Hòa Bình quyết “hồi sinh” 800ha cam Cao Phong

P.V Thứ tư, ngày 22/02/2023 06:14 AM (GMT+7)
Để giữ vững thương hiệu cam Cao Phong, Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình đã đề xuất UBND tỉnh triển khai thực hiện cải tạo quỹ đất an toàn, xử lý đất đảm bảo độ an toàn về sâu bệnh gây hại trong đất, phục vụ việc trồng tái canh cây cam với diện tích khoảng 800ha.
Bình luận 0

Chất lượng giống cam Cao Phong có nguy cơ thoái hóa

Theo Công thông tin điện tử Bộ Công Thương, toàn huyện Cao Phong (Hòa Bình) hiện có 1.744ha cây có múi, sản lượng niên vụ 2022 - 2023 ước đạt khoảng 22.000 tấn. Riêng diện tích cam khoảng 1.500ha, sản lượng ước 18.000 tấn, trong đó, diện tích cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 536,7ha.

Với chất lượng tốt, cam Cao Phong có mặt ở nhiều hệ thống siêu thị lớn, được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn, trở thành nông sản đặc trưng, tiêu biểu nhất, là thế mạnh để huyện Cao Phong thúc đẩy kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Hòa Bình quyết “hồi sinh” 800ha cam Cao Phong - Ảnh 1.

Nhân viên Postmart tham gia thu hoạch, tiêu thụ cam Cao Phong. Ảnh: P.M

Cam Cao Phong đang được biết đến là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hòa Bình. Nông trường Cao Phong được biết đến là vựa cam lớn nhất không chỉ của tỉnh Hòa Bình mà còn cả khu vực Tây Bắc, thậm chí là cả miền Bắc, chiếm 45% diện tích cam toàn tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay, việc phát triển cam Cao Phong gặp phải một số khó khăn như: Chất lượng cây giống không được kiểm soát chặt chẽ, mang nhiều mầm bệnh; việc sử dụng lượng lớn phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và các giải pháp kỹ thuật để khai thác tối đa năng suất đã làm giảm tuổi thọ vườn cây, làm đất chai cứng, mất kết cấu, hệ vi sinh vật có ích trong đất nghèo nàn làm giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng của cây; đồng thời tích lũy nhiều đối tượng sinh vật gây hại, trong đó có những đối tượng sinh vật gây hại nguy hiểm như (nấm Fusarium sp., nấm Phytophthora sp., tuyến trùng, rệp sáp hại rễ…) mà người sản xuất còn lúng túng, xử lý kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất rời rạc, chưa hình thành những vùng trồng tập trung đủ lớn với một loại giống, chưa có sự gắn kết giữa khâu sản xuất và khâu bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thành chuỗi giá trị nên sản phẩm dễ bị tác động của thị trường…

Cam Cao Phong là sản phẩm đã được cấp sở hữu trí tuệ về chỉ dẫn địa lý từ 2014. Tuy nhiên, quá trình phát triển, mở rộng diện tích cam ở vùng này đã có những hạn chế, yếu kém về quản lý nguồn giống, sâu bệnh… làm giảm năng suất và chất lượng cam. 

Thực trạng này đòi hỏi cần có những giải pháp thiết thực, hiệu quả để khắc phục, nâng cao giá trị sản lượng, chất lượng của cam Cao Phong nhằm giữ vững và phát triển thị trường. Đồng thời cần phải có những giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc của Nhà nước và người trồng cam Cao Phong để huy động, bố trí nguồn lực khắc phục những hạn chế về an toàn đất, sâu bệnh phục vụ trồng tái canh cây cam trên địa bàn huyện Cao Phong.

Tái canh khoảng 800ha cam Cao Phong

Từ thực trạng phát triển của cây cam Cao Phong, Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình đã đề xuất UBND tỉnh triển khai thực hiện cải tạo quỹ đất an toàn, xử lý đất đảm bảo độ an toàn về sâu bệnh gây hại trong đất, phục vụ việc trồng tái canh cây cam. 

Dự kiến, đầu tư tái canh với diện tích khoảng 800ha, thực hiện trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện Cao Phong nằm trong đề án tái canh cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030.

Dự án khi được triển khai sẽ góp phần cải tạo môi trường đất cho diện tích dự kiến trồng tái canh khoảng 800ha, là cơ sở khoa học để cán bộ quản lý ngành nông nghiệp và người dân cải tạo và quản lý đất an toàn về sinh vật gây hại, đồng thời dự án là cơ sở khoa học để việc quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Hòa Bình ngày càng tốt hơn, tạo điều kiện để đất đai ngày càng an toàn về sinh vật gây hại, đảm bảo sản xuất theo hướng bền vững.

Dự án được đầu tư nhằm ổn định và phát triển diện tích dự kiến trồng tái canh với doanh thu dự kiến hàng năm là 500 tỷ đồng/năm và lợi nhuận hàng năm khoảng 260 tỷ đồng/năm. 

Bên cạnh đó hình thành vùng sản xuất cam tập trung, gắn giữa tổ chức lại sản xuất, phát triển vùng sản xuất nguyên liệu tập trung với hệ thống logistics, hệ thống sơ chế, chế biến, bảo quản sẽ mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm cam, quýt của Cao Phong nói riêng, sản phẩm cây có múi của tỉnh nói chung; nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng. Thúc đẩy việc tiêu dùng cam Cao Phong trong tỉnh cũng như việc tiêu thụ tại các tỉnh thành lớn, đặc biệt là thị trường vùng Thủ đô.

Đồng thời, sẽ giải quyết cho khoảng 30.000 lao động có việc làm và thu nhập ổn định, tạo điều kiện cho chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện ngày càng ổn định và phát triển, góp phần ổn định trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn huyện Cao Phong nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung. 

Giúp đẩy mạnh hình thức kinh tế tập thể; đồng thời là hình thức liên kết để gắn bó người dân với cộng đồng, với tổ chức, tạo hiệu ứng lan tỏa tốt trong đời sống xã hội, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an ninh, quốc phòng. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem