Hỗ trợ ứng phó dịch Covid-19: Gói 1 chưa xong, gói 2 khó triển khai?

Nguyệt Tạ Thứ năm, ngày 17/06/2021 16:17 PM (GMT+7)
Sau 1 năm triển khai thực hiện gói hỗ trợ an sinh lần 1 trị giá 62.000 tỷ đồng, mặc dù kết quả giải ngân thấp, nhưng đứng trước tác động không hề nhỏ của dịch bệnh, Bộ LĐTBXH vẫn tiếp tục dự thảo đề xuất gói hỗ trợ lần 2. Vậy làm thế nào để gói 2 không “dẫm vào vết xe đổ” của gói 1…?
Bình luận 0

Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng: Mới giải ngân được 22%!

Cách đây hơn 1 năm, tháng 4/2020, Bộ LĐTBXH đã đề xuất Chính phủ ban hành gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng từ ngân sách nhằm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, hỗ trợ nhiều nhóm đối tượng nhất có thể. Trong đó, khoảng 35.880 tỷ đồng được chi hỗ trợ đối tượng chính sách, người nghèo, lao động tự do và lao động trong doanh nghiệp mất việc làm, hộ kinh doanh; khoảng 16.200 tỷ đồng cho doanh nghiệp (DN) vay ưu đãi trả lương cho người lao động. Ngoài ra, còn tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất khoảng 6.500 tỷ đồng; hỗ trợ DN đào tạo lại lao động 3.000 tỷ đồng (từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp).

Theo Bộ LĐTBXH, tới tháng 5/2021, gói an sinh trên mới chỉ giải ngân được gần 14.000 tỷ đồng (tương đương hơn 22%) để hỗ trợ cho gần 13,2 triệu người. Số tiền được giải ngân chủ yếu chỉ hỗ trợ cho các đối tượng là người có công; hộ nghèo; lao động mất việc trong doanh nghiệp; hộ kinh doanh cá thể và số ít lao động tự do.

Hỗ trợ ứng phó dịch Covid-19: Gói 1 chưa xong, gói 2 khó triển khai? - Ảnh 1.

Chi trả hỗ trợ cho lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ gói 62.000 tỷ đồng tại Hà Đông, Hà Nội hồi tháng 5/2021. Ảnh: Nguyệt Tạ

Trong khi đó, gói 16.200 tỷ đồng cho DN vay trả lương cho lao động chỉ cho vay được hơn 41 tỷ đồng; 3.000 tỷ đồng chi từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp không giải ngân được.

Lý giải về kết quả giải ngân thấp, đại diện Bộ LĐTBXH cho rằng, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, số đối tượng hỗ trợ lớn nên việc xác định đối tượng hỗ trợ gặp nhiều khó khăn. Cộng thêm vào đó là tiêu chí đưa ra quá chặt chẽ, số tiền hỗ trợ thấp, khiến doanh nghiệp và một vài nhóm đối tượng (chủ yếu lao động tự do, kinh doanh cá thể) "nản" không muốn đề xuất nhận hỗ trợ.

Bà Nguyễn Thị Thu Giang - Phó Viện Trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (LIGHT) cho rằng, việc thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ là rất cần thiết trong bối cảnh lao động chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh nhưng quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn do các điều kiện hưởng ngặt nghèo, phức tạp.

Hỗ trợ ứng phó dịch Covid-19: Gói 1 chưa xong, gói 2 khó triển khai? - Ảnh 2.

Lãnh đạo Bộ LĐTBXH trao hỗ trợ cho người dân Hà Nội vào tháng 5/2020. Ảnh: T.N

Dự thảo gói hỗ trợ lần 2 đang được Bộ LĐTBXH lấy ý kiến tiếp tục đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội cho DN vay với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động bị ngừng việc với tổng kinh phí trên 2.400 tỷ đồng; cho vay trả lương trong thời gian phục hồi sản xuất với tổng kinh phí trên 5.000 tỷ đồng.

Ví dụ trong đại dịch, nhóm lao động tự do, lao động di cư là nhóm yếu thế nhất nhưng việc tiếp cận gói hỗ trợ này gặp rất nhiều khó khăn. Bản thân họ không thể về quê để làm thủ tục hưởng chính sách do tình trạng "ngăn sông cấm chợ".

"Lao động tự do rời quê đi làm việc thì phải hỗ trợ nơi đến, không thể yêu cầu họ quay lại địa phương nhờ địa phương xác nhận về tình trạng công việc hiện tại"- bà Giang phân tích.

Hướng đi nào cho gói hỗ trợ lần 2?

Trong khi gói hỗ trợ lần 1 đạt kết quả không như mong đợi thì mới đây, tại Chỉ thị 16/CT -TTg của Thủ tướng Chính phủ đã truyền đi thông báo đề nghị Bộ LĐTBXH sớm hoàn thiện dự thảo nghị quyết về hỗ trợ lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐTBXH khẩn trương tiếp thu ý kiến các bộ, ngành hoàn thiện dự thảo nghị quyết này để trình Bộ Chính trị cho ý kiến.

Hỗ trợ ứng phó dịch Covid-19: Gói 1 chưa xong, gói 2 khó triển khai? - Ảnh 4.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ KHĐT) cho thấy, từ đầu năm tới nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Chỉ trong quý I, dịch bệnh đã tác động tới 9,1 triệu lao động trong cả nước. Trong đó, hơn 5.000 người mất việc làm, hơn 2,8 triệu người phải tạm nghỉ việc, giãn cách, không hưởng lương.

Đợt dịch Covid -19 lần thứ 4 này bùng phát mạnh mẽ, diễn biến phức tạp hơn vì lây lan trên diện rộng, vào cả các khu công nghiệp. Hầu hết các ngành kinh tế đều chịu ảnh hưởng.

Trước những tác động gây thiệt hại nặng nề, Bộ LĐTBXH đang dự thảo gói hỗ trợ lần 2 cho lao động, DN bị ảnh hưởng. Dự kiến gói hỗ trợ lần 2 có trị giá là 27.300 tỷ đồng.

Theo đó, gói hỗ trợ lần 2 sẽ chi 3.600 tỷ đồng để miễn tiền đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (các chế độ của lao động vẫn được đảm bảo). Đồng thời, gói hỗ trợ cũng đề xuất cho DN tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất trong vòng 6 tháng. Dự kiến kinh phí hỗ trợ cho nội dung này là 11.300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cũng dành số tiền khoảng 3.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ DN đào tạo lại lao động.

Dự thảo gói hỗ trợ lần 2 này Bộ LĐTBXH cũng đưa mức đề xuất cụ thể. Ví dụ như: Hỗ trợ trực tiếp lao động dừng hợp đồng, lao động nghỉ việc không lương, mất việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp 1,8 triệu đồng/người, tổng kinh phí khoảng 380 tỷ đồng; hỗ trợ hộ kinh doanh phải tạm đóng cửa để phòng dịch theo yêu cầu của cơ quan chức năng mức 2 triệu đồng/hộ/tháng, tổng kinh phí khoảng 600 tỷ đồng; hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em phải cách ly y tế phòng dịch mức 80.000 đồng/trẻ em/ngày, tổng kinh phí khoảng 70 tỷ đồng (từ ngân sách nhà nước và Quỹ Bảo trợ trẻ em). Ngoài ra, cơ quan soạn thảo đề xuất Trung ương hỗ trợ 1.000 tỷ đồng chia đều cho Bắc Giang và Bắc Ninh để hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng và lực lượng phòng chống dịch.

Để gói hỗ trợ lần 2 phù hợp thực tiễn, tránh xe đổi của gói 1, bà Giang cho rằng cần phải tính toán giải pháp hỗ trợ cụ thể. Trong đó, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ cho nhóm lao động tự do, lao động yếu thế, tiếp đó là công nhân, lao động bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập.

"Quan trọng nhất là phải nới lỏng các điều kiện thụ hưởng, rút ngắn thủ tục hành chính. Các chính sách hỗ trợ cho cả lao động cần phải thật cụ thể, thật chi tiết"- bà Giang kiến nghị. 

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem