Vết lạ trên hộp sọ chiến binh 2.000 năm, lộ điều kinh ngạc của người cổ
Hộp sọ chiến binh 2.000 năm có chi tiết lạ kỳ gây kinh ngạc
Thứ bảy, ngày 19/02/2022 16:14 PM (GMT+7)
Theo nhận định của các chuyên gia, dấu vết lạ trên hộp sọ của một chiến binh đã tiết lộ người này từng trải qua cuộc phẫu thuật thành công cách đây 2.000 năm.
Vết lạ trên hộp sọ chiến binh 2.000 năm lộ điều kinh ngạc của người xưa
Hộp sọ của một chiến binh người Peru với tuổi đời khoảng 2.000 năm được tìm thấy với mảnh kim loại ghép vào chỗ bị vỡ.
Thông tin được bảo tàng Osteology ở bang Oklahoma, Mỹ, đưa ra. Các chuyên gia nhận định, chiến binh này từng bị nứt vỡ hộp sọ trong một trận chiến. Các y sĩ thời đó đã dùng mảnh kim loại ghép vào phần bị vỡ.
Chia sẻ với Daily Star, các chuyên gia cho rằng người đàn ông sống sót sau ca phẫu thuật. Hộp sọ hiện là bằng chứng quan trọng để chứng minh người cổ đại có khả năng thực hiện ca phẫu thuật tiên tiến.
"Đây là hộp sọ thuôn dài đặc trưng của người Peru. Chi tiết bất thường của hộp sọ chính là được gắn mảnh kim loại. Người chiến binh này từng bị thương ở đầu trong trận chiến cách đây 2.000 năm. Đây là một trong những hộp sọ lâu đời và thú vị nhất của chúng tôi", đại diện bảo tàng Osteology cho biết.
Ban đầu, hộp sọ được lưu giữ trong bộ sưu tập tư nhân của bảo tàng Osteology, nhưng sau đó nó trở nên nổi tiếng. Tới năm 2020, lần đầu tiên hộp sọ chính thức trưng bày công khai với công chúng.
Tuy chưa có thêm các thông tin mới về hộp sọ này, nhưng chuyên gia nhận định nguyên nhân vết thương do bị bắn bằng súng cao su trong trận chiến.
Được biết, người Peru cổ xưa có hình thức chỉnh sửa bộ phận cơ thể, trong đó, các thành viên cố tình làm biến dạng hộp sọ của em bé sơ sinh bằng cách buộc chúng bằng vải hoặc ép bằng 2 mảnh gỗ khi đứa bé vừa chào đời. Tại khu vực nơi phát hiện ra hộp sọ ở Peru, từ lâu nổi tiếng với các y sĩ phẫu thuật - những người phát minh ra các quy trình phức tạp để chữa trị chấn thương gây vỡ hộp sọ.
Cách đây hàng nghìn năm, các y sĩ ở Peru sẽ khoét lỗ nhỏ trên hộp sọ của người bị thương. Họ có dùng thuốc mê hay không đến nay vẫn còn là bí ẩn.
"Họ sớm biết đây là phương pháp có thể cứu sống người. Chúng tôi có những bằng chứng cho thấy phẫu thuật khoan sọ không liên quan tới hoạt động nghi lễ, mà thường dành cho những bệnh nhân bị thương nặng ở đầu dẫn tới vỡ hộp sọ", nhà nhân chủng học John Verano đến từ trường Đại học Tulane (Mỹ) từng chia sẻ quan điểm trên National Geographic vào năm 2016.
Hiện chưa rõ thành phần chính xác của miếng kim loại gắn trên hộp sọ. "Thông thường, người ta hay dùng vàng hoặc bạc cho những kiểu phẫu thuật này", đại diện của bảo tàng Osteology chia sẻ thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.