Cần sớm "cấp cứu" dòng tiền cho doanh nghiệp

Quốc Hải Thứ hai, ngày 27/09/2021 07:00 AM (GMT+7)
Doanh thu không có, nhưng các khoản trả cố định vẫn phải đều đặn đóng khiến nhiều doanh nghiệp (DN) kiệt quệ về dòng tiền sau thời gian dài giãn cách do dịch bệnh…
Bình luận 0

Hơn 3 tháng nay, xưởng sản xuất điện trở đốt nóng của anh Lê Vương (huyện Bình Chánh) đóng cửa theo các quy định giãn cách của TP.HCM. Dù không có nguồn thu, anh Vương vẫn phải gồng mình để trả phí thuê mặt bằng làm xưởng với giá 18 triệu đồng/tháng.

Theo anh Vương, nhà xưởng này được anh thuê từ năm 2018 đến nay, làm ăn đang 'xuôi chèo mát mái' thì dịch xảy ra, nên cứ mở cửa hoạt động ít tháng lại phải đóng cửa.

Gỡ khó kinh doanh hậu Covid-19: Cần sớm "cấp cứu" dòng tiền cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Nhân viên Công ty Công nghệ Môi trường WEPAR (tại quận Tân Phú, TP.HCM) trong giờ làm việc "3 tại chỗ" - Ảnh: DNCC

Hiện, anh vẫn đang gồng mình duy trì dù phải đóng cửa xưởng, chi phí thuê đất vẫn phải trả hàng tháng để bảo quản lượng hàng tồn kho. Dù chủ đất đã nhiều lần giảm tiền thuê, nhưng khoản tiền này vẫn là một gánh nặng với anh khi không có doanh thu đề bù lại. Bên cạnh đó, anh vẫn còn nợ tiền ngân hàng.

"Tôi không biết có thể còn cầm cự đến giai đoạn được phục hồi sản xuất lại hay không?" - anh Vương lo lắng.

Doanh nghiệp kiệt sức vì… "khô máu"

Câu chuyện của anh Lê Vương cũng là nỗi lo của không ít doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP.HCM hiện nay. 

Theo kết quả khảo sát online của Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) với trên 21.500 DN và hộ kinh doanh (trong đó có 50% số DN tại TP.HCM) thực hiện cuối tháng 8/2021 cho thấy, gần 40% đơn vị tạm dừng kinh doanh vì Covid-19 cho hay chỉ đủ tiền duy trì hoạt động chưa tới 1 tháng. Đây cũng là ngưỡng chịu đựng của khoảng 17,7% DN đang duy trì hoạt động sản xuất theo mô hình '3 tại chỗ'.

Trong khi đó, số DN có dòng tiền còn đủ sức để "cầm cự" trong 1 đến 3 tháng chiếm khoảng 46%. Nhưng tỷ lệ này giảm dần và khả năng họ phải giải thể nếu thời gian giãn cách tại các địa phương liên tục kéo dài.

Cũng theo ý kiến của nhiều DN, việc giảm lãi vay chỉ phù hợp đối với các DN vẫn có thể duy trì hoạt động sản xuất, dòng tiền chưa bị suy kiệt. Hoặc như chính sách giảm thuế thu nhập DN cũng chỉ áp dụng cho DN còn ghi nhận lãi, trong khi các DN đang rơi vào tình trạng đóng cửa thì các giải pháp này không còn ý nghĩa.

Và, điều mong mỏi nhất của họ bây giờ là tiếp tục được "cấp cứu" dòng tiền thông qua chính sách tiền tệ như giảm lãi, khoanh nợ, hoãn nợ, cơ cấu nợ, vay vốn mới…

Gỡ khó kinh doanh hậu Covid-19: Cần sớm "cấp cứu" dòng tiền cho doanh nghiệp - Ảnh 2.

Nhiều DN mong tiếp cận được nguồn vốn mới để hoạt động trở lại - Ảnh: Sacombank

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM bày tỏ, Chính phủ và ngân hàng đã có nhiều quyết sách hỗ trợ DN vượt khó, đặc biệt là về vấn đề tiếp cận vốn vay. Tuy nhiên, cần có những chính sách cụ thể để hướng dẫn cho DN triển khai.

Những khó khăn lớn nhất đối với vấn đề tài chính mà các DN đang phải đối diện, gồm: Trả lương cho người lao động, trả lãi vay/trả nợ gốc cho ngân hàng, trả tiền thuê đất/kho bãi/nhà xưởng/văn phòng cho khu vực tư nhân và đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn...

"DN lúc này đã thật sự rất đuối, không còn sức chống chọi. Trong số các DN còn sức chống chọi thì sức của họ cũng còn chưa đầy 30%. Chúng tôi đang rất cần nguồn vốn để bổ sung vào dịp lễ, tết nếu không thì các DN cung ứng mức độ nhỏ sẽ đuối hết. Tôi mong muốn nhà nước sẽ có những chính sách cụ thể đưa vào thực tế" - bà Kim Chi, mong mỏi.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), cũng cho biết hiện nay rất nhiều DN đã đuối sức, thậm chí kiệt quệ. Do đó, nếu DN được tiếp cận nguồn tín dụng mới với lãi suất thấp sẽ giúp giảm được chi phí, tái đầu tư sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, việc hỗ trợ lãi suất cần phải được thông qua một cơ chế và điều kiện vay dễ dàng hơn để các DN có thể tiếp cận được vốn.

"Chỉ khi nào gỡ được khó khăn này mới phát huy được hết ý nghĩa của việc ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất cho DN thông qua tổ chức trung gian là ngân hàng", ông Nam nói.

"Truyền máu" cho DN - cách nào?

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển kinh doanh, cho rằng, mấu chốt của vấn đề này nằm ở việc đang thiếu cơ quan/tổ chức sẵn sàng đứng ra bảo lãnh cho các DN để vay vốn.

"Việc xây dựng quỹ bảo lãnh quốc gia dành cho DN vừa và nhỏ thời điểm này là thực sự cần thiết. Trước mắt là để giải quyết các vấn đề do Covid-19 gây ra nhưng trong tương lai là dành cho các DN khởi nghiệp để đi vào các lĩnh vực công nghệ sáng tạo. Điều này sẽ giúp kinh tế phục hồi cũng như hiện thực hóa khát vọng trở thành một quốc gia khởi nghiệp", ông Nghĩa nói.

Gỡ khó kinh doanh hậu Covid-19: Cần sớm "cấp cứu" dòng tiền cho doanh nghiệp - Ảnh 5.

DN "3 tại chỗ" trong quá trình bảo trì máy móc - Ảnh: Đạm Phú Mỹ

Do quỹ này yêu cầu một số vốn tương đối lớn, vì vậy cần có sự hỗ trợ từ rất nhiều nguồn khác nhau. Đặc biệt điều kiện cho vay từ quỹ này nên là cho vay tín chấp. Bởi với các DN đang gặp khó khăn và đang khởi nghiệp thì tài sản thế chấp của họ gần như là bằng con số 0.

Cũng có cái nhìn tương tự, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, khẳng định: Để "bơm vốn" cho DN khôi phục sản xuất kinh doanh, Việt Nam cần phải có một cơ chế đặc thù và một giải pháp mang tính đột phá để hỗ trợ DN.

Cụ thể, Việt Nam cần có một tổ hợp tín dụng với số vốn cung cấp cho tất cả thị trường, riêng TP.HCM là 100.000 tỷ đồng và cho cả quốc gia là 300.000 tỷ đồng. Các ngân hàng có thể dùng nguồn vốn CASA - nguồn vốn tiền gửi không kỳ hạn - để cho vay với lãi suất thấp, thời hạn cho vay là từ 2 - 5 năm. Đồng thời, NHNN phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng chủ trì, xây dựng tổ hợp tín dụng, tạo ra một quy chế đặc thù, yêu cầu tất cả các ngân hàng quốc nội và ngân hàng nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam phải tham gia, chứ không dừng ở câu chuyện khuyến khích.

"Với hạn mức 100.000 tỷ đồng dành cho TP.HCM, chia bình quân cho mỗi khách hàng 5 tỷ đồng, chúng ta sẽ giúp được khoảng 20.000 doanh nghiệp vượt khó", TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.

Số liệu của Tổng cục Thống kê càng đáng lo hơn khi số DN rời bỏ thị trường trong 8 tháng đầu năm lên tới 85,5 nghìn DN, trong khi số DN được thành lập mới chỉ có 81,6 nghìn DN.

Đáng chú ý, trong số các DN rời khỏi thị trường, có tới 43,2 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn vì không thể chống đỡ được với dịch Covid-19. 30,1 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 12,2 nghìn DN đã hoàn tất thủ tục giải thể…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem