Hội của những người làm mộc

Thứ năm, ngày 03/04/2014 08:54 AM (GMT+7)
Doanh thu từ nghề mộc ở xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội là 126,9 tỷ đồng/năm, chiếm 59,4% GDP toàn xã. Để giúp người dân làm nghề bài bản, Hội nông dân (ND) xã đã thành lập chi hội làm mộc, tổ chức dạy nghề cho người dân…
Bình luận 0
Mới đến đầu xã Liên Hà, chúng tôi đã thấy những chuyến xe tải lớn, nhỏ tấp nập chở bàn, ghế, giường, tủ... đi tiêu thụ; những đống gỗ nguyên liệu nằm la liệt hai bên đường.

Thành lập hội làm mộc

Anh Vũ Ngọc Hưng- Chủ tịch Hội ND xã cho biết: “Nghề mộc có ở Liên Hà từ thập niên 90 của thế kỷ trước, nghề mộc đã trở thành nghề chính của bà con nơi đây”. Năm 2006, nghề mộc của xã được UBND tỉnh Hà Tây công nhận là làng nghề. Sản phẩm mộc của Liên Hà đã khẳng định trên thị trường khắp trong Nam, ngoài Bắc. Xã có 1.900 hộ, hơn 600 hộ làm nghề mộc.

Anh Hùng (phải) hướng dẫn công nhân đóng bàn.
Anh Hùng (phải) hướng dẫn công nhân đóng bàn.

“Trước đây, cách thức dạy nghề mộc ở Liên Hà chủ yếu cha truyền, con nối. Để giúp ND học nghề bài bản, ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất trên những máy móc hiện đại, xã đã thành lập một số chi hội làng nghề như: Hội những người làm nghề mộc do UBND xã quản lý, Chi hội ND tiểu thủ công nghiệp do Hội ND xã quản lý” - anh Hưng cho hay.

Cũng theo anh Hưng, Chi hội ND tiểu thủ công nghiệp có 72 thành viên, chi hội đã giúp đỡ các hội viên vay vốn phát triển sản xuất. Hàng năm, chi hội phối hợp với Ban quản lý làng nghề của xã mở lớp dạy nghề mộc cho 35-40 con em hội viên ND trong xã. Thời gian học 3 tháng.

Kết thúc khóa học, các em được nhận vào làm việc tại các công ty, xưởng sản xuất của các hội viên trong chi hội hoặc giới thiệu vào các xưởng sản xuất khác trong xã.

Mở lớp dạy nghề

Anh Nguyễn Văn Hùng- Chi hội trưởng Chi hội ND tiểu thủ công nghiệp, cho hay: “Do nhà nghèo, học hết cấp 2, tôi nghỉ học. Lúc bấy giờ, tìm việc cũng chẳng dễ dàng gì, lại sẵn có nghề mộc của gia đình, tôi học nghề và gắn bó từ đó”. Anh Hùng bảo, ngày đó người làm nghề mộc chủ yếu làm thủ công, nên anh phải học 4-5 tháng mới làm được những sản phẩm đơn giản. Trong quá trình làm nghề, anh học hỏi kỹ thuật làm các sản phẩm phức tạp hơn.

"Doanh thu từ nghề mộc Liên Hà 126,9 tỷ đồng/năm, chiếm 59,4% GDP toàn xã. Nhờ nghề mộc, xã chỉ còn 2,94% hộ nghèo”.

Anh Vũ Ngọc Hưng

Khi đã sống khỏe với nghề, anh Hùng muốn truyền nghề và giúp đỡ cho nhiều hơn nữa những lao động trong và ngoài xã. Năm 2010, anh thành lập Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại Huy Dũng chuyên sản xuất bàn, ghế, giường. Anh thường xuyên tổ chức dạy nghề tại công ty, học xong các em có thể vào làm việc tại công ty của anh. Hiện, công ty của anh có 47 lao động (trong đó có 10 lao động tại địa phương, còn lại là lao động ở các xã khác) với mức lương bình quân 5-8 triệu đồng/tháng.

Anh Nguyễn Văn Quang (xã Tân Hội (Đan Phượng), công nhân làm việc tại công ty của anh Hùng chia sẻ: “Cách đây 5 năm, tôi sang xã Liên Hà để học nghề mộc. Xin vào học nghề tại công ty của anh Hùng, tôi được anh hướng dẫn kỹ thuật cặn kẽ nên sau một thời gian tôi đã thành thục nghề. May mắn, tôi được anh Hùng nhận vào làm việc ở công ty, được trả lương 7-8 triệu đồng/tháng”.

Cách công ty của anh Hùng không xa, xưởng sản xuất đồ mộc của gia đình ông Nguyễn Văn Quang đang thu hút 10 lao động địa phương. Ông Quang bảo: “Doanh thu của xưởng tôi 3-4 tỷ đồng/năm. Năm nào tôi cũng “chiêu sinh” lao động trong xã và các xã lân cận về dạy nghề và tạo công ăn việc làm cho họ”.
Lan Dương (Lan Dương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem