Kỳ vọng "gỡ rối" đấu giá biển số xe sau gần 30 năm đề xuất nhưng chưa thể thực hiện

Hồng Nhân Thứ năm, ngày 28/04/2022 11:11 AM (GMT+7)
Đấu giá biển số xe lần đầu tiên được đề xuất từ năm 1993 nhưng bị dừng ngay sau đó. Một số địa phương từng “vượt rào" tổ chức đấu giá biển số xe nhưng bị "tuýt còi" vì vướng pháp lý. Để việc đấu giá biển số xe đi vào thực tiễn cần điều kiện gì?
Bình luận 0

Gần 30 được đề xuất nhưng đấu giá biển số xe chưa thể thực hiện

Bộ Công an vừa hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền đấu giá biển số xe.

Theo đó, phạm vi điều chỉnh của dự thảo là quy định thí điểm việc cấp quyền lựa chọn theo nhu cầu sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, bao gồm:

Giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá; Trường hợp bán cho người duy nhất tham gia đấu giá; Quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trúng đấu giá; sử dụng nguồn thu từ đấu giá biển số.

"Gỡ rối" đấu giá biển số xe sau gần 30 đề xuất nhưng chưa thể thực hiện - Ảnh 1.

Bộ Công an vừa hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền đấu giá biển số xe. Ảnh: HN.

Trước đó, cơ quan chức năng từng nhiều lần đề xuất đấu giá biển số xe.

Cụ thể, năm 1993, Công an Hải Phòng được chọn thí điểm đăng ký, cấp biển số xe, thu lệ phí theo hình thức tự chọn. Sau hai tháng triển khai, có gần 200 xe đăng kí, trong đó có 94 trường hợp đã tự chọn biển số.

Chính phủ sau đó giao Bộ Công an cùng Bộ Tài chính ban hành thông tư quy định chế độ thu, quản lý sử dụng lệ phí đăng ký biển số xe tự chọn. Tuy nhiên việc này gặp bế tắc vì Luật Đấu giá tài sản không đưa biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá, khiến các bộ liên quan không có căn cứ pháp lý để triển khai. Kế hoạch này không thể triển khai.

Hơn 10 năm sau, Nghệ An và Bình Thuận tổ chức đấu giá biển số, thu về hàng tỷ đồng vào ngân sách. Chỉ trong thời gian ngắn, hoạt động này bị Bộ Tài chính, Bộ Công an yêu cầu tạm dừng vì vướng thủ tục pháp lý.

"Gỡ rối" đấu giá biển số xe sau gần 30 đề xuất nhưng chưa thể thực hiện - Ảnh 3.

Nghệ An và Bình Thuận từng "vượt rào" để đấu giá biển số xe.

Năm 2008, Cục Cảnh sát giao thông tiếp tục đề xuất đấu giá biển số, Thủ tướng đã chấp thuận chủ trương và giao các Bộ nghiên cứu triển khai. Bộ Công an và Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn nhưng do nhiều vướng mắc nên chưa thực hiện.

Sau đó, Bộ Công an một lần nữa họp với Bộ Tài chính, Tư pháp để khởi động đề án đấu giá. Nhiều ý kiến cho rằng việc này đáp ứng nhu cầu của người dân, tăng ngân sách cho Nhà nước, đồng thời tăng tính minh bạch, phòng ngừa tiêu cực trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên đề xuất này vẫn chỉ "nằm trên giấy".

Vướng mắc ở đâu khiến đấu giá biển số xe chưa thể thực hiện?

Theo nhiều chuyên gia, vướng mắc lớn nhất để đề xuất đấu giá biển số xe ô tô chưa được thực hiện là do Luật Giao thông đường bộ, Luật đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa coi biển số xe là tài sản, mà đây được xác định là tài liệu của cơ quan nhà nước. Hơn nữa, luật còn cấm mua, bán biển số xe.

"Gỡ rối" đấu giá biển số xe sau gần 30 đề xuất nhưng chưa thể thực hiện - Ảnh 4.

Luật sư Quách Thành Lực - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng việc đấu giá biển số xe chưa thực hiện được do vướng các quy định trong Luật đấu giá tài sản và Luật giao thông đường bộ.

Luật sư Quách Thành Lực - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng việc đấu giá biển số xe chưa thực hiện được do vướng các quy định trong Luật đấu giá tài sản và Luật giao thông đường bộ. Do đó, cơ quan chức năng cần xem xét nghị quyết thí điểm đấu giá trong một thời gian nhất định, sau đó đánh giá tổng kết, nếu thấy phù hợp thì có thể kiến nghị sửa luật.

“Cần phải xem biển số xe là một tài sản, người trúng đấu giá có quyền mua bán và chuyển nhượng. Nếu được thế thì giá trị biển số sẽ tăng lên và việc đấu giá sẽ đạt hiệu quả hơn. Thậm chí nhìn xa hơn khi biển số được chuyển nhượng thì Nhà nước còn thu được cả thuế, tạo nguồn thu cho ngân sách".

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, chuyên gia giao thông Chu Công Minh cho biết, việc đấu giá biển số xe cần làm ngay và luôn vì mang lại nhiều lợi ích cho Nhà nước và người dân, nhưng phải gỡ được các vướng mắc từ trước đến nay.

"Gỡ rối" đấu giá biển số xe sau gần 30 đề xuất nhưng chưa thể thực hiện - Ảnh 5.

Việc đấu giá biển số xe cần làm ngay và luôn vì mang lại nhiều lợi ích cho Nhà nước và người dân.

“Ở nước ngoài họ đã làm từ lâu rồi, mình giờ mới làm là muộn.

Trước đây người dân cứ thấy xe sang, xe đẹp gắn với biển xe đẹp luôn đặt câu hỏi nghi vấn rằng có chạy chọt, có mua bán gì không? Đến nay cơ chế cho phép đấu giá, Nhà nước có ngân sách, người dân yêu và thích xe có cơ hội sở hữu biển đẹp, vẹn cả đôi đường.

Biển số xe hiện nay chưa được xem là tài sản nên rất khó mang ra để đấu giá. Do đó để thực hiện đấu giá và làm có hiệu quả thì biển số trúng đấu giá phải được xem là tài sản của chủ phương tiện và được quyền trao đổi, mua bán thì mới có tính hấp dẫn.

Hiểu một cách đơn giản là bỏ tiền ra thì phải được quyền sở hữu và định đoạt”, vị chuyên gia cho biết.

Xác định biển số xe ô tô là tài sản trước khi đấu giá

Liên quan đến đề xuất đấu giá biển số xe ô tô, Tiến sĩ Luật Đặng Văn Cường - Đoàn LS TP Hà Nội cho biết, vấn đề mấu chốt trong đấu giá cần xác định biển số xe là "tài sản" hay không. Trên cơ sở đó mới có thể đưa ra những quy định về căn cứ xác lập, quyền của chủ biển xe trong quá trình quản lý, sử dụng sau này.

"Gỡ rối" đấu giá biển số xe sau gần 30 đề xuất nhưng chưa thể thực hiện - Ảnh 6.

Tiến sĩ Luật Đặng Văn Cường - Đoàn LS TP Hà Nội cho biết, vấn đề mấu chốt trong đấu giá cần xác định biển số xe là "tài sản".

"Theo quy định của pháp luật hiện nay thì thủ tục đấu giá được thực hiện theo luật đấu giá tài sản và các luật chuyên ngành. Bởi vậy, nếu xác định biển số xe là tài sản thì mới có thể áp dụng các quy định của luật đấu giá tài sản để tổ chức thực hiện hoạt động đấu giá theo quy định pháp luật.

Trường hợp không xác định đây là tài sản thì phải có quy trình, quy định riêng sao cho đảm bảo tính thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản dưới luật phải phù hợp với văn bản luật và văn bản luật phải phù hợp với hiến pháp.

Trường hợp áp dụng quy định của Luật đấu giá tài sản để tiến hành đấu giá biển số xe thì sẽ phải xác định biển số xe là tài sản, hay nói cách khác đây là quyền tài sản giống như quyền sử dụng đất và các loại quyền tài sản khác theo quy định của Bộ Luật dân sự. Theo đó chủ sở hữu tài sản có quyền quản lý tài sản, sử dụng tài sản và định đoạt tài sản", ông Cường phân tích.

Theo vị luật sư, ba quyền năng cơ bản của chủ sở hữu tài sản đã được Bộ luật dân sự quy định thì cũng cần phải xem xét đến các quyền năng đó đối với biển số xe khi tổ chức, cá nhân trúng đấu giá.

Thực tế hiện nay những xe biển đẹp có giá rất cao, có thể đến vài tỷ, thậm chí cả chục tỷ đồng, bởi vậy, khi đã bỏ ra một số tiền lớn như vậy thì cũng cần quy định về quyền lợi của chủ biển xe như họ có quyền tháo ra để gắn vào chiếc xe khác của họ (nhưng thủ tục phải đăng ký với cơ quan chức năng).

"Khi xe bị hư hỏng hoặc người dân muốn bán chiếc xe đó thì có quyền giữ lại biển và khi đó cơ quan chức năng phải cấp một biển số mới cho chiếc xe đó, người dân có quyền bán lại, nhượng lại biển số xe đó cho tổ chức, cá nhân khác với giá cả thỏa thuận mà không bị hạn chế bởi pháp luật…

Cũng cần quy định về thời hạn sở hữu của chủ biển số xe, quyền thế chấp, đặt cọc, cầm cố, bảo lãnh và các quyền khác theo quy định của bộ luật dân sự về quyền tài sản.

Nếu được xác định là tài sản thì cũng cần quy định quyền thừa kế đối với biển số xe khi người đứng tên biển số này qua đời…

Đây là những quyển rất cơ bản của chủ sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật. Trường hợp tổ chức bán đấu giá tài sản thì phải đảm bảo những quyền cơ bản đó của người trúng đấu giá biển số xe", vị luật sư nói.

Ông Cường cũng cho rằng, khi xác định biển số xe là một tài sản thì phải đảm bảo các quyền năng cơ bản của chủ sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật. Thêm vào đó cần phải có những cơ chế để quản lý loại tài sản này, nhằm phát huy giá trị của tài sản đồng thời quản lý phương tiện, quản lý trật tự an toàn giao thông, quản lý tài sản có đăng ký quyền sở hữu của các tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật.

"Cá nhân tôi ủng hộ quan điểm đấu giá biển số xe để tăng nguồn thu ngân sách, thỏa mãn nhu cầu biển đẹp của rất nhiều tổ chức cá nhân và giảm bớt những tiêu cực trong việc chọn biển số xe.

Tuy nhiên, để tổ chức thực hiện đấu giá biển số xe thì phải hoàn thiện cơ sở pháp lý, những quy định đưa ra phải phù hợp với các quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Việt Nam, đảm bảo quyền lợi của người trúng đấu giá, đảm bảo dễ dàng trong công tác quản lý hành chính, quản lý trật tự an toàn giao thông", ông Cường chia sẻ.

Theo đề xuất, việc xác định giá khởi điểm được quy định cụ thể như sau:

Vùng 1 (gồm Hà Nội, TP.HCM): Giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá (đơn vị tính là Việt Nam đồng) = Mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương x 2.

Vùng 2 (gồm các địa phương còn lại): Giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá (đơn vị tính là Việt Nam đồng) = Mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương x 10.

Về hình thức đấu giá, Bộ Công an giao công an cấp tỉnh ký hợp đồng thuê tổ chức đấu giá tài sản có trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để tổ chức đấu giá trực tuyến.

Số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương.

Dự thảo cũng nêu rõ, không đưa ra đấu giá biển số cấp cho xe mua sắm từ ngân sách nhà nước, xe của quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng, xe của doanh nghiệp quân đội làm kinh tế, xe của tổ chức doanh nghiệp nước ngoài…

Người được tham gia đấu giá là tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được tham gia cuộc đấu giá biển số của địa phương nơi đóng trụ sở hoặc nơi đăng ký thường trú.

Theo dự thảo, quyền của người trúng đấu giá là được ký hợp đồng với cơ quan tổ chức đấu giá để xác lập quyền đối với biển số trúng đấu giá, được sử dụng biển số trúng đấu giá.

Khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu.

Bên cạnh đó, khi thay đổi địa chỉ nơi thường trú khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, người trúng đấu giá không phải nộp lại biển số trúng đấu giá.

Biển số trúng đấu giá chỉ được cấp cho người đã đăng ký tham gia đấu giá và trúng đấu giá.

Cơ quan đăng ký xe có quyền thu hồi biển số trúng đấu giá khi biển số được sử dụng không đúng quy định của pháp luật (xe gắn biển số trúng đấu giá vi phạm pháp luật bị tịch thu theo quy định)…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem