Gustav Gun, tên của khẩu pháo ra đời tại Essen, Đức vào năm 1941 do công ty Friedrich Krupp sản xuất. Gustav được chế tạo theo lệnh trực tiếp của Adolf Hitler với mục đích nghiền nát hệ thống pháo đài Maginot bảo vệ dọc biên giới Pháp. Krupp đã thiết kế một khẩu pháo khổng lồ đặt trên hệ thống đường ray cũng không hề bé nhỏ.
Với trọng lượng 1.344 tấn, cỡ nòng 800 mm và vận hành dưới sự chỉ huy của 1 thiếu tướng Đức Quốc Xã và 500 binh sĩ, đây thực sự là một con quái vật khổng lồ trên chiến trường.
Đức Quốc Xã coi Gustav Gun là "con át chủ bài".
Pháo Gustav sử dụng 2 loại đạn, gồm đạn nổ nặng 4,8 tấn và đạn xuyên bê tông nặng 7,5 tấn. Trong đó, đạn nổ có thể khoét được những miệng hố rộng và sâu đến 10m, còn loại đạn xuyên bê tông thể hiện khả năng xuyên 80m bê tông cốt thép trước khi phát nổ. Ngoài ra, Gustav có tầm bắn tối đa lên đến gần 50km.
Năm 1939, Hitler và Bộ trưởng vũ khí Đức Quốc Xã Albert Speer đã đặt 3 khẩu pháo khổng lồ này của Krupp. Đến mùa xuân năm 1941, Hitler và Speer đích thân giám sát quá trình thử nghiệm và chấp nhận khẩu Gustav.
Theo truyền thống của nhà Krupp, khẩu đầu tiên sẽ được miễn phí trong khi đó, khẩu thứ 2 mang tên Dora có giá 7 triệu mác Đức.
Tuy nhiên, quân Pháp đã thất thế trong năm 1940 nên Gustav không có cơ hội được sử dụng. Đức Quốc Xã lên kế hoạch dùng nó cho việc tấn công pháo đài Gibraltar của Anh. Tuy nhiên, ý định này bị tướng Franco gạt bỏ do không cho phép bắn vào Anh từ Tây Ban Nha.
Tới tháng 4/1942, người ta thấy Gustav được đặt trong sự bảo vệ nghiêm ngặt bên ngoài thành phố cảng Sebastopol của Liên Xô.
Gustav Gun đã gây ra nỗi khiếp sợ cho Hồng Quân Liên Xô.
Dưới sức mạnh của quái vật này, các pháo đài Stalin, Lenin và Maxim Gorki đã gục ngã. Trong cuộc tấn công đó, Gustav đã bắn hơn 300 quả pháo với tổng khối lượng lên đến hàng trăm tấn.
Tháng 8/1942, khẩu Dora được thiết lập ở phía Tây thành phố Stalingrad nhưng đã nhanh chóng bị thu hồi do lo sợ rơi vào tay Hồng quân. Sau đó, đến lượt Gustav đã được đưa đến Warsaw, Ba Lan, nơi đó đã bắn 30 viên đạn trong cuộc tấn công năm 1944.
Tới năm 1945, Dora đã bị các kỹ sư Đức phá hủy ở Oberlichtnau, Đức để tránh rơi vào tay Hồng quân Liên Xô. Trong khi đó, chiếc thứ 3 chưa hoàn thành đã bị quân đội Anh phá hủy ngay tại nhà máy khi họ chiếm Essen.
Cũng trong năm 1945, quân đội Mỹ đã thu giữ được Gustav tại Metzendorf, Đức và nó nhanh chóng bị xẻ thịt làm phế liệu, kết thúc câu chuyện về siêu pháo lớn nhất từng được loài người chế tạo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.