Hà Tĩnh: Đưa bưởi Phúc Trạch lên chợ này, nông dân không phải thở ngắn than dài chờ thương lái
Hà Tĩnh: Đưa bưởi Phúc Trạch lên chợ này, nông dân không phải thở ngắn than dài chờ thương lái
Khánh Nguyên
Thứ hai, ngày 27/09/2021 07:00 AM (GMT+7)
Theo ông Nguyễn Văn Trí - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh, việc hướng dẫn nông dân ứng dụng công nghệ số vào chăm sóc, tiêu thụ bưởi Phúc Trạch không chỉ giúp bà con thay đổi tư duy sản xuất mà còn giúp chính đội ngũ cán bộ khuyến nông chuyển đổi thành khuyến nông công nghệ.
20 ngày lên sàn, 14.000 tấn bưởi Phúc Trạch bán hết veo
Bưởi Phúc Trạch là một đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hà Tĩnh. Những năm trước, thương lái trong và ngoài tỉnh đến tận vườn mua sỉ cả vườn trước vụ thu hoạch nên hầu như không xảy ra tình trạng được mùa mất giá.
Tuy nhiên, vụ bưởi năm nay, do dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp, nhiều nơi thực hiện giãn cách xã hội nên gần như không có thương lái đến thu mua.
Trước khó khăn của nông dân, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các sàn thương mại điện tử đưa bưởi Phúc Trạch lên giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử, đồng thời tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, phát triển nhiều kênh bán hàng.
"Chỉ sau hơn 20 ngày đưa bưởi Phúc Trạch lên sàn, lượng bưởi được tiêu thụ đạt khoảng 65-70% sản lượng, tương đương 14.000 tấn. Trong đó, sàn Postmart.vn tiêu thụ hơn 130 tấn, sàn voso.vn tiêu thụ 50 tấn; sàn hatiplaza.com trên 20 tấn…" - ông Trí thông tin.
Ngoài ra, các đơn vị còn kết nối đưa bưởi Phúc Trạch vào siêu thị Vinmart, BigC, vào các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh đang triển khai chuyển đổi số trên cây cam với diện tích 7.500ha, trong đó diện tích cho quả 5.300ha của hơn 6.000 hộ sản xuất, sản lượng 63.000 tấn.
Tuy nhiên, theo ông Trí, việc giúp nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử cũng gặp một số khó khăn do trình độ công nghệ thông tin của người sản xuất còn thấp.
Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin còn yếu kém, nhất là ở vùng sâu vùng xa.
Tư tưởng tiêu thụ sản phẩm theo truyền thống bán sỉ thông qua thương lái đã ăn sâu vào suy nghĩ của người dân nên bà con chưa chủ động việc bao gói sản phẩm, chưa quen phân loại sản phẩm để bán ở các phân khúc thị trường khác nhau.
Đưa bưởi Phúc Trạch lên sàn, khuyến nông cũng phải chuyển đổi
Ông Nguyễn Văn Trí cho biết, việc chuyển đổi kinh tế số được UBND tỉnh Hà Tĩnh rất quan tâm và đã ban hành Kế hoạch về chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030.
"Sau khi có hội nghị chuyển đổi số do Bộ NNPTNT và Bộ TTTT tổ chức, Sở NNPTNT tỉnh Hà Tĩnh giao Trung tâm Khuyến nông tỉnh là đơn vị tiên phong phối hợp với Công CP Icheck thực hiện chuyển đổi số trên cây bưởi Phúc Trạch, cam chanh, cam bù Hà Tĩnh" - ông Trí cho biết.
Mục tiêu của dự án là thay đổi nhận thức của người sản xuất từ sản xuất truyền thống sang sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ số.
Từng bước chuyển hóa nông dân thành nông dân công nghệ, sử dụng thành thạo các thiết bị thông minh khai thác các dữ liệu phục vụ sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá cả cạnh tranh.
Chủ động trong việc cập nhật thông tin sản phẩm để minh bạch thông tin, quảng bá và dễ dàng bán hàng, kết nối với các đơn vị tiêu thụ trong và ngoài tỉnh; xây dựng được uy tín và thương hiệu bưởi Phúc Trạch và cam Hà Tĩnh và bán với giá cao hơn.
Nhà phân phối có được các thông tin chủ động từ các đơn vị sản xuất để có kế hoạch tiêu thụ sản phẩm và dễ dàng tiêu thụ sản phẩm với giá cao hơn. Còn người tiêu dùng an tâm và tin tưởng sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc và chất lượng rõ ràng.
Trên cơ sở kết quả chuyển đổi số, cơ quan quản lý nhà nước sẽ triển khai quản lý quy hoạch, quản lý chỉ dẫn địa lý, quản lý chất lượng, bảo vệ thương hiệu sản phẩm cam, bưởi trên địa bàn tỉnh tốt hơn.
Chủ động kế hoạch hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ sản xuất, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm; hạn chế các rủi ro do thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.
Để đạt được mục tiêu đó, theo ông Trí, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ phát triển sản xuất, quản lý bưởi Phúc Trạch, cam bù, cam chanh gắn với truy xuất nguồn gốc; hệ thống cổng thông tin sản phẩm kết hợp với xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm bưởi Phúc Trạch, cam bù, cam chanh các thông tin về sản xuất, để có kế hoạch tiêu thụ sản phẩm và thực hiện việc xúc tiến thương mại được nhanh chóng, chủ động và ổn định giá cả.
Ngoài ra còn có hệ thống hỗ trợ kết nối giữa người dân và chuyên gia, nhà quản lý thông qua ứng dụng các thiết bị tự động nhằm giúp người nông dân giải quyết các vướng mắc trong quá trình sản xuất, thông tin thị trường, giá cả vật tư, nông sản.
"Mục tiêu trong năm 2021 là số hóa diện tích thâm canh đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, GlobalGAP gắn với truy xuất nguồn gốc để tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân" - ông Trí nhấn mạnh.
Để đạt được mục tiêu này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Công ty CP Icheck tiến hành khảo sát thu thập số liệu xây dựng trang web, hướng dẫn người dân cài đặt app trên thiết bị di động thông minh, lập tài khoản, công khai các thông tin sản xuất, ghi nhật ký, lập lô hàng, hương dẫn in tem truy xuất nguồn gốc cho 160 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác với diện tích 990ha bưởi của 2.800 hộ sản xuất, trong đó có 780ha sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, 5,6ha GlobalGAP và 14ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.