Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam bị thực dân Pháp bắt giam, khiến thi sĩ Bùi Giáng mê đắm
Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam từng bị thực dân Pháp bắt giam, khiến thi sĩ Bùi Giáng mê đắm
Khánh Đăng
Thứ năm, ngày 05/09/2024 19:00 PM (GMT+7)
Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam là bà Công Thị Nghĩa - người từng tham gia Việt Minh trong vai trò điệp báo tại nội thành Sài Gòn. Bà từng khiến nhà thơ Bùi Giáng mê đắm đến "quên ăn quên ngủ".
Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam từng bị thực dân Pháp bắt giam
Hoa hậu Công Thị Nghĩa sinh ra trong một gia đình tiểu tư sản, người gốc làng hoa Ngọc Hà, Hà Nội. Năm bà 10 tuổi, cha bà được điều động vào Sài Gòn làm việc, bà và gia đình vào miền Nam và ở lại Sài Gòn. Bà được giới nghiên cứu sử học biết đến nhiều hơn với tên gọi Thu Trang. Thu Trang là bút danh khi Công Thị Nghĩa làm nhà báo, sáng tác văn chương và viết sách nghiên cứu về lịch sử.
Năm 1950, bà tham gia Việt Minh, làm điệp báo tại nội thành Sài Gòn, từng vào chiến khu. Thu Trang bị thực dân Pháp bắt vào khoảng tháng 7/1952, bị giam ở bốt Catinat - nay là trụ sở của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, sau đó bị chuyển qua Khám Lớn Sài Gòn - nay là Thư viện Tổng hợp TP.HCM.
Vào tháng 6/1953, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã biện hộ và giải thoát cho Thu Trang, giúp bà giành lại cuộc sống tự do.
Ra tù, bà Thu Trang trở thành một nữ nhà báo, bà còn làm thơ, truyện ngắn, truyện dài với bút hiệu Thanh Tâm, Nguyễn Huyền Thu... trên các báo Tân Văn, Cần học, Sài Gòn mới, Phụ nữ diễn đàn, Lẽ sống... Trong một lần bà được tòa soạn cử đi lấy tin về cuộc thi Hoa hậu 1955, vài người quen biết trong ban tổ chức đã khuyên bà đăng ký dự thi. Cơ duyên này đã giúp Thu Trang bước lên ngôi vị cao nhất cuộc thi đó.
Theo đó, ngày 20/2/1955, trong dịp lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng, chính quyền Ngô Đình Diệm đã tổ chức cuộc thi tìm người đẹp tại Sài Gòn. Đây được xem là cuộc thi Hoa hậu đầu tiên ở Việt Nam. Cuộc thi này do Bộ Xã hội đứng ra tổ chức tại rạp Lido Chợ Lớn, thí sinh đa phần đang sinh sống tại khu vực miền Nam.
Trong cuộc thi này, bà Công Thị Nghĩa (sinh năm 1932) đăng quang ngôi vị Hoa hậu; Á hậu 1 là Nguyễn Thị Ninh cũng người Hà Nội di cư vào miền Nam và Á hậu 2 là Ngô Yên Thu, sinh viên Đại học Cần Thơ.
Hoa hậu Công Thị Nghĩa lúc đó chỉ cao 1,61m, số đo 3 vòng 86 - 62 - 88cm và nặng 53kg. Phần thưởng cho Công Thị Nghĩa khi đăng quang Hoa hậu khi đó là 1 chiếc xe máy hiệu Lambretta, 1 chiếc kiềng 1 lượng vàng, 3 nghìn đồng (tương đương với 10 lượng vàng) và một vé máy bay đi Mỹ.
Cuộc tình trái ngang với đạo diễn phim "Lục Vân Tiên"
Từ bước ngoặt này, đến đầu năm 1956, Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam - Công Thị Nghĩa bước vào lĩnh vực điện ảnh với các vai diễn trong phim "Chúng tôi muốn sống" với vai Kiều Nguyệt Nga trong phim "Lục Vân Tiên" (đạo diễn Tống Ngọc Hạp).
Năm 1957, Hoa hậu – diễn viên Thu Trang và đạo diễn Tống Ngọc Hạp đem "Lục Vân Tiên" sang Nhật để lồng tiếng, âm nhạc và tham dự Đại hội điện ảnh châu Á tại nước này. Lần đầu tiên Việt Nam mang phim dự liên hoan và giới thiệu, những cuộc ra mắt liên tục khắp nơi, Thu Trang và đạo diễn Hạp sóng đôi xuất hiện trên báo chí như hình với bóng, không chỉ trên báo chí hay trong phim, cả cuộc sống thường nhật nơi đất khách cũng thế…
Gần một tháng ở Nhật cùng với đạo diễn Tống Ngọc Hạp, lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, giữa bà và đạo diễn nảy sinh tình cảm. Kết cuộc là bà Công Thị Nghĩ có thai.
Bà viết trong hồi ký: "Tới tuổi 25, tôi mới thành đàn bà trong hoàn cảnh bi thảm, bị dụ vào những tình huống mà tôi cảm nhận là mình đã không thể tránh. Ngang trái thay, tôi đã không biết gì trên phương diện tình dục. Tôi có thai ngay trong tháng đầu tại Tokyo…".
Trở về Việt Nam vào mùa thu 1957, bà bị sốc nặng, vì đón mình ở sân bay là một đám đông cuồng nộ trong khi bà đã gần đến ngày sinh nở. Đơn giản, đạo diễn Tống Ngọc Hạp đã có vợ và con nên tất nhiên không có đám cưới nào diễn ra. Mặc cho điều đó, bà quyết định làm mẹ đơn thân, đặt tên con trai theo họ cha - Tống Ngọc Vân Tiên để kỷ niệm tình yêu đầu đầy bi kịch của mình và đến nay cũng chưa bao giờ buông lời trách móc hay đòi hỏi trách nhiệm gì từ đạo diễn Hạp.
Dù lâm vào tình cảnh "không chồng mà chửa", bị người hâm mộ quay lưng nhưng không vì vậy mà sức quyến rũ của bà xoay chuyển. Có nhiều giai thoại cho rằng, một trong những người đàn ông nổi tiếng mê đắm bà đến "quên ăn quên ngủ" chính là thi sĩ Bùi Giáng. Giới văn nghệ sĩ ở Sài Gòn đoán chắc câu thơ đầy lạ lùng và nổi tiếng của Bùi Giáng trong bài thơ "Mắt buồn" là: "Còn hai con mắt, khóc người một con" là viết về Công Thị Nghĩa. Bài thơ này sau đó được cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phổ thành ca khúc "Con mắt còn lại".
Những năm tháng cuối đời bình yên trên đất Pháp
Năm 1961, Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam nhận được lời mời sang Pháp tham gia ngành điện ảnh và quyết định chuyển đến đất nước này sinh sống. Tuy nhiên, tại Pháp, bà không đóng phim nữa mà quay lại với con đường tri thức. Bà thi Cao học chuyên ngành Lịch sử và Triết học thuộc trường Đại học Sorbonne. Bà phải vừa đi học vừa làm gia sư, thông dịch viên tiếng Anh để chi trả sinh hoạt phí cho hai mẹ con.
Bà đã bảo vệ luận án Tiến sĩ Sử học với đề tài "Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp". Bà cũng là người viết cuốn "Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tại Pháp 1917 – 1923" (Cuốn sách này đã được in tại Việt Nam).
Trong thời gian theo học, bà đã kết thân với nhóm sinh viên Việt và Pháp ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ tại Việt Nam. Bà miệt mài đóng góp cho những hoạt động của người Việt tại Pháp, hỗ trợ giúp đỡ du học sinh. Bà cũng thường xuyên giao lưu với các trí thức lớn của Việt Nam mỗi khi họ có dịp qua Pháp. Không chỉ nghiên cứu sử học, bà còn tiếp tục viết thơ, truyện, hồi ký, xuất bản nhiều sách và năm 1990, được bình chọn là một trong 100 nhà thơ Việt Nam được yêu mến của thế kỷ 20.
Ở tuổi xế chiều, bà được mời thỉnh giảng tại nhiều trường đại học Việt Nam. Vì nhiều lý do nên bà ít khi tiết lộ mình là Hoa hậu Thu Trang - Công Thị Nghĩa. Đồng nghiệp, sinh viên phần lớn chỉ biết bà như một vị Tiến sĩ ở Pháp. Bà đã kết hôn với một bác sĩ nha khoa người Pháp tên Marcel Gaspard và sống hạnh phúc, bình yên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.