Hội Nông dân Hải Phòng: Làm du lịch trải nghiệm đồng quê có gì khiến du khách mê?

Trần Phượng Thứ bảy, ngày 15/08/2020 13:00 PM (GMT+7)
Hội Nông dân TP.Hải Phòng vừa phối hợp Sở Du lịch thành phố thực hiện khảo sát, lựa chọn các mô hình phát triển nông nghiệp của hội viên, nông dân tại các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng và Thủy Nguyên nhằm định hướng phát triển loại hình du lịch trải nghiệm đồng quê.
Bình luận 0

Đánh thức, phát triển tiềm năng sẵn có

Trao đổi với đoàn khảo sát, ông Phạm Thế Tuyển - chủ trang trại trồng cây ăn quả tại xã Vĩnh Long huyện Vĩnh Bảo cho biết, quy mô canh tác của giá đình ông trên 8ha với các loại cây ăn quả như nhãn, vải, vú sữa, dừa và một số loại cây khác, doanh thu hàng năm đạt mức 600 đến 800 triệu đồng.

Hội Nông dân TP.Hải Phòng: Định hướng phát triển mô hình du lịch trải nghiệm đồng quê  - Ảnh 1.

Đoàn tham quan mô hình làm gốm tại thôn 9, xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên. Ảnh: T.P

Để có thể gắn kết giữa nông nghiệp và phát triển du lịch, Hội Nông dân và Sở Du lịch Hải Phòng sẽ là cầu nối để cùng chung tay tuyên truyền, vận động với người nông dân phát triển theo hướng đi mới và bền vững góp phần thay đổi diện mạo nông thôn Hải Phòng, đặc biệt trong điều kiện xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu hiện nay.

Để có thành quả nêu trên, ông Tuyển gây dựng trang trại từ thửa đất khai hoang. Trải qua thời gian hơn chục năm, gia đình ông hiện đã có một trang trại trù phú. Ông Tuyển thực sự rất mong mỏi được tham gia phát triển mô hình gắn với phát triển du lịch nhằm tạo việc làm cho nhiều người hơn nữa, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống.

Tại địa bàn huyện Tiên Lãng, đoàn khảo sát tham quan mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp gà đẻ trứng, lợn thương phẩm và thủy sản của ông Lê Văn Thám (ở thôn Kinh Lương, xã Cấp Tiến). Trang trai có diện tích sản xuất trên 2ha, quy mô chăn nuôi đạt 15.000 con gà, 1.200 con lợn và 1ha nuôi thủy sản. Doanh thu hàng năm của trang trại đạt khoảng 8 tỷ đồng. Trang trại của ông Thám áp dụng công nghệ vi sinh vào việc nuôi cấy mô, có phòng nuôi cấy mô đạt tiêu chuẩn, xây dựng nhà kính theo tiêu chuẩn tiên tiến của châu Âu và đặc biệt áp dụng thành công quy trình khép kín trong xử lý chất thải nhằm bảo vệ môi trường.

Cùng đợt khảo sát, đoàn tham quan mô hình làm gốm của ông Vũ Mạnh Huy (tại thôn 9, xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên). 

Ông Huy cho biết, làng gốm Dưỡng Động nằm ven sông Giá, xã Minh Tân, một thời nổi tiếng khắp vùng nhưng có thời gian dài không giữ được nghề. Các sản phẩm gốm do nghệ nhân làng Dưỡng Động chế tác không thua kém bất kỳ sản phẩm gốm nổi danh nào khác. 

Người Dưỡng Động tự hào bởi bí quyết tạo sự hòa quyện của đất và lửa, làm ra loại gốm da chu với sắc màu tự nhiên. Gốm nung vừa lửa, đủ tạo độ rắn chắc, vững bền cho sản phẩm và làm tươi giòn màu nâu đỏ của loại đất sét nặng có độ sắt cao, chỉ vùng đất này mới có.

Với niềm say mê và ý chí gìn giữ nghề truyền thống, ông Huy mong muốn tương lai gốm Dưỡng Động sẽ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, đáp ứng yêu cầu của những người tiêu dùng kỹ tính và mong nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành mở rộng quy mô sản xuất và nâng cấp lò gốm để có thể nâng cao chất lượng sản phẩm gốm Dưỡng Động.

Thúc đẩy hội viên, nông dân tham gia thực hiện mô hình

Đến thăm các mô hình nêu trên, ông Đỗ Đức Hòa – Chủ tịch Hội Nông dân TP.Hải Phòng, ông Hoàng Văn Tường – Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.Hải Phòng và ông Dương Đức Hùng – Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng đánh giá đó là những mô hình đầy tiềm năng để có thể thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp lữ hành khai thác phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm đồng quê. 

Đây là một dạng mô hình du lịch sáng tạo vì cộng đồng, góp phần quảng bá và thiết kế các sản phẩm thủ công độc đáo của các làng nghề, hỗ trợ người dân cải thiện sản phẩm của mình cho phù hợp với thị hiếu khách du lịch để nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Ông Đỗ Đức Hòa cho biết, việc tập trung phát triển sản phẩm du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp được coi là hướng đi mới và bền vững cho ngành du lịch.

 Phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương, thúc đẩy sự tham gia trực tiếp của hội viên, nông dân trong các hoạt động du lịch nông nghiệp nhằm tạo ra sự phong phú hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, đồng thời mang lại nguồn thu nhập cho bà con nông dân.

Bên cạnh hoạt động sản xuất nông nghiệp thuần túy, đây còn được coi là phương thức giảm nghèo và làm giàu bền vững đặc biệt tại những cộng đồng khó khăn, giúp người dân cải thiện thu nhập và gắn bó hơn với quê hương.

Để có thể triển khai trong thời gian tới, cần rất nhiều yếu tố để đa dạng hóa, liên kết giữa người nông dân với người nông dân, người nông dân với doanh nghiệp lữ hành, người nông dân với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể… trong việc huy động các nguồn lực để phát triển các sản phẩm nông nghiệp sạch, xây dựng cảnh quan môi trường.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem