Hiện vẫn còn 60.000 người mắc kẹt ở nước ngoài trong dịch Covid-19 muốn về nước

M.H. Thứ sáu, ngày 28/08/2020 16:06 PM (GMT+7)
Trao đổi nhanh với Dân Việt, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho biết, đến giờ đã đưa gần 30.000 người Việt mắc kẹt ở nước ngoài trong dịch Covid-19 về nước. Việc tổ chức các chuyến bay về gặp nhiều khó khăn khi các nước đóng cửa biên giới, không có đường bay trực tiếp, mất nhiều thời gian đàm phán mở đường bay.
Bình luận 0

Thưa Thứ trưởng, việc đưa công dân Việt Nam về nước trong bối cảnh dịch Covid-19 có gì khó khăn?

- Dịch Covid-19 diễn biến rất nhanh, dẫn tới nhiều hoàn cảnh khó khăn cho bà con người Việt ở ngước ngoài, như các nước dừng đột ngột chuyến bay, hạn chế đi lại trong chính mỗi nước nước, nên nhiều người Việt đã bị mắc kẹt…

Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở  nước ngoài thực hiện bảo hộ công dân, cụ thể  như lập đường dây nóng  24/24 để liên hệ nắm thông tin tình hình, hình chia sẻ khó khăn của bà con, làm việc với chính quyền sở tại, hỗ trợ khi bà con cần hoặc hoặc mắc bệnh, hỗ trợ thu xếp nơi ăn ở, đưa họ ra bến cảng sân bay, phối hợp với các cơ quan khác để tổ chức cấp phép bay.

Nhu cầu rất lớn bà con muốn về, nhưng trong bối cảnh đất nước khó khăn, Chình phủ sẽ tổ chức dần dần các chuyến bay đưa bà con về theo tinh thần không bị ai bỏ lại phía sau, phù hợp với khả năng cách ly và điều kiện phòng chống dịch trong nước.

Thứ trưởng Ngoại giao giải thích vì sao các chuyến bay đưa người Việt về từ vùng dịch giá vé cao - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng.

Đã xuất hiện những thắc mắc về giá vé bay về nước cao hơn bình thường,  hay việc chọn lựa người được đưa về chưa phù hợp, xin ông giải thích thêm những thắc mắc đó của người dân?

- Chính phủ giao 4 bộ chính là Ngoại giao, Y tế, Quốc phòng, Giao thông Vận tải để tổ chức chuyến bay đưa người Việt về nước.  Các cơ quan đại diện ở nước ngoài tập hợp danh sách nhu cầu trên cơ sở xem xét ai có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhất như học sinh dưới 18 tuổi, người già mắc bệnh nền, lao động đã hết hạn, học sinh đã tốt nghiệp không có visa, không đăng ký được nơi ăn ở… Rất nhiều hoàn cảnh khó khăn mà chúng ta không thể đưa hết được, không thể làm hài lòng hết bà con. Nhưng với tinh thần cao nhất và làm việc công tâm, chúng ta  đã cố gắng thu xếp và nay giải quyết được  số lượng khá lớn,  gần 30.000 trên tổng số gần 100.000 người muốn về. Hiện vẫn còn 50.000 – 60.000 người muốn về, càng để lâu thì càng nhiều người mắc kẹt, khó khăn bà con gặp phải càng lớn.

Về chi phí,  do Chính phủ không có điều kiện tổ chức các chuyến bay miễn phí nên Chính phủ cho phép tổ chức chuyến bay thương mại riêng lẻ. Trên cơ sở hạch toán của hàng không Việt Nam, phải tính cả chiều bay đi rỗng không có khách nên chi phí cao hơn bình thường, cũng mong bà con được Chính phủ tạo điều kiện về thông cảm cho hoàn cảnh khó khăn của đất nước và bối cảnh chung khi nhân dân trong nước đang căng mình chống dịch.

Việc thảo luận với các nước tổ chức chuyến bay khó khăn ra sao?

- Việc đó rất phức tạp. Với những nước như Mỹ, Canada chúng ta chưa có chuyến bay thương mại chính thức nên xin giấy phép bay hết sức khó. Thông thường qua đàm phán thiết lập đường bay thương mại mất 6 tháng, nhưng chúng ta đã nỗ lực tìm giải pháp ngoại giao để các nước thông hiểu đây là chuyến bay nhân đạo của Chính phủ, nhưng cũng thực hiện thương mại nên bà con chia sẻ đóng góp chi phí. Sau gần một tháng trao đổi thì họ đồng ý.

Ngoài ra có những chuyến bay từ những những vùng xa xôi như Trung Đông, Châu Phi chưa có đường bay trực tiếp, trong bối cảnh các nước đóng cửa biên giới, đóng cửa đường bay thì phải đàm phán trao đổi với Tổ chức Hàng không Thế giới tìm đường bay thuận lợi nhất  để xin phép bay đưa bà con về.

Xin cảm ơn Thứ trưởng. 

Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về Covid-19 chiều qua 27/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Ngoại giao chủ trì điều phối các chuyến bay đưa người Việt mắc kẹt ở nước ngoài về Việt Nam và chuyên gia, nhà đầu tư đến Việt Nam bằng các hình thức linh hoạt, tránh quá tải các cơ sở cách ly tập trung.

Thủ tướng nhấn mạnh: Cần xem xét tăng dần chuyến bay đến các nước, kể cả thương mại và đưa người Việt Nam về một cách phù hợp trên khả năng có thể kiểm soát được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem