Hà Nội đề xuất tăng học phí gấp 2-3 lần từ năm học 2022 - 2023: Phản ứng từ phụ huynh

Tào Nga Thứ sáu, ngày 09/09/2022 13:06 PM (GMT+7)
Nhiều phụ huynh lo lắng trước việc Hà Nội đề xuất tăng học phí, trong khi đó nhiều người bày tỏ nghi ngại việc tăng học phí có đi cùng chất lượng hay không?
Bình luận 0

Đủ các khoản phải chi đầu năm 

UBND Hà Nội vừa có tờ trình HĐND TP về dự thảo nghị quyết thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2022 - 2023. Dự kiến học phí bậc THCS và mầm non 5 tuổi tại các quận nội thành sẽ tăng từ 155.000 (năm 2021) lên 300.000 đồng trong năm học 2022-2023, tức tăng gần gấp đôi so với năm học trước. Học phí THPT vùng 4 theo dự thảo có tỉ lệ tăng cao nhất với 316,67%, tương đương hơn ba lần, từ 24.000 đồng (năm 2021) lên 100.000 đồng.

Thông tin này hiện đang nhận nhiều quan tâm từ dư luận xã hội và phụ huynh. Chị Ngô Hồng Hạnh, phụ huynh có 2 con học lớp 2 và lớp 6 ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết đang "khóc dở, mếu dở" sau khi nghe tin học phí từ năm học mới 2022-2023 sẽ tăng lên gấp đôi, có nơi gấp ba.

Hà Nội đề xuất tăng học phí gấp 2-3 lần từ năm học 2022 - 2022: Phản ứng từ phụ huynh - Ảnh 1.

Tăng học phí khiến nhiều gia đình lo lắng. Ảnh minh họa học sinh Trường THCS Mỹ Đình 1: Tào Nga

Hai năm qua, con của chị học chương trình giáo dục phổ thông mới nên giá sách giáo khoa cũng đã cao hơn so với bộ sách cũ. Hết tiền sách giáo khoa cao hơn giờ lại đến thông tin tăng học phí. "Mới chỉ nghe dự thảo tăng học phí nên tôi chưa biết cụ thể ra sao. Nhưng cứ tăng giá là tôi lo lắng không biết xoay xở thế nào rồi", chị Hạnh bày tỏ.

"Đầu năm tôi đã đóng rất nhiều khoản tiền cho con. Nào là tiền sách giáo khoa nói là 200.000 đồng nhưng thực tế mua hơn 600.000 đồng, tiền sách vở, bút thước, ba lô gần 1 triệu đồng, tiền xã hội hóa lắp điều hòa gần 1 triệu đồng, tiền đồng phục gần 2 triệu đồng... Đó là chưa tính tiền quỹ lớp, quỹ trường sắp tới phải đóng cùng các loại tiền khác. Giờ đến tiền học phí tăng gấp đôi, gấp ba. Mặc dù kể ra mỗi khoản không quá nhiều nhưng mỗi thứ thêm một chút cũng đủ gánh nặng với tôi", chị Hạnh thở dài.

Anh Ngô Hồng Hải, phụ huynh ở quận Hoàn Kiếm cũng nghi ngại: "Học phí càng tăng cao thì càng bất lợi cho tương lai. Nhiều gia đình khó khăn chắc chỉ còn cách cho con nghỉ học đi làm kiếm tiền sớm".

Chỉ mong học phí tương ứng với chất lượng

Theo nội dung dự thảo, 30 quận, huyện được chia thành bốn vùng, làm căn cứ để xác định mức học phí với các trường mầm non, phổ thông công lập. Cụ thể, 12 quận nội thành và các phường tại thị xã Sơn Tây thuộc vùng 1; các thị trấn thuộc 17 huyện ngoại thành là vùng 2; các xã (trừ xã miền núi) của 18 huyện, thị thuộc vùng 3; các xã miền núi còn lại được xếp vào vùng 4. Năm trước, Hà Nội chia thành ba vùng, gồm thành thị, nông thôn và miền núi.

Với vùng 1 và 2, học phí năm học này sẽ là 155.000 - 300.000 đồng/tháng. Vùng 3 là 100.000 - 200.000 đồng và vùng 4 là 50.000 - 100.000 đồng/tháng. Như vậy, học phí bậc THCS và mầm non 5 tuổi (vùng 1) tăng từ 155.000 đồng (năm 2021) lên 300.000 đồng năm học 2022 - 2023, tăng gần gấp đôi. Học phí THPT vùng 4 theo dự thảo có tỉ lệ tăng cao nhất với 316,67%, tương đương hơn ba lần, từ 24.000 đồng (năm 2021) lên 100.000 đồng.

Các trường công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, học phí dao động trong khoảng 1 - 3,2 triệu đồng một tháng. Trong đó, 5 trường giữ nguyên học phí là Mầm non Linh Đàm, Thực nghiệm Khoa học giáo dục, THCS - THPT Nguyễn Tất Thành, THPT Khoa học giáo dục, THCS - THPT Trần Quốc Tuấn. Trường THPT Hoàng Cầu, Trường tiểu học và THCS Thăng Long có mức học phí tăng từ 200.000 - 1,3 triệu đồng so với năm 2021.

Tuy nhiên, với dự thảo tăng học phí này, nhiều phụ huynh hi vọng sẽ nâng cao chất lượng giáo dục. Chị Tô Mai Hồng, phụ huynh có 2 con học lớp 3 và lớp 7 ở quận Đống Đa, Hà Nội bày tỏ: "Việc tăng học phí chỉ phù hợp nếu như chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất tăng lên. Phụ huynh không ngại đóng thêm tiền để con có được môi trường học tốt nhất nhưng liệu tăng học phí rồi đầu năm học sinh có phải đóng tiền xã hội hóa nữa không, các khoản đóng góp khác có giảm đi không, học sinh có được thụ hưởng giáo dục tốt hơn không... đó mới là vẫn đề cần lưu tâm. Học phí tăng theo giá thị trường mà học sinh đi học không có gì thay đổi thì sẽ gây bức xúc cho dư luận thôi".

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cho biết: "Tăng học phí là phù hợp với thực tế bây giờ vì giá cả đã leo thang. Nhưng phải có chính sách để người nghèo ở Hà Nội, TP.HCM khỏi thất học. Phải có chính sách học 2 buổi ở trường và không phải học thêm các môn học nữa. Các em cần nhiều thời gian để vui chơi (có tổ chức), đừng bắt buộc các em phải học tập những điều không cần thiết. Ngoài ra, cần có chính sách cho vay, lãi suất thật thấp hoặc tài trợ, cho những gia đình có con đang học để các em có cơ hội học tập. Cần có câu trả lời cho những điều trên thì mới tăng học phí được và như thế tăng học phí không là gánh nặng cho gia đình".

Rà soát, xử lý các vấn đề về học phí và sách giáo khoa. Clip: VNEWS

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem