Nhiều học sinh Hà Nội khốn khổ vì đi học không có SGK

Tào Nga Thứ tư, ngày 07/09/2022 13:37 PM (GMT+7)
Nhiều trường học và phụ huynh cho biết không thể mua đủ sách giáo khoa cho con dù năm học đã chính thức bắt đầu. Thiếu sách giáo khoa, học sinh phải dùng bản điện tử hoặc tự photo.
Bình luận 0

Đi 5, 6 nơi nhưng vẫn thiếu sách giáo khoa

Dù năm học đã chính thức bắt đầu nhưng học sinh tại nhiều trường ở Hà Nội phải chạy đôn chạy đáo mới mua đủ sách giáo khoa. Có con vào lớp 6 tại một trường THCS ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, chị Nguyễn Phương Trang cuống cuồng đi tìm mới mua đủ bộ sách cho con học. 

Chị Trang cho biết: "Theo lịch tuyển sinh đầu tháng 7, tôi đăng ký cho con vào trường. Trong ngày nộp hồ sơ đã đăng ký mua đồng phục và sách giáo khoa nhưng đến đầu tháng 8 nhà trường thông báo hết sách, phụ huynh phải tự đi mua. Do mỗi quyển một bộ khác nhau nên tôi phải đi 2, 3 nhà sách mới mua đủ cho con". Đặc biệt, theo lộ trình áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông mới, năm học 2022-2023, sẽ áp dụng cho 3 khối lớp là 3, 7 và 10. 

Trong đó, theo ghi nhận của PV báo Dân Việt, sách giáo khoa lớp 10 đang thiếu trầm trọng. Chị Hà Thu Huyền, phụ huynh có con vào lớp 10 ở quận Thanh Xuân cho hay: "Tôi đã đi tới 5, 6 hiệu sách mà vẫn không có sách để mua cho con. Đặt ở trường xong giáo viên báo không có nên phụ huynh phải tự lo. Đến ngày đi học mà con tôi vẫn thiếu sách và không biết phải tự mua, tự lo thế nào". Đây cũng là tình trạng chung của nhiều phụ huynh đang gặp phải.

"Ngang trái" học sinh Hà Nội đi học nhưng không có SGK, phải dùng bản điện tử hoặc tự photo - Ảnh 1.

Phụ huynh đi nhiều nhà sách nhưng vẫn không mua đủ bộ. Ảnh: Tào Nga

Liên quan đến sách giáo khoa cho năm học mới, trao đổi với PV báo Dân Việt sáng ngày 7/9, cô Nguyễn Phương Liên, hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS, THPT Khương Hạ cho hay, hiện tại học sinh của trường đang thiếu sách giáo khoa lớp 10 là môn Hóa học và bài tập Vật lý. 

Năm nay nhà trường tuyển sinh 270 học sinh lớp 10. Vào giữa tháng 7, trường lựa chọn sách và ngày 10/8 bắt đầu đặt 270 bộ sách từ các nhà xuất bản. Trước ngày khai giảng đã nhận được sách và giao cho học sinh nhưng vẫn còn thiếu 2 quyển. Để thuận tiện cho việc học, nhà trường và giáo viên đã chủ động photo sách Hóa học. Với vở bài tập Vật lý thì giáo viên in phiếu giao bài cho học sinh. 

Ngày 6/9, gần 500 học sinh trường THPT Minh Hà, huyện Thạch Thất học buổi đầu tiên của năm học mới 2022- 2023 tại ngôi trường mới. Tuy nhiên, hầu hết các em chưa có sách giáo khoa và buộc phải học sách điện tử trong vài ngày tới.

"Chiều 29/8, sau nhiều nỗ lực để khắc phục thiếu thốn về sơ sở vật chất trường lớp, nhà trường mới tập trung học sinh buổi đầu tiên, trong đó có triển khai cho học sinh có nhu cầu mua sách giáo khoa thì đăng ký, đại đa số các em đã nhờ nhà trường mua hộ sách. Tuy nhiên, việc đăng ký, rà soát số lượng diễn ra sát năm học mới nên phía đơn vị cung ứng chưa thể có sách ngay. Nhà trường phối hợp với đơn vị phát hành đã có kế hoạch và sách sẽ về tận tay học sinh trong thời gian sớm nhất", hiệu trưởng trường THPT Minh Hà chia sẻ.

Trường THPT Trung Văn, quận Nam Từ Liêm rơi vào tình trạng không mua được sách giáo khoa. Cuối tháng 7, nhà trường tổng hợp số lượng và đăng ký với đơn vị cung ứng sách. Nhưng đến cuối tháng 8, khi nhận đơn vị cung ứng trả lời "chưa có sách và phải chờ để đi gom ở các tỉnh khác", hiệu trưởng nhà trường đã chỉ đạo các giáo viên chủ nhiệm thông báo cha mẹ học sinh chủ động mua sách cho con. Trong thời gian chờ đợi, giáo viên sử dụng tạm bản điện tử để trình chiếu hoặc photo phát cho học sinh một số bài học của tuần đầu năm học, chờ đến khi mua được sách.

Nhà xuất bản nói gì trước tình trạng thiếu sách giáo khoa?

Trao đổi với PV về tình trạng thiếu sách giáo khoa đang gây khó khăn cho việc học của học sinh hiện nay, NXB Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) cho hay, năm học 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai sách giáo khoa các lớp 3, 7 và 10 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các NXB có sách giáo khoa được phê duyệt sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông chịu trách nhiệm cung ứng đầy đủ sách giáo khoa phục vụ nhu cầu của giáo viên, học sinh theo số lượng các địa phương đăng ký.

"Ngang trái" học sinh Hà Nội đi học nhưng không có SGK, phải dùng bản điện tử hoặc tự photo - Ảnh 2.

Không mua đủ sách, học sinh phải dùng bản photo hoặc dùng bản điện tử. Ảnh: Tào Nga

Tuy nhiên thực tế, việc công bố danh mục sách giáo khoa lớp 3, 7,10 lựa chọn sử dụng trong nhà trường diễn ra chậm hơn nhiều so với thời gian quy định. Đặc biệt đối với sách giáo khoa lớp 10, ở nhiều môn học sinh sẽ lựa chọn từ các tổ hợp môn học khác nhau nên các tên sách cụ thể và số lượng tương ứng phụ thuộc rất nhiều vào sự lựa chọn của học sinh tại từng nhà trường, từng địa phương cụ thể.

NXBGDNV đã triển khai bám sát các địa phương, nhà trường để nắm bắt cụ thể số lượng từng tên sách và số lượng cần cung ứng, đồng thời đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để có thể triển khai in gấp, đảm bảo cung ứng đầy đủ theo nhu cầu.

Đại diện NXB Đại học Sư phạm cho hay, việc thiếu sách giáo khoa lớp 10 xảy ra trên địa bàn Hà Nội có tính chất cục bộ ở một số cơ sở giáo dục do nhà trường đăng ký bổ sung hoặc do thay đổi lựa chọn từ bộ sách này sang bộ sách khác. NXB Đại học Sư phạm đang nỗ lực giải quyết, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của học sinh, phụ huynh và các nhà trường để đảm bảo học sinh có đủ sách.

Để tránh tình trạng thiếu sách, từ năm đầu tiên thực hiện sách giáo khoa mới, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC) đã đề nghị các địa phương sớm thực hiện lựa chọn sách giáo khoa trong khung thời gian quy định theo hướng dẫn của Bộ GDĐT ngay sau khi Bộ trưởng ban hành Quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa, đồng thời cung cấp ngay số liệu lựa chọn sách giáo khoa để các NXB và đơn vị in, phát hành sách giáo khoa có căn cứ thực hiện kế hoạch cung ứng kịp thời theo số lượng đặt của các địa phương.

Rà soát, xử lý các vấn đề về học phí và sách giáo khoa. CLip: VNEWS

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem