Góc nhìn pháp lý vụ tìm hơn 63.000 học viên trong vụ án tại Trung tâm dạy lái xe Sài Gòn

Phi Long Thứ năm, ngày 15/08/2024 15:47 PM (GMT+7)
Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đang điều tra vụ án hình sự liên quan đến các tội danh "Giả mạo trong công tác, đưa hối lộ và nhận hối lộ" xảy ra tại Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn. Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh đã phân tích dưới góc độ pháp lý về vụ việc này.
Bình luận 0

Khởi tố vụ án liên quan đến trung tâm dạy nghề

Ngày 14/8, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đang điều tra vụ án hình sự liên quan đến các tội danh 'Giả mạo trong công tác, Đưa hối lộ và Nhận hối lộ' xảy ra tại Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn. Trong vụ án này, CQĐT xác định có 63.458 học viên là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Trước đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án để điều tra về hành vi "Giả mạo trong công tác; Đưa hối lộ và Nhận hối lộ" xảy ra tại Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn, địa chỉ tại 205C Phạm Văn Thuận, Phường Tân Tiến, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, trực thuộc Công ty TNHH Phát triển giáo dục và dạy nghề 3T, TP Hồ Chí Minh.

Ngày 28/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Hồ Đình Thái Hòa, Giám đốc Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn để điều tra về tội "Giả mạo trong công tác".

Theo điều tra, từ tháng 1/2020 đến tháng 4/2023, Trung tâm đã lập 935 hồ sơ đăng ký đào tạo lái xe và được Sở Giao thông vận tải Đồng Nai xác nhận cho 63.458 học viên. Tuy nhiên, Trung tâm đã vi phạm quy định trong việc giảng dạy lý thuyết và thực hành, giao việc đào tạo cho các cá nhân không có chức năng và hợp thức hóa hồ sơ học viên. Kết quả, Trung tâm cấp chứng chỉ sơ cấp nghề trái quy định cho 39.021 học viên.

Góc nhìn pháp lý vụ việc Bộ Công an tìm hơn 63.000 học viên trong vụ án tại Trung tâm dạy lái xe Sài Gòn - Ảnh 1.

CQĐT xác định có 63.458 học viên là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Ảnh: IT.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an thông báo các học viên đã đăng ký đào tạo các hạng B1, B2 và C tại Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn trong thời gian từ tháng 1/2020 đến tháng 4/2023 cần liên hệ với Cơ quan CSĐT Bộ Công an (Phòng 7/C03 Bộ Công an) tại địa chỉ 47 Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, để phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu và giải quyết quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Nếu học viên không liên hệ hoặc không gửi đơn yêu cầu giải quyết quyền lợi trước khi vụ án kết thúc, Cơ quan CSĐT Bộ Công an sẽ dựa trên tài liệu thu thập từ Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn và Sở GTVT tỉnh Đồng Nai để xử lý theo quy định pháp luật.

Người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự

Luật sư Hoàng Anh Sơn cho biết, theo Điều 364 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội đưa hối lộ như sau: Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ từ 3 năm tù đến cao nhất là đến 20 năm tù.

Đối với tội nhận hối lộ được quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 như sau: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến mức cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.

Đối với người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Đối với tội "Giả mạo trong công tác" được quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 với khung hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù. 

Theo luật sư Hoàng Anh Sơn, cơ quan cảnh sát điều tra xác định có 63.458 học viên là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự được quy định theo Điều 65 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện của họ có quyền; Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 65 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:

Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; Yêu cầu giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật; tham gia phiên tòa; phát biểu ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi những người tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa; Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;

Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án về những vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình; Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có nghĩa vụ: Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mình; chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Quy định về lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự theo Điều 94 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án trình bày những tình tiết trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.

Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án trình bày nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem