Hợp đồng lương tâm

Thứ hai, ngày 13/12/2010 16:35 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dù muộn và còn quá nhiều tranh cãi, tuy nhiên, lần đầu tiên đã có một cuộc tọa đàm bàn về khía cạnh pháp lý của hoạt động bán đấu giá tài sản với mục đích từ thiện.
Bình luận 0

"Chúng tôi cho rằng về nguyên tắc khi anh đã tham gia đấu giá và trúng đấu giá thì nó đã hình thành một hợp đồng mua - bán giữa hai bên. Người trúng đấu giá phải trả tiền để nhận tài sản... Không thể nói rằng tôi tham gia đấu giá nhưng tôi không đặt cọc nên không phải chịu một trách nhiệm gì"-TS Phan Chí Hiếu - Giám đốc Học viện Tư pháp khẳng định.

Nhưng cũng chính người có quan điểm mạnh mẽ nhất cũng cho rằng cần có quy định riêng cho hoạt động đấu giá từ thiện, bởi "nếu áp dụng thủ tục chung đôi khi chẳng xử lý được".

Có thể nói từ sau vụ đấu giá ảo trong "Đêm hội Hoa hậu Trái đất và Doanh nhân hướng về miền Trung" mới đây, vấn đề trách nhiệm pháp lý của các bên tham gia đấu giá được đặt ra một cách bức bách trước bức xúc của dư luận. Chẳng hạn việc chủ nhân bộ Tứ linh có trước thỏa thuận là thu được 20 tỷ đồng, giá trị chênh lệch còn lại mới làm từ thiện, hay việc đại diện Công ty gốm sứ Bảo Long từ chối mua bộ Tứ linh... Ai cũng thấy là không đúng. Nhưng sai ở đâu, không đúng cái gì và ai là người đứng ra nhân danh pháp luật để thực hiện quyền phán quyết, thì lại không ai trả lời được.

Trưởng khoa Đào tạo thẩm phán - Học viện Tư pháp, TS Mai Anh nhận xét: "Cách làm của Ban tổ chức cho thấy những rủi ro tất yếu sẽ xảy ra, bởi tính ràng buộc về mặt pháp lý giữa các bên tham gia đấu giá hầu như không có".

Đó là việc hiện vật không hề được xác định giá trị thông qua hội đồng chuyên môn. Cái thiếu lớn nhất là danh sách những người tham gia đấu giá, từ đó không thể xác định chính xác danh tính, năng lực tài chính... của những người tham gia đấu giá. Buổi đấu giá không có sự hiện diện của đấu giá viên cũng như công chứng viên để xác lập các giao dịch dân sự khi hoạt động mua - bán tài sản từ đấu giá hoàn thành. Về cơ bản, chúng ta đã có Bộ luật Dân sự và các chế định pháp lý liên quan điều chỉnh, nhưng đó chỉ là hoạt động đấu giá tài sản thông thường; còn với đấu giá vì mục đích từ thiện, các quy định vẫn còn bỏ ngỏ.

Thẩm phán Tòa dân sự Hà Nội, Thạc sĩ Lê Thị Bích Lan thậm chí còn cho rằng: "Buổi tổ chức vừa qua không thể gọi là phiên đấu giá, bởi đấu giá phải tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về đấu giá. Đây là hoạt động xã hội từ thiện tổ chức theo hình thức đấu giá. Pháp luật chưa quy định cụ thể về việc này. Vụ việc này lẫn lộn giữa mục đích thương mại và mục đích xã hội từ thiện. Có nên coi lời hứa đấu giá với sự chứng kiến của nhiều người là một chứng cứ trong một vụ án và cần thiết phải trở thành một quy định bổ sung".

Không ai nói ra nhưng chắc chắn các nhà tổ chức đều e ngại phải áp dụng các quy định pháp lý ngặt nghèo đối với các nhà hảo tâm, mà về bản chất, ban tổ chức thường phải vận động, nói chính xác là đi xin sự ủng hộ. Bởi vậy, nói hợp đồng dân sự, hay mua - bán, hay biên bản đấu giá đều hoàn toàn không có ý nghĩa nếu như các nhà từ thiện của chúng ta không tự mình ký vào "bản hợp đồng lương tâm".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem