Học sinh điều khiển xe máy: Báo động tai nạn giao thông, lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia lên tiếng

Thế Anh Thứ tư, ngày 18/12/2024 15:35 PM (GMT+7)
Trước tình trạng báo động về tai nạn giao thông liên quan tới học sinh điều khiển xe máy, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Lê Kim Thành khẳng định, bố mẹ và người giám hộ đóng vai trò then chốt trong việc giáo dục và quản lý con em khi tham gia giao thông.
Bình luận 0

Số liệu của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2024, có gần 70% số vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra tại các địa phương trên toàn quốc liên quan đến xe máy.

Trong quá trình tuần tra kiểm soát, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) cả nước đã xử lý hơn 90.000 trường hợp học sinh vi phạm giao thông, tạm giữ trên 50.000 xe mô tô. Đáng chú ý, trong số đó có hơn 45.000 trường hợp là thiếu niên chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện này.

Học sinh điều khiển xe máy: Báo động tai nạn giao thông, lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia lên tiếng- Ảnh 1.

Hiện trường vụ tai nạn xảy ra trên Quốc lộ 6, đoạn qua xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Hóng biến hòa bình.

Công an các địa phương đã xử lý khoảng 20.000 trường hợp chủ phương tiện giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển. Đáng chú ý, cơ quan điều tra đã khởi tố trên 100 vụ án với nhiều bị can liên quan đến tội danh này, theo quy định về giao thông đường bộ.

Các vi phạm phổ biến trong nhóm học sinh điều khiển phương tiện giao thông bao gồm: Không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, đi xe dàn hàng ngang, vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu, và không có giấy phép lái xe phù hợp.

Tình trạng tai nạn giao thông liên quan đến học sinh điều khiển xe máy đang ở mức đáng báo động, khi thời gian gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng. Đáng chú ý, số vụ việc do thiếu niên, học sinh điều khiển xe máy có dấu hiệu gia tăng, đặt ra yêu cầu cấp thiết về quản lý và giáo dục an toàn giao thông.

Trước thực trạng báo động về tai nạn giao thông liên quan tới học sinh điều khiển xe máy, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Lê Kim Thành nhấn mạnh: "Vai trò của bố mẹ, người giám hộ rất quan trọng trong việc giáo dục, kiểm soát con em khi tham gia giao thông. Đặc biệt, bố mẹ cần nhận thức được trách nhiệm và hậu quả khi giao phương tiện cho học sinh, người không đủ điều kiện lái xe".

Hiện nay, pháp luật đã quy định rõ trách nhiệm của chủ phương tiện trong việc giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển. Đặc biệt, nếu hành vi này gây ra hậu quả nghiêm trọng, hình thức xử lý cao nhất có thể là truy cứu trách nhiệm hình sự.

Để ngăn ngừa những hậu quả nghiêm trọng từ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, ông Thành kêu gọi các bậc phụ huynh quan tâm nhiều hơn đến con em mình, đồng thời trở thành tấm gương mẫu mực để các em noi theo. Nếu làm được điều này, mỗi học sinh trong tương lai sẽ trở thành những tuyên truyền viên hiệu quả nhất về an toàn giao thông.

Hiện, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã ban hành Kế hoạch hành động số 282/KH-UBATGTQG thực hiện quy định của pháp luật "Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông".

Ngay sau khi Kế hoạch hành động của Ủy ban ATGT Quốc gia ban hành, Ban ATGT các tỉnh, thành phố đã triển khai Kế hoạch thực hiện trên địa bàn tỉnh gắn với mô hình "Trường học an toàn giao thông".

Trước đó, vào đêm ngày 1/12 và rạng sáng ngày 2/12/2024, tại địa bàn huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình đã xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe ô tô đầu kéo biển kiểm soát 19H-040.60 kéo theo rơ moóc biển kiểm soát 19R-018.36 do Phạm Tiến Hải, sinh năm 1981, trú tại huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ điều khiển đi hướng Hòa Bình - Lạc Sơn đã xảy ra va chạm với xe mô tô không gắn biển số, trên xe có 3 thanh thiếu niên. Hậu quả, 3 thanh thiếu niên trên xe mô tô tử vong tại hiện trường.

Xử lý hình sự hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển

Người nào giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ được quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với khung hình phạt như sau:

- Người nào giao xe cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

Cùng đó là Làm chết 02 người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Làm chết 03 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.


Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem