Hai cây khổng lồ trồng năm 1698 ở làng Phan Dư của Vĩnh Phúc là loài cây gì mà được gắn thêm chữ "Thần Nông"?

Thứ bảy, ngày 16/04/2022 13:14 PM (GMT+7)
Ở vùng đất Cao Phong, ven sông Lô (tục gọi là Kẻ Mai, xã Cao Phong, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) có 2 cây gạo cổ thụ đã mấy trăm năm tuổi vẫn sừng sững, hiên ngang trường tồn cùng năm tháng, tô điểm cho vẻ đẹp thanh bình chốn làng quê.
Bình luận 0

Chính quyền và nhân dân xã Cao Phong, huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc) luôn quan tâm chăm sóc, bảo vệ, giữ gìn 2 cây gạo Thần Nông; giáo dục thế hệ con cháu biết trân quý và có ý thức gìn giữ cây di sản tiền nhân để lại.

Hai khổng lồ trồng từ năm 1698 ở làng Phan Dư của Vĩnh Phúc là loài cây gì mà được gắn thêm chữ "Thần Nông"? - Ảnh 1.

Hình ảnh cây gạo Thần Nông cổ kính, uy nghi tọa lạc bên bãi bồi ven sông Lô đã tạo ra nét chấm phá đầy nghệ thuật cho bức tranh phong cảnh quê hương. Hai cây gạo Thần Nông, xã Cao Phong, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.


Từ trung tâm thành phố Vĩnh Yên, chúng tôi di chuyển bằng xe máy lên đến huyện miền núi Sông Lô. Quãng đường đi dài chừng 40 km từ nơi phố thị ồn ào, tấp nập về với miền quê thanh bình, yên ả đã làm sống lại trong tôi một phần ký ức tuổi thơ.

Ở đây có những rặng tre già vươn mình trước gió, bọn trẻ hái những cành măng non, lột vỏ chơi trò quay măng tre. Hoa xoan đầu hè nở tím cả bầu trời quê, từng cánh hoa mỏng manh mải mê chơi đùa trong gió, rồi khẽ khàng trải mình trên mặt ao tạo thành một bức tranh quê đầy thơ mộng.

Trên những cánh đồng ngập nước, đàn vịt trời bơi lội trắng xóa như thể những đám mây hạ phàm đang ngao du trên mặt nước. Tôi gạt tấm kính chắn gió từ chiếc mũ bảo hiểm để nắng vàng trải đều trên mặt và gió lùa vào tận tâm can.

Đến trục đường chính của xã Cao Phong, tôi hỏi thăm một cụ già đường tới 2 cây gạo và được cụ chỉ đi về phía cánh đồng thôn Phan Dư. Từ phía xa, bóng dáng hai cây gạo cổ thụ từ từ hiện ra với vẻ hùng vĩ, nhưng vô cùng ôn hòa, dung dị. Hai cây gạo này được nhân dân địa phương tôn kính gọi là 2 cây gạo Thần Nông, trong đó có một cây lớn và một cây nhỏ, nhưng khi đứng cạnh nhau tạo thành một thể thống nhất, vô cùng hài hòa, cân đối.

Theo các tài liệu cổ ghi chép lại, năm 1698, khi dân làng Phan Dư xây dựng đình làng cũng đồng thời trồng được 2 cây gạo quý này. Cây gạo nhỏ thân trực, đường kính thân cây 2,2m, chu vi tán lá 12,2m. Cây gạo lớn thân nghiêng về phía Bắc khoảng 10 độ, đường kính thân cây 3,5m, chu vi tán lá 14,2m.

2 cây gạo cao hơn 45 m, khoảng cách giữa hai cây là 9,5 m. Trải qua bao năm tháng, hai cây gạo như những chứng nhân lịch sử, chứng kiến biết bao biến cố, thăng trầm thời cuộc. Dấu vết thời gian in hằn trên từng tán lá, thân cây xù xì, tạo thành một vẻ đẹp vừa cổ kính, vừa đơn sơ, bình dị.

Tọa lạc giữa cánh đồng ven bãi sông Lô, 2 cây gạo vươn cao sừng sững, những tán lá trải rộng, tạo bóng mát cho người dân đi làm đồng nghỉ ngơi trong những ngày hè nắng gắt.

Tháng 3, hoa gạo nở rực rỡ cả một khoảng trời. Những bông hoa còn đỏ thắm rụng rơi, trải đều trên mặt đất, những cô thiếu nữ thôn quê rủ nhau xúng xính áo dài, nhặt cánh hoa rơi tạo dáng bên gốc cây chụp những tấm hình kỷ niệm.

Trong ánh chiều tà, 2 cây gạo sừng sững, uy nghi in mình trên nền trời đỏ thắm tựa như một bức tranh phong cảnh đẹp đến nao lòng. Những người nông dân như bà Nguyễn Thị Lan, ông Khổng Văn Thanh (thôn Phan Dư) đã xong việc đồng áng vẫn cố nán lại ngắm hoàng hôn bên 2 cây gạo cổ thụ đã gắn bó với họ hơn nửa cuộc đời.

Bà Lan cho biết: “Khi còn nhỏ, 2 cây gạo là địa điểm quen thuộc của đám trẻ con chúng tôi vào mỗi buổi trưa hè trốn nhà đi chơi, cả những lúc ra đồng chăn trâu, cắt cỏ… Cho đến bây giờ, mỗi lần đi làm đồng về, chúng tôi vẫn dừng chân nghỉ ngơi bên gốc cây gạo, tận hưởng bóng mát từ những tán lá cây".

Phó Chủ tịch UBND xã Cao Phong Khổng Văn Đông cho biết: "Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, 2 cây gạo là chòi canh, nơi quan sát tình hình của dân quân, du kích trong vùng, góp phần làm nên 132 trận đánh lớn, nhỏ đánh đuổi quân xâm lược.

Quân ta đã bắt sống một tên quan hai Pháp và tên việt gian phản động Lê Bình. Bên gốc gạo, từng có bao cuộc tiễn đưa những chàng trai trẻ lên đường ra mặt trận, đuổi giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi non sông.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa để lại, ngày 29/6/2016, 2 cây gạo Thần Nông đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là “Cây di sản Việt Nam”.

Các thế hệ dân làng Cao Phong càng thêm tự hào, tôn quý và nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ và gìn giữ cây di sản ông cha để lại. UBND xã đã dựng văn bia ghi chép về lịch sử trường tồn của 2 cây gạo và đặt lư hương bên gốc cây để dân làng thắp hương, cúng lễ cầu thổ thần, thủy thần phù hộ độ trì cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân dân được no ấm, đủ đầy.

Dân làng Phan Dư thường xuyên tưới nước, bón đất màu mỡ vào gốc cây để chăm sóc, tôn tạo, bảo vệ cây. Nhờ đó, 2 cây gạo ngày càng xanh tươi, mỗi độ Xuân về lại tách vỏ, bật chồi thay áo mới.

Hình ảnh 2 cây gạo Thần Nông cổ kính, uy nghi tọa lạc bên bãi bồi ven sông Lô đã tạo ra nét chấm phá đầy nghệ thuật cho bức tranh phong cảnh quê hương, là biểu tượng cho sự trường tồn, phúc lộc và phát triển hưng thịnh của đất và người Cao Phong.

Bạch Nga (Báo Vĩnh Phúc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem