Hậu thực thi Hiệp định ATIGA: Thanh Hoá tìm nhiều giải pháp "cứu" cây mía
Hậu thực thi Hiệp định ATIGA: Thanh Hoá tìm nhiều giải pháp "cứu" cây mía
Hữu Dụng - Vũ Thượng
Thứ năm, ngày 26/11/2020 08:10 AM (GMT+7)
Cây mía là cây xóa đói, giảm nghèo, đem lại thu nhập khá cho nhiều hộ nông dân ở Thanh Hóa. Nhưng hiệp định ATIGA được thực thi đang khiến cây mía đường tại Thanh hóa ngày càng khó khăn hơn. Hiện vùng nguyên liệu mía giảm nhanh, hai nhà máy công suất chế biến hơn 5 nghìn tấn mía/ngày ngừng hoạt động, chuyển đổi mô hình sản xuất.
So với giai đoạn 2011 - 2015, diện tích trồng cây mía tại tỉnh Thanh Hóa giảm 8.203,4 ha; Năng suất 600 tạ/ha, tăng 14 tạ/ha; Sản lượng 1,415 triệu tấn, giảm 447,8 ngàn tấn so với giai đoạn 2011- 2015.
Cùng giai đoạn 2016 - 2020, diện tích cây mía giảm dần qua các năm, từ 27.847,6 ha niên vụ 2016 - 2020, xuống còn 17.084 ha niên vụ 2020 - 2021.
Trong 5 năm, diện tích cây mía giảm gần 11 nghìn ha, do diện tích giảm nhưng năng suất tăng không nhiều, nên sản lượng giảm 517,6 tấn. Trong đó, diện tích giảm nhiều nhất là vùng Lam Sơn, Nông Cống, Việt Đài giảm… Nguyên nhân do diện tích giảm, kéo theo sản lượng giảm theo, vùng Lam Sơn giảm 226.803 tấn, vùng Nông Cống giảm 196.113 tấn và vùng Việt Đài giảm 94.762 tấn.
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, bà Nguyễn Thị Hương (thôn Mỹ Quang, xã Thăng Long, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) cho biết: "Gia đình tôi trồng 2 ha mía, cũng nhờ trồng cây mía mà gia đình khấm khá. Như các năm trước, thu nhập từ cây mía cũng được 15 - 20 triệu đồng/ha. Nhưng năm nay, nghe qua báo, đài Ngành mía đường chính thức hội nhập, được phép nhập đường với thuế suất 0% khiến chúng tôi lo lắng. Đồng thời, Công ty CP mía đường Nông Cống đóng trên địa bàn cũng đã tạm dừng sản xuất".
Cũng theo bà Hương, trồng cây mía cũng tương đối nhàn, nói là trồng 9 tháng mới thu hoạch, nhưng thực tế chỉ chăm sóc khoảng 3 tháng, thời gian còn lại ta có thể ở nhà chăm sóc con cái, kết hợp chăn nuôi ở quanh nhà vẫn có thu nhập".
Được biết, ngày 12/3/2020 Công ty CP mía đường Nông Cống đóng trên địa bàn xã Thăng Long (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) quyết định tạm thời dừng sản xuất vụ ép mía 2020 - 2021. Lý do công ty này đưa ra là máy móc thiết bị đã quá củ, hư hỏng nhiều nên tỷ lệ thu hồi thấp, hao phí cao…
Mía đường Thanh Hóa gặp thách thức
Hiệp định ATIGA được thực thi từ 1/1/2020, chính thức xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ các nước ASEAN kể từ ngày 01/01/2020, đây là điều kiện thuận lợi để mặt hàng đường tràn vào việt Nam hợp pháp, dẫn đến sản xuất mía đường đã khó khăn ngày càng khó khăn.
Sản xuất mía đường lao động thủ công là chính, trong khi nguồn lao động đang chuyển dẫn sang công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nên lao động ngày càng khan hiếm, giá ngày công cao.
Ông Lê Viết Khiêm (thôn Mỹ Quang, xã Thăng Long, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) chia sẻ: "Trước kia mỗi khi đến vụ thu hoạch mía chúng tôi rất an tâm, vui vẻ khi Công ty CP mía đường Nông Công thu mua trực tiếp, giờ chuyển sang Công ty CP mía đường Làm Sơn với khoảng đường vận chuyển khoảng 70 Km mới đến nhà máy…mọi chi phí cũng tính vào giá thành cây mía hết. Nếu tình trạng Ngành mía đường chính thức hội nhập, được phép nhập đường với thuế suất 0% thì 5 năm tới cây mía ở đây coi như không còn".
Thực trạng hiện nay cây mía tỉnh Thanh Hóa vẫn đang gặp phải như: Ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ làm ảnh hưởng đến cơ giới hóa trong sản xuất, làm tăng giá thành sản xuất và giảm lợi nhuận thấp. Hạ tầng cơ sở, nhất là giao thông liên xã, nội vùng trồng mía chất lượng kém, gây khó khăn cho vận tái mía nhất là khi gặp mưa; thủy lợi còn nhiều hạn chế, đa số ở dạng mô hình.
Ngoài ra, việc tổ chức sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới còn nhiều hạn chế, chưa phát huy được vai trò của hợp tác xã nên chi phí đầu tư còn cao, hiệu quả sản xuất thấp.
Việc mua mía theo theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng mía nguyên liệu (QCVN 01-98:2012/BNNPTNT) chưa đồng bộ, vẫn còn tình trạng mua mía xô, nên chưa khuyến khích được người trồng mía thâm canh tăng năng suất, chất lượng.
Giải pháp cụ thể
Mấy niên vụ trở lại đây, nông dân trồng cây mía nguyên liệu cho Nhà máy đường Nông Cống dần chuyển đất chuyên canh lúa sang trồng các loại cây trồng khác. Ở xã Công Liêm, hơn 100 ha chuyên trồng cây mía đường được nông dân chuyển sang trồng các loại cây keo, sắn, riềng.
Nguyên nhân là do lợi nhuận thấp, nhà máy giảm đầu tư ứng trước, nông hộ dần chuyển diện tích mía sang trồng cây trồng khác.
Cùng với việc vận động nông dân đổi điền, dồn thửa, khuyến kích tích tụ, tập trung đất đai, tăng cường đầu tư thâm canh mía nhằm chuyển diện tích mía đứng chân trên đất dốc hơn 15 độ sang trồng cây lâm nghiệp, các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa thực hiện chuyển đối cơ cấu cây trồng linh hoạt theo hướng nâng cao giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác.
Hiện bình quân nông hộ bố trí 0,97 ha đất trồng mía, có gần 3.000 ha chuyên canh mía chuyển sang trồng sắn, cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây thức ăn chăn nuôi, rau màu và ngược lại có 650 ha đất chuyên trồng lúa, rau màu, cây lâm nghiệp chuyển sang trồng mía.
Tại huyện Thọ Xuân từng trồng tới 3.000 ha mía nguyên liệu ở 27 xã, thị trấn giờ vùng nguyên liệu được quy hoạch tập trung chủ yếu ở 12 xã vùng đồi chung quanh nhà máy đường Lam Sơn với diện tích 2.027 ha, trong đó có gần 700 ha mía của Công ty TNHH hai thành viên Lam Sơn - Sao Vàng.
Huyện Thọ Xuân có chính sách khuyến kích 27 hợp tác xã tích tụ đất đai, vận động nhân dân đổi điền, dồn thửa và có 26 hợp tác xã đã tạo quỹ đất tập trung thâm canh mía. Theo đó năng suất mía bình quân đạt 65 tấn/ha, riêng cây mía đứng chân trên đất bãi cho năng suất 70 - 80 tấn/ha, có thời điểm từng đạt hơn 100 tấn/ha. Dẫu vậy, niên vụ này nắng hạn kéo dài, có nông hộ bị chết tới 4 ha mía và giá thu mua mía nguyên liệu giảm khiến người trồng mía không vui.
Vượt khó đi lên
Hiện nay các nhà máy đường ở Thanh Hóa đang thực hiện tái sử dụng phụ phẩm sau chế biến đường để sản xuất được 65.256.300 KW điện từ bã mía, đáp ứng 40% nhu cầu điện sử dụng tại nhà máy còn lại bán điện, cung ứng điện năng lên lưới điện quốc gia và nhà máy đường Lam Sơn đã sản xuất được 32 nghìn tấn phân hữu cơ vi sinh từ bã bùn mía và tro lò.
Hằng năm, các công ty mía đường đầu tư 307 tỷ phát triển vùng mía nguyên liệu thông qua các hình thức: đầu tư ứng trước giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thực hiện chính sách thu mua bọ hung hại mía, hỗ trợ trồng giống mới, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho người sản xuất; hỗ trợ chuyển đổi đất lúa sang trồng mía, làm đường vận chuyển; hỗ trợ vốn mua thiết bị tưới nước, sắm máy thực hiện cơ giới hóa quy trình thâm canh mía nguyên liệu; thưởng cho các địa phương, hộ trồng mía có diện tích, năng suất mía vượt kế hoạch.
Trao đổi với phóng viên Dân Viêt, ông Vũ Quang Trung - Phó Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Tỉnh Thanh Hóa đang khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất để hình thành cánh đồng lớn, thuận lợi cho cơ giới hóa đồng bộ và đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Thực tế cho thấy ở đâu cây mía được tưới, năng suất tăng 30 - 40%, do vậy cần tăng cường khâu tưới mía, tiếp tục chuyển đất trồng cây khác hiệu quả thấp sang trồng mía, giảm dần diện tích mía trên đồi cao; rà soát, bổ sung chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư chiều sâu, sản xuất sản phẩm phụ sau đường, hỗ trợ phát triển các hình thức kinh tế hợp tác ở vùng mía. Cơ quan chuyên môn đang đánh giá, đề nghị bổ sung, kéo dài các chính sách; triển khai đồng bộ các biện pháp thâm canh, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất".
Cụ thể, đẩy mạnh nhân giống mía nuôi cấy mô, cung cấp giống sạch bệnh cho sản xuất đại trà, bảo đảm 80% diện tích trồng giống mía mới cho năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với điều kiện đất đai và thích ứng với biến đổi khí hậu; phấn đấu cơ giới hóa toàn bộ khâu làm đất, bảo đảm làm đất sâu 40 - 50 cm, mở rộng cơ giới hóa khâu chăm sóc mía; tăng cường công tác khuyến nông, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, phòng trừ, quản lý dịch bệnh; nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến như: cơ giới hóa đồng bộ, sử dụng phân tổng hợp, phân bón chuyên cho cây mía, các mô hình tưới mía, cày sâu bón vôi, luân canh cải tạo đất, xây dựng cánh đồng mía lớn.
Tỉnh Thanh Hóa cũng tập trung chỉ đạo xây dựng 15 nghìn ha vùng mía thâm canh có năng suất, chất lượng cao và cùng doanh nghiệp phát triển vùng nguyên liệu bền vững, đáp ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Bản thân doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư cải tiến công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, tận thu phế phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất và điều tiết hài hòa quan hệ lợi ích giữa người trồng mía với doanh nghiệp sản xuất đường, các sản phẩm sau đường, bên đường cùng hệ thống phân phối, bán sản phẩm.
Cơ quan chức năng cùng tăng cường quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công, nhất là thực hiện giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện hợp đồng sản xuất, mua bán mía, bảo đảm an ninh trật tự trong thu mua, chế biến nguyên liệu mía, đồng thời tăng cường đấu tranh với hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, tạo lập môi trường bình đẳng trong kinh doanh, phát triển ngành công nghiệp mía đường trong thời kỳ hội nhập, cùng phát triển.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.