Sáng 28/6, với 462/470 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội thông qua Luật Thủ đô sửa đổi với 54 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025.
Với Luật được thông qua, Quốc hội đồng ý HĐND TP.Hà Nội được quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng.
Mức phạt trên được áp dụng trong các lĩnh vực: Văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
Tăng mức phạt là cần thiết
Ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho hay, vào dịp hè nắng nóng, nguy cơ xảy ra cháy nổ phức tạp, nhất là sau vụ cháy tại chung cư mini ở quận Thanh Xuân làm 56 người chết. Đây là hệ lụy của việc tập trung dân cư quá đông trong nội thành Hà Nội, đi kèm với đó là công tác quản lý, kiểm soát chưa thực sự chặt chẽ, quyết liệt.
Ngoài ra, trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng, quy định của Luật Thủ đô 2012 về việc chỉ áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn trong một số lĩnh vực tại nội thành Hà Nội không còn phù hợp, chưa bảo đảm tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật.
Bởi vậy, ông Liên cho rằng, Quốc hội thông qua Luật Thủ đô sửa đổi, trong đó có quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt cao hơn gấp đôi với một số hành vi tại nội thành như đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường… sẽ có tác dụng tích cực, góp phần răn đe làm giảm số vụ vi phạm.
Đồng quan điểm, Luật sư Ma Văn Giang – Công ty luật TNHH Niềm Tin Công Lý, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cũng cho rằng, Luật Thủ đô sửa đổi được thông qua sẽ khắc phục được hai chế độ xử phạt vi phạm hành chính khác nhau giữa khu vực nội thành và khu vực ngoại thành Hà Nội, mặt khác cũng khắc phục sự bất hợp lý là cùng một hành vi vi phạm hành chính trên cùng một địa bàn nhưng mức xử phạt lại khác nhau.
"Ngoài ra tôi cũng cho rằng các vấn đề vi phạm liên quan đến giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố cũng sẽ được khắc phục, hạn chế được các vụ vi phạm", luật sư Giang nói.
Theo luật sư Giang, không chỉ trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, môi trường cũng đang rất "nóng". Tại một số địa phương, nhiều vụ khiếu kiện liên quan đến xây dựng, môi trường.
Vì vậy, mức xử phạt cao gấp đôi được coi là biện pháp mạnh trong việc xử lý dứt điểm, hiệu quả các hành vi vi phạm, nhất là trong bối cảnh các hành vi vi phạm hành chính xảy ra nhiều, phương thức, biện pháp quản lý còn chưa thực sự đem lại hiệu quả cao.
Giảm số vụ vi phạm về đất đai, xây dựng
Một trong những nội dung đáng chú ý của Luật Thủ đô sửa đổi quy định, trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh sau:
Công trình xây dựng sai quy hoạch, không có giấy phép xây dựng đối với công trình theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung quy định trong giấy phép xây dựng; Công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng. Công trình xây dựng trên đất bị lấn, chiếm theo quy định của pháp luật về đất đai.
Luật sư Giang cho hay, việc áp dụng quy định này sẽ bảo đảm đúng phạm vi, đối tượng, thời hạn. Tuy nhiên, việc cung cấp điện, nước là sự thỏa thuận dân sự và việc cung cấp dịch vụ giữa bên cung cấp dịch vụ với người sử dụng dịch vụ được xác lập trên cơ sở thỏa thuận thông qua hợp đồng.
Bởi vậy, việc thay đổi, tạm ngừng, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng phải được xử lý theo quy chế hợp đồng, nghĩa là do các bên tự thỏa thuận.
"Do đó, tôi cho rằng cần có điều khoản ràng buộc cả tổ chức, cá nhân khi thỏa thuận cung cấp dịch vụ điện, nước trong hợp đồng phải thể hiện nội dung này.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần xem xét, để cho đơn vị điện lực chủ động trong việc thực hiện quyền này để tránh việc qua nhiều khâu trung gian, kịp thời xử lý đối với các hành vi vi phạm và trong trường hợp người vi phạm đã khắc phục thì cơ quan chức năng sẽ sớm cấp điện trở lại cho người dân", luật sư Giang nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết thêm, đối với các lĩnh vực xây dựng, đất đai, phòng cháy chữa cháy hiện nay được người dân quan tâm. Luật Thủ đô sửa đổi được thông qua sẽ hạn chế được các vụ vi phạm.
"Ngoài ra, cái quan trọng nhất tôi cho rằng đó là phải xử lý vấn đề từ gốc, đó là việc kiểm tra, giám sát đối với các hành vi vi phạm ngay từ đầu. Ví như, khi người dân xây nhà, xây nhà trọ phải kiểm tra, yêu cầu xây đúng thiết kế, đảm bảo phòng cháy chữa cháy mới cho đưa vào sử dụng. Công trình nào vi phạm phải xử lý nghiêm, không bao che", ông Hùng chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.