồi", cô Dương cho hay.

Phụ huynh có nhu cầu nhưng giáo viên không được phép dạy

Mới đây, rất đông giáo viên mầm non bày tỏ buồn lòng vì các phụ huynh có nhu cầu gửi con đang nghỉ học nhưng giáo viên không được phép dạy tại nhà. 

Cụ thể, Phòng GDĐT quận Thanh Xuân đã có công văn yêu cầu giáo viên, nhân viên các trường mầm non tư thục, nhóm trẻ lớp mẫu giáo độc lập ký cam kết tuyệt đối không được tổ chức các hoạt động giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại trường, nhóm lớp tư thục, nhà riêng trong thời gian thành phố yêu cầu học sinh nghỉ học tại nhà để phòng, chống dịch Covid-19. Nếu sai phạm sẽ có biện pháp xử lý nghiêm. Theo lãnh đạo quận Thanh Xuân, tất cả các văn bản cho đến thời điểm này đều không cho phép các trường được tổ chức dạy thêm, học thêm và trông giữ trẻ.

Sau công văn này, có giáo viên đành ngậm ngùi viết đơn xin nghỉ việc để tiếp tục dạy học tại nhà cho học sinh để kiếm thêm thu nhập và không bị ảnh hưởng tới nhà trường. 

Giáo viên mầm non thất nghiệp vì dịch: Tủi thân khi nhiều phụ huynh đăng tuyển như... tìm osin - Ảnh 2.

Chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương. Ảnh: NVCC

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương cho biết: "Yêu cầu này vừa mang tính áp đặt, vừa không thể thực hiện được". 

Bà Hương lý giải: "Thứ nhất, việc giáo viên trông trẻ tại nhà hiện là giao dịch dân sự, giao ước giữa phụ huynh và giáo viên, các cơ sở giáo dục không thể quản lý và kiểm tra được. Khi gia đình có nhu cầu, họ sẽ thuê giáo viên. Nếu giáo viên không được phép trông, họ sẽ thuê người già, người quen, người không có chuyên môn trông trẻ. Khi đó, cuộc sống của trẻ còn bị ảnh hưởng nhiều hơn là giáo viên trông giữ.

Việc đảm bảo 5K để phòng dịch là đương nhiên và bắt buộc. Nhưng thực hiện việc đó thế nào trong thời buổi cha mẹ vẫn phải đi làm và các trường đóng cửa lại là bài toán đặt ra. Rõ ràng, quy định này làm khó cả trẻ lẫn gia đình và gây thêm áp lực cho giáo viên mầm non vốn đã quá khó khăn trong thời gian nghỉ dịch. Việc quản lý cần hợp lý và đảm bảo khả thi. Nếu để chống dịch, chỉ cần có quy định xử phạt nếu để trẻ bị nhiễm. Không nên chạy theo để tạo ra hàng ngàn các quy định khác nhau, gây chồng chéo và ức chế, ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người".

BÀI 1: Giáo viên mầm non "sốc" khi mất việc vì dịch: Ngày chạy bàn hàng nước, tối rửa bát quán ăn

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem