Hà Nội nới lỏng giãn cách: Hàng quán lo "trở tay không kịp" vì thông tin chưa rõ ràng

Thanh Phong Thứ tư, ngày 15/09/2021 16:50 PM (GMT+7)
Trước thông tin Hà Nội sẽ xem xét nới lỏng giãn cách và mở cửa một số hoạt động kinh tế, nhiều đơn vị kinh doanh vẫn khá dè chừng cho việc mở cửa trở lại vì chưa có gì rõ ràng, không biết mình có thuộc nhóm được mở hay không
Bình luận 0

Nhà hàng, quán ăn "dè chừng"

Mới đây, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã giao Ban Cán sự đảng UBND TP xem xét, đánh giá tổng thể, quyết định phương án nới lỏng một số hoạt động dịch vụ trong các khu vực trên cơ sở bảo đảm chặt chẽ phương án phòng, chống dịch sau ngày 15/9 và 21/9.

Trước thông tin trên, nhiều đơn vị kinh doanh đã bắt đầu "nghe ngóng" thông tin để chuẩn bị kế hoạch mở cửa trở lại. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, TP. Hà Nội cần rút kinh nghiệm của TP. HCM nhằm tránh tình trạng hàng quán không dám mở dù được phép.

Cụ thể, thời gian qua, tại một số địa bàn, dù UBND TP. HCM đã chính thức cho phép nhưng phần lớn hộ kinh doanh đều dè chừng mở cửa bởi cân nhắc những hiệu quả mang lại khi chỉ tiếp cận được khách hàng trong một phạm vi hẹp. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nguồn cung hoặc giá nguyên liệu cao dẫn tới tình trạng nhiều đơn vị không dám mở cửa vì sợ lỗ.

Hà Nội nới lỏng giãn cách: Tránh tình trạng hàng quán không dám mở dù được phép - Ảnh 1.

Nhiều cửa hàng ăn uống vẫn chưa bắt đầu chuẩn bị mở cửa dù có thông tin về việc Hà Nội nới lỏng giãn cách trong ngày 15/9. (Ảnh: Thanh Phong)

Anh Hòa, chủ quán phở tại làng Cốm Vòng (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) cho biết, hiện tại, thông tin về việc Hà Nội nới lỏng giãn cách chưa rõ ràng nên hầu hết các hàng quán chưa có sự chuẩn bị.

"Việc mở cửa kinh doanh hàng ăn uống cần phải có sự chuẩn bị, tôi phải gọi các bên cung cấp nguyên liệu từ thịt bò, bánh phở thậm chí đến những việc rất nhỏ như mớ hành, quả chanh, chai tương ớt cũng phải có hàng tươi mới. Nếu được phép mở cửa trở lại, tôi cần khoảng 2 ngày để chuẩn bị. Nhưng dù được mở cửa, tôi nghĩ cũng phải theo dõi diễn biến dịch bệnh. Nếu mở được vài ngày lại phải đóng thì rất mất công và có thể cũng sẽ bị lỗ", anh Hòa chia sẻ.

Chị Nguyễn Trang, chủ chuỗi nhà hàng Nhật Bản Furyu Restaurant cho hay, dù đã nghe tin thành phố có chủ trương mở cửa nhưng đơn vị vẫn chưa lên kế hoạch kinh doanh.

Cụ thể, hệ thống các nhà hàng của chị Trang được phân bố tại nhiều địa điểm khác nhau trên địa bàn thành phố. Do đó, nếu chưa có hướng dẫn cụ thể, rất khó để đơn vị này có phương án nhập nguyên liệu, tổ chức nhân sự, vận hành kinh doanh.

"Tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần khi mở cửa trở lại sẽ bán hàng mang về. Tuy nhiên, cũng cần xem quy định của thành phố thế nào, nếu chỉ được bán trong phường, quận hay khu vực quá hẹp thì tôi cũng sẽ không mở hàng vì làm vậy kinh doanh không có hiệu quả", chị Trang nêu quan điểm.

Không để đứt gãy chuỗi cung ứng

Trao đổi với Dân Việt, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội đánh giá, việc Hà Nội thực hiện nới lỏng giãn cách, mở cửa kinh tế cần rút kinh nghiệm từ TP. HCM và một số tỉnh phía Nam. Qua đó, tránh tình trạng đơn vị kinh doanh "trở tay không kịp" và đứt gãy chuỗi cung ứng.

"Thời gian vừa qua, Hà Nội đã ra nhiều văn bản quá gấp gáp. Theo tôi việc ban hành văn bản cần có độ trễ thời gian ít nhất 3 ngày. Ví dụ như ngày 15/9 muốn mở cửa thị trường thì các quy định, hướng dẫn phải được ban hành từ ngày 12/9", ông Phú nhận định.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia, đánh giá, hiện tại khó khăn của các đơn vị kinh doanh, đặc biệt là hàng ăn uống nằm ở chỗ, giá các nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển vẫn duy trì ở mức cao.

Hà Nội nới lỏng giãn cách: Tránh tình trạng hàng quán không dám mở dù được phép - Ảnh 2.

Giá nhiều loại thực phẩm, nguyên liệu duy trì ở mức cao cũng gây khó khăn cho các đơn vị kinh doanh hàng ăn uống. (Ảnh: Thanh Phong)

"Hiện tại, giá trứng gà vẫn duy trì ở mức khá cao, khoảng 3.700 đồng/quả, trong khi giá bình thường chỉ khoảng 2.700 đồng/quả. Ngoài ra, chi phí vận chuyển cao, đi lại khó khăn cũng sẽ khiến các nhà hàng, quán ăn gặp nhiều vấn đề khi mở cửa trở lại. Cùng với đó là việc nhu cầu nguyên liệu tăng cao vào một thời điểm có thể gây ra tình trạng thiếu hàng cục bộ. Do đó, để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, ngành chức năng cần có tính toán cẩn thận, chi tiết, không thể chủ quan cứ mở ra cho xong", chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú phân tích. 

PGS. TS. Tô Trung Thành, giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trao đổi với Dân Việt, một số nguyên tắc cần quán triệt khi nới lỏng giãn cách gồm chấp nhận một nền kinh tế có Covid-19; đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng; chuẩn bị nguồn lực y tế phải có khả năng chữa trị các ca bệnh nặng và giảm số ca tử vong và tỷ lệ tử vong.

Với hoạt động sản xuất, cần thực hiện các biện pháp nới lỏng theo chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng (chuỗi sản xuất và cung ứng xanh, chuỗi sản xuất và cung ứng đỏ), bên cạnh giải pháp nới lỏng giãn cách theo đơn vị địa lý (vùng xanh, vùng đỏ) do quá trình sản xuất vượt qua khái niệm về địa lý.

Ngoài ra, cần nới lỏng xuyên suốt chuỗi sản xuất và cung ứng, từ khâu nhập khẩu, sản xuất nguyên vật liệu, logistics, sản xuất thành phẩm, tới phân phối và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, chính quyền cần cho phép các doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm an toàn phòng dịch qua việc tự xét nghiệm Covid-19 với người lao động dưới sự giám sát và hướng dẫn của các cơ quan chức năng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem