Hà Nội nới lỏng giãn cách: Giới kinh doanh “thấp thỏm” chờ đợi

Thanh Phong Thứ ba, ngày 14/09/2021 18:01 PM (GMT+7)
Trước thông tin TP.Hà Nội sẽ xây dựng phương án nới lỏng một số hoạt động kinh doanh dịch vụ trong các khu vực sau ngày 15/9 và 21/9, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã bắt đầu “nghe ngóng” tin tức để chuẩn bị.
Bình luận 0

Nhà hàng chưa nhập nguyên liệu, doanh nghiệp vẫn dừng đơn hàng

Chiều 13/9, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã họp, đánh giá về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Tại cuộc họp, Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND TP xem xét, đánh giá tổng thể, quyết định phương án nới lỏng một số hoạt động dịch vụ trong các khu vực trên cơ sở bảo đảm chặt chẽ phương án phòng, chống dịch sau ngày 15/9 và 21/9.

Theo ghi nhận của PV, tuy đã có chủ trương nêu trên song do chưa có hướng dẫn cụ thể nên nhiều chủ đơn vị kinh doanh vẫn tỏ ra khá e dè. Chị Nguyễn Trang, chủ chuỗi nhà hàng Nhật Bản Furyu Restaurant cho biết, dù đã nghe tin thành phố có chủ trương mở cửa nhưng đơn vị vẫn chưa lên kế hoạch kinh doanh.

Cụ thể, hệ thống các nhà hàng của chị Trang được phân bố tại nhiều địa điểm khác nhau trên địa bàn thành phố, do đó, nếu chưa có hướng dẫn cụ thể, rất khó để chị Trang có phương án nhập nguyên liệu, tổ chức nhân sự, vận hành kinh doanh.

Hà Nội nới lỏng giãn cách: Giới kinh doanh “thấp thỏm” chờ đợi - Ảnh 1.

Chiều 14/9, nhiều cửa hàng ăn uống vẫn "án binh bất động" chưa chuẩn bị hoạt động trở lại. (Ảnh: Thanh Phong)

"Hiện tại, các nhà hàng của chúng tôi được phân bố khá phức tạp. Ví dụ, tại quận Nam Từ Liêm, được xem là vùng xanh nhưng vừa rồi có thông tin F1 lại ở gần. Cửa hàng tại quận Hoàn Kiếm là vùng đỏ, nhưng khu vực các tuyến phố xung quanh nhà hàng đã được khoanh vùng xanh rất nhiều ngày nay.

Do đó, để có kế hoạch kinh doanh trong thời gian tới, chúng tôi cần có thông tin rõ ràng và thời gian để chuẩn bị. Đặc thù của hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống là phải tính toán rất nhiều từ khâu nhập hàng, bảo quản, nhân công, cho tới các chi phí điện nước, quảng cáo,… Lúc này, chúng tôi cũng không vội vàng, cứ để thành phố có hướng dẫn cụ thể rồi bắt đầu làm. Không cẩn thận có thể sẽ bị lỗ, trong khi dịch Covid-19 đã khiến chúng tôi thiệt hại rất nhiều"-chị Trang chia sẻ.

Đồng quan điểm trên, chị Yến, giám đốc một doanh nghiệp in ấn tại huyện Hoài Đức cho hay, hiện tại, doanh nghiệp chị gặp khó khăn khi các công nhân ngành in ấn không được cấp giấy đi đường do không thuộc nhóm đối tượng sản xuất "hàng hóa thiết yếu".

Doanh nghiệp đành chọn cách hoàn thành hợp đồng còn dở, dừng ký kết hợp đồng mới để tránh bị phá sản. Hiện nay, dù đã có thông tin về việc TP.Hà Nội sẽ nới lỏng giãn cách nhưng chị Yến vẫn chưa thể tiếp tục nhận đơn hàng.

"Về cuối năm, đơn hàng sẽ có nhiều, ví dụ như các đơn hàng in lịch sử dụng ngay sau khi hết năm dương lịch. Các đơn vị sản xuất từ thời điểm hiện tại đã bắt đầu đàm phán, nhận đơn hàng. Một số sản phẩm phục vụ dịp Tết Nguyên đán, năm mới cũng sẽ dần được doanh nghiệp triển khai kế hoạch sản xuất.

Tuy nhiên, mặc dù rất sốt ruột nhưng chúng tôi hiện không dám nhận đơn hàng. Thành phố chưa có hướng dẫn cụ thể nên chúng tôi không biết có thuộc diện được sản xuất kinh doanh không? Chúng tôi cũng không thể trả lời các đối tác về việc dừng sản xuất đến bao giờ. Khi nào thành phố kiểm soát được dịch và có chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động chúng tôi mới có thể tính tiếp được", chị Yến bày tỏ.

Cần thông tin cho đơn vị kinh doanh trước ít nhất 3 ngày

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội đánh giá, việc thực hiện "nới lỏng" giãn cách, mở cửa kinh tế cần thực hiện khoa học và có thời gian cho các đơn vị kinh doanh chuẩn bị.

Cụ thể, theo ông Phú, hiện nay, Hà Nội vẫn còn khá nhiều vùng đỏ ở cả quận nội và ngoại thành. Việc mở cửa trước hết nên thực hiện ở các vùng xanh, mở những dịch vụ thiết yếu phục vụ đời sống người dân như ăn uống, cắt tóc,… Tại các vùng này có thể bán hàng trực tiếp trong điều kiện phòng chống dịch được đáp ứng đầy đủ. Đối với vùng cam thì có thể thực hiện bán hàng mang về, vùng đỏ thì chưa nên mở.

Hà Nội nới lỏng giãn cách: Giới kinh doanh “thấp thỏm” chờ đợi - Ảnh 2.

Nhiều đơn vị kinh doanh hồi hộp chờ đợi do vẫn chưa biết ngành của mình có được hoạt động hay không. (Ảnh: Thanh Phong)

"Thời gian vừa qua, Hà Nội đã ra nhiều văn bản quá gấp gáp. Theo tôi việc ban hành văn bản cần có độ trễ thời gian ít nhất 3 ngày. Ví dụ như ngày 15/9 muốn mở cửa thị trường thì các quy định, hướng dẫn phải được ban hành từ ngày 12/9. Hôm nay đã là ngày 14/9 mà Hà Nội vẫn chưa có thông tin cụ thể sẽ rất khó cho các đơn vị kinh doanh.

Tôi lấy ví dụ như mở lại cửa hàng phở, nhà kinh doanh phải nhập các mặt hàng như thịt bò, bánh phở, gia vị,… rồi làm đến những công đoạn như hầm xương, cần cả đêm hoặc một ngày để làm. Tất cả những công việc này họ cần báo cho các bên cung cấp, đồng thời những đơn vị đó cũng phải có thời gian chuẩn bị. Nếu ra văn bản quá gấp, các đơn vị kinh doanh trở tay không kịp sẽ cung ứng khó khăn"-ông Phú phân tích.

Các chuyên gia cũng cho rằng, trong thời gian thực hiện mở cửa, nới lỏng giãn cách cần thực hiện nghiêm nguyên tắc 5T. Các lực lượng chức năng khi phát hiện cơ sở nào vi phạm cần xử phạt nặng, thậm chí yêu cầu đóng cửa, không cho tiếp tục kinh doanh.

Thông tin về việc mở cửa các hoạt động kinh tế, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho biết, hiện cơ quan này vẫn đang nghiên cứu. "Từ nay tới ngày 21/9 vẫn còn 1 tuần nên hiện chúng tôi vẫn chưa có phương án cụ thể về việc sẽ nới lỏng hoạt động nào sau thời điểm trên. Chúng tôi đang nghiên cứu các phương án để đề xuất lên Sở Y tế.

Nếu nới lỏng các hoạt động sản xuất kinh doanh, chúng tôi sẽ nới dần dần. Tùy các hoạt động, từng bước một từ trên xuống vì hiện nay Hà Nội vẫn còn những ca mắc Covid-19 được phát hiện trong cộng đồng", ông Tuấn thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem