"Hơn chục năm đi làm tôi chưa được nhận thưởng ngày lễ 30/4 và 1/5"
Công chức, viên chức: "Hơn chục năm đi làm, tôi chưa từng được nhận thưởng dịp ngày lễ 30/4 và 1/5"
Thùy Anh
Thứ tư, ngày 26/04/2023 07:30 AM (GMT+7)
Công chức, viên chức, những người làm việc trong các đơn vị hành chính công hoặc đơn vị sự nghiệp Nhà nước có tiền lương, thưởng các dịp lễ như 30/4 và 1/5 khác với công nhân lao động trong các doanh nghiệp như thế nào?
Chị Nguyễn Minh Thư (32 tuổi), công chức văn phòng ở huyện ngoại thành của Hà Nội cho biết, so với các năm trước thì năm nay chị sẽ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 "xôm" hơn. Lý do là bởi năm nay phòng chị trích quỹ chi tiêu tiết kiệm của phòng thưởng ngày lễ 30/4 và 1/5 cho anh em.
"Nghe đồn là năm nay mỗi nhân viên trong phòng sẽ được 1 triệu đồng. Vậy là tôi có 1 khoản để chi tiêu gọi xe về quê trong dịp lễ", chị Minh Thư nói.
Chị Minh Thư chia sẻ thêm, bình thường mỗi tháng chị nhận mức lương chưa tới 6 triệu đồng/tháng, còn chồng chị được 12 triệu đồng/tháng. Hai vợ chồng sống ở Hà Nội lương chưa được 20 triệu, lại nuôi 2 con nhỏ nên cuộc sống nhiều khó khăn. Anh chị mong tăng lương từng ngày, nhưng tới đây có tăng thì mỗi tháng chị cũng chỉ tăng thêm được 700 nghìn, lương của chồng chị thêm được khoảng hơn 1 triệu đồng. Với mức lương này không thể đủ trang trải cho cuộc sống được.
"Biết lương, thưởng thấp, nhưng có còn hơn không bởi vì 6 năm làm công chức, đây là lần đầu tiên tôi được nhận thưởng ngày lễ 30/4 và 1/5 ", chị Minh Thư chia sẻ.
Không may mắn như chị Thư, chị N.T.H chuyên viên văn hóa cấp xã thì nghẹn ngào. Tôi đi làm được hơn 10 năm nhưng chưa năm nào thấy có tiền thưởng ngày lễ 30/4 và 1/5. Chị H kể: "Công chức cấp xã lương thấp, lậu thì không có, thưởng cũng không luôn. Một số ngành có dịch vụ tăng thu thì còn có nguồn, còn như chúng tôi thì từ lễ cho tới Tết gần như không có gì", chị H nói.
Tương tự, một số đơn vị hành chính, tổ chức hội cũng không có nguồn chi tiêu tiết kiệm để trích thưởng cho lao động.
Cũng là công chức, viên chức, nhưng tại nhiều đơn vị sự nghiệp công (doanh nghiệp nhà nước; các bệnh viện; các trường học...) là những đơn vị có thu thì sẽ có nguồn để chi thưởng cho người lao động. Mức thưởng cũng tùy thuộc vào tình hình sản xuất, kinh doanh hoặc tiết kiệm chi tiêu, tài chính của đơn vị.
Thưởng tết dành cho Công chức, viên chức khác với người lao động ra sao?
Công chức, viên chức hiểu đơn giản là những người “hưởng lương Nhà nước”. Hiện nay, theo Điều 12 Luật cán bộ, công chức 2008, các quy định về tiền lương, phụ cấp của công chức sẽ được điều chỉnh theo nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, Khoản 2 Điều trên như sau:
“Được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và các chế độ khác theo quy định của pháp luật”.
Đối với viên chức, Điều 12 Luật viên chức 2010 có quy định: “Được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và chế độ khác theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập. Được hưởng tiền thưởng, được xét nâng lương theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập”.
Như vậy, đối với công chức, tiền thưởng có thể hiểu là “các chế độ khác”. Đối với viên chức, tiền thưởng sẽ còn căn cứ vào quy chế của đơn vị người đó đang làm việc.
Cho đến nay, vẫn chưa có văn bản nào quy định về chế độ làm thêm, tiền thưởng dành riêng cho các đối tượng công chức, viên chức.
Mặt khác, tiền thưởng nói chung và thưởng dịp lễ 30/4 và 1/5 của cán bộ, công chức, viên chức cũng được điều chỉnh bởi Bộ luật Lao động, bởi lẽ Điều 2 Bộ luật lao động 2019 có quy định một trong những đối tượng điều chỉnh của bộ luật này là: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động".
Theo đó, nếu không có văn bản quy định riêng chế độ tiền thưởng cho công chức, viên chức, thì các đơn vị và người lao động sẽ được áp dụng Bộ luật Lao động, điều chỉnh chung tất cả quan hệ lao động.
Điều 104 Bộ luật lao động 2019 quy định như sau:
“Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.”
Có thể thấy, tiền thưởng không phải là một khoản bắt buộc mà căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là công chức, viên chức là những người làm việc trong các cơ quan liên quan đến Nhà nước, có nghĩa là một phần không nhỏ những người này chỉ thi hành công vụ (chẳng hạn như Viện kiểm sát, Ủy ban nhân dân,...) nên chắc chắn sẽ không thể căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh để làm căn cứ thưởng tết.
Thực tế, tiền thưởng Tết của công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp mà không có hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ do ngân sách của Nhà nước tại từng địa phương trích ra, chính vi vậy cũng phải tuân theo các chính sách tiết kiệm, chống lãng phí.
Như vậy có thể thấy rằng, theo quy định của pháp luật, công chức, viên chức sẽ có ít căn cứ để xét thưởng ngày lễ 30/4 và 1/5 hơn so với công nhân, lao động, bởi không phải cơ quan, đơn vị nào của Nhà nước cũng thực hiện việc kinh doanh sản xuất để phát sinh thu nhập.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.