Ngày 20/11, bên trong hầm Hải Vân mở rộng, cơ quan thường trực của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng thuộc Bộ Xây dựng đã kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình mở rộng hầm đường bộ Hải Vân do Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư.
Hầm Hải Vân sau khi được mở rộng gồm 2 ống hầm, lưu thông một chiều mỗi ống hầm. Ngoài ra, còn có các hạng mục khác như: Trung tâm cứu hộ cứu nạn, phòng cháy chữa cháy, trạm thu phí, trạm dừng đỗ kỹ thuật. Đây là công trình hầm đường bộ dài nhất khu vực Đông Nam Á, trong đó, đường dẫn phía bắc dài khoảng 1,7km, trong hầm dài 6,2km, đường dẫn phía nam 4km. Được biết, công trình hầm Hải Vân mở rộng đã hoàn thành vượt tiến độ 3 tháng.
Kết quả buổi nghiệm thu, cơ quan thường trực Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đã có ý kiến chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư, đánh dấu mốc hoàn thành giai đoạn đầu tư và cũng là điều kiện cần để đưa công trình vào vận hành khai thác.
Tuy nhiên, theo nhà đầu tư, sau khi nghiệm thu, công trình này sẽ phải đóng cửa do các vướng mắc của dự án. Cụ thể, các công việc trên hiện trường đã hoàn thành, nhưng phương án tài chính dự án đã bị phá vỡ do cam kết của Nhà nước trong hợp đồng BOT chưa thực hiện. Mặc dù nhà đầu tư và Bộ GTVT đã nhiều lần báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhưng đến nay dự án vẫn chưa được bố trí giải ngân đủ phần vốn ngân sách nhà nước tham gia (thiếu 1.180 tỷ đồng), đồng thời phương án xử lý đối với trạm thu phí La Sơn- Túy Loan vẫn chưa được cấp có thẩm quyền quyết định.
Việc này đã dẫn đến rất nhiều khó khăn đối với nhà đầu tư, do thiếu hụt nghiêm trọng nguồn vốn và nguồn thu, ảnh hưởng việc trả nợ ngân hàng và không có kinh phí để vận hành hầm Hải Vân 2 khi hoàn thành.
Thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra trên tuyến đường qua hầm Hải Vân gây ách tắc giao thông, đe doạ sự an toàn cho người và phương tiện. Việc này đặt ra yêu cầu cấp thiết của việc sớm đưa công trình mở rộng hầm Hải Vân vào vận hành khai thác đồng bộ với quy mô 4 làn xe trên toàn tuyến quốc lộ 1A, tránh việc ùn tắc, tai nạn giao thông và xóa bỏ các điểm đen nguy hiểm.
Đồng thời, việc đưa công trình vào vận hành sẽ góp phần phát huy hiệu quả kinh tế xã hội, nâng cao năng lực vận tải đường bộ, kết nối giữa Thừa Thiên Huế, TP. Đà Nẵng với các địa phương trong khu vực...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.