Nghệ nhân Fusahiro Shimojima bên trong lò rèn của mình. Ảnh: CNN.
Ngay giữa thành phố công nghiệp Saitama (Nhật Bản), lò rèn của ông Fusahiro Shimojima luôn đầy ắp những ánh lửa và tiếng kim loại rèn giũa. Người nghệ nhân làm kiếm Nhật Bản đang tập trung phần lưỡi non cho kiệt tác mới nhất của mình. Cứ sau mỗi đường búa, các tia lửa lại bắn lên không trung, cho thấy sự lành nghề của người thợ 44 tuổi.
Tuy nhiên, trái ngược với hình ảnh khói bụi, nóng bức và mồ hôi nhễ nhại của nghệ nhân, chiếc lò rèn của Shimojima thực tế lại là một không gian linh thiêng mà không phải người ngoại quốc nào cũng “thấm” hết được.
Trên người Shimojima và các thợ phụ và bộ đồ màu trắng, biểu tượng cho sự thuần khiết, giữ các yếu tố tiêu cực ở bên ngoài. Một sợi dây đặc biệt được goi là “shimenawa” được sử dụng trong ác nghi lễ Shinto cổ xưa tạo thành một vòng tròn xung quanh lò rèn, đóng vai trò bảo vệ người nghệ nhân khỏi các năng lượng có hại.
Dù môi trường có khói bụi như thế nào, trên người những nghệ nhân làm kiếm luôn là bộ trang phục màu trắng. Ảnh: CNN.
“Chúng tôi tôn thờ thánh thần tại lò rèn này” – Shimojima, người có 24 năm kinh nghiệm rèn các thanh kiếm samurai cho hay.
“Chỉ có vậy, chúng tôi mới có thể làm ra được một thanh kiếm… không chỉ để sử dụng như một món vũ khí mà còn là biểu tượng tinh thần và tâm linh lớn lao”.
Được tôn kính bởi sức mạnh bền bỉ và tính hữu dụng trong cận chiến, những thanh kiếm cong – được gọi là “katana” – đã được sản xuất ở Nhật Bản trong nhiều thế kỷ. Chúng giữ một vị trí quan trong trong văn hóa xứ sở hoa anh đào, được sử dụng bởi các samurai, giới quý tộc và các nghệ sĩ võ thuật.
Kể cả khi chính phủ Nhật Bản quyết định giải thể tầng lớp samurai (cũng như cấm mang vũ khí nơi công cộng, các kỹ thuật sản xuất katana cổ xưa vẫn được lưu giữ cho tới ngày nay. Về phần minh, Shimojima là chuyên gia sản xuất kiểu kiếm “mamori katana” – một loại bùa may mắn, giúp bảo vệ chủ nhân khỏi bệnh tật và điều không may.
“Trong xã hội ngày nay, ‘katana’ không còn được sử dụng như thứ vũ khí nữa” – Shimojima kể.
“Là một người làm kiếm, tôi tìm kiếm niềm vui trong việc tạo ra một sản phẩm hỗ trợ nhu cầu tinh thần và tâm linh của khách hàng, nhất là những thanh kiếm được trải qua hàng trăm truyền qua các thế hệ trong một gia đình”.
“Từ thời cổ đại, kiếm đã trở thành một phần không thể tách rời của văn hóa Nhật Bản. tôi tin rằng ‘katana’ đóng vai trò nền tảng thiết yếu cho tính cách và hành vi của người Nhật Bản ngày nay”.
Kĩ thuật cổ xưa
Theo CNN, ‘katana’ được sản xuất lần đầu tiên cách đây hơn 1.000 năm về trước, có hình dáng cong lên với lưỡi kiếm ở cạnh dưới. Kiểu thiết kế này cho phép người dùng có thể rút và tấn công trong một lần chuyển động. Tuy vai trò của “katana” đã thay đổi nhanh chóng theo xu hướng phát triển của xã hội, kỹ thuật rèn loại kiếm này vẫn giữ được tính nguyên bản cổ đại của mình.
Mọi công đoạn đều phải làm một cách cẩn thận, tỉ mẩn vì chỉ cần 1 lỗi nhỏ, cả thanh kiếm sẽ bị hỏng. Ảnh: CNN.
Theo đó, lưỡi kiếm được rèn từ “tamahagane” – một loại thép với các lớp chứa lượng carbon khác nhau. Khi rèn kiếm, các nghệ nhân như Shimojima sẽ cẩn thận đun nóng, làm mềm và gập thép lại nhằm loại bỏ hết các tạp chất, đảm bảo lượng carbon được thống nhất trên toàn bộ lưỡi kiếm.
“Một lớp được gập thành 2 lớp, 2 thành 4, 4 thành 8 và cứ thế” – Shimojima giải thích.
“Sau 15 lần gập như thế, hơn 32.000 lớp đã được tạo thành. Tuy nhiên, không phải cứ nhiều lớp là tốt. Có một giới hạn nhất định và nếu vượt qua giới hạn này, thép sẽ không đủ khỏe để làm một lưỡi kiếm”.
Sau đó, lưỡi kiếm được tạo hình ban đầu hoàn toàn thẳng. Chỉ sau khi thép được làm cứng qua một quá trình đun nóng và làm nguội (được gọi là “yaki-ire”), độ đặc thép khác nhau mới biến đổi, tạo thành hình cong đặc trưng của “katana”.
“Trong khoảng thời gian 10 phút, chúng tôi đun nóng lưỡi kiếm lên khoảng 800 độ C rồi nhanh chóng làm nguội với nước” – nghệ nhân Shimojima cho hay.
“Nhìn qua thì thấy đây là một quá trình đơn giản. Thế nhưng, cái khó của việc này là phải thật quyết đoán”.
“Chỉ một sai lầm sẽ làm hỏng lưỡi kiếm. Đó sẽ là sai lầm chí tử”, Shimojima nói thêm.
Khi hoàn thành, lưỡi kiếm cần phải cân bằng các phẩm chất như sức mạnh, độ linh hoạt, bền bỉ. Được biết, lò rèn của Shimojima sẽ mất khoảng 1 tháng để sản xuất ra một thanh kiếm. Còn nếu khách hàng yêu cầu thêm các chi tiết phụ phức tạp hơn (như giá đỡ hay đốc kiếm), quá trình này có khi sẽ phải mất hơn 1 năm.
Truyền thống mai một
Có quá khứ huy hoàng là vậy, việc mua bán “katana” ở xã hội Nhật Bản hiện đại lại đang dần mai một. Vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, Hiệp hội Thợ rèn Nhật Bản có khoảng 300 thành viên. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, con số này đã giảm chỉ còn 1 nửa. Nguyên nhân của việc này là do quá trình học kỹ thuật rèn rất vất vả và việc học nghề thường kéo dài nhiều năm mà không được trả lương.
Mỗi thanh kiếm ra lò đều là một kiệt tác có thể đứng vững với thời gian. Ảnh: CNN.
Theo lời kể lại của Shimojima, niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật cổ truyền này đã đến một cách rất tình cờ. Khi còn là một học sinh trung học phổ thông, ông đã bị choáng ngược trước vẻ đẹp vượt thời gian, không tì vết của một thanh “katana” 800 năm tuổi được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Tokyo. Chính từ lần chạm mặt định mệnh này, Shimojima đã quyết định theo đuổi nghiệp rèn kiếm.
“Xuyên suốt lịch sử, nghệ thuật rèn kiếm đã được truyền lại qua các thế hệ một cách trọn vẹn, nguyên bản nhất với đầy đủ các giá trị, ý nghĩa của nó” – Shimojima nói.
“Việc các thanh ‘katana’ cổ chưa hề bị rỉ hay bắt đầu bị ăn mòn đã cho thấy chất lượng rèn tuyệt hảo của nghệ nhân. Về thế, chúng tôi phải dành toàn tâm toàn lực, kể cả với những phần nhỏ nhất của các thanh kiếm”.
“Tôi tin rằng bản thân các thanh kiếm Nhật Bản sẽ không biến mất khỏi lịch sử” – Shimojima nói thêm. “Các thanh ‘katana’ chất lượng tốt từ thời xưa sẽ vẫn tồn tại và được nhớ tới”.
Một thanh katana tốt đòi hỏi rất nhiều thời gian để chế tác. Ảnh: CNN.
Hiện tại, các kỹ thuật sản xuất hiện đại đang đe dọa truyền thống sản xuất thủ công của những nghệ nhân như ông Shimojima. Với phương thức sản xuất hàng loạt, nhanh chóng và ít tốn kém như tại các công ty ở Trung Quốc, “katana” rèn bằng tay truyền thông đang trở nên bị áp đảo trên thị trường. Thế nhưng, theo CNN, những thanh kiếm công nghiệp giá rẻ sẽ không thể thay thế được hàng “xịn” của nghệ nhân.
“Vẻ đẹp của 1 thanh kiếm đến từ mọi bước trong quá trình sản xuất cũng như công sức của người nghệ nhân làm kiếm” – Shimojima nói về các kỹ thuật truyền thống.
“Tôi tin rằng vẻ đẹp của 1 thanh ‘katana’ đến từ sự đơn giản: đầy thẩm mỹ mà không rườm rà” – Shimojima nói. “Đầy thực dụng với một nét cao sang ẩn giấu”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.