Khánh Hoà: Khổ, đây là loài cá đặc sản dân Cam Ranh đang cần giải cứu bởi nuôi báo cô không nổi nữa rồi!

Thứ ba, ngày 01/09/2020 07:15 AM (GMT+7)
Dịch Covid-19, không có du khách, nhà hàng hoạt động cầm chừng…khiến hàng chục tấn cá mú ở TP. Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) không thể xuất bán. Không tiêu thụ được, giá cá mú rớt thê thảm nhưng vẫn phải duy trì cho cá ăn khiến người nuôi như ngồi trên đống lửa.
Bình luận 0

Cá mú ế, giá cá mú rớt thê thảm

Vùng nuôi cá mú ở TP. Cam Ranh (tỉnh Khánh Hoà) những ngày này buồn hiu vì cá không thể xuất bán, giá cá mú rớt thê thảm. 

Khánh Hoà: Khổ, đây là loài cá đặc sản dân Cam Ranh đang cần giải cứu bởi nuôi báo cô không nổi nữa rồi! - Ảnh 1.

Cá mú của gia đình ông Hồ Hóa Hải, thôn Hòa Sơn, xã Cam Thịnh Tây, TP Cam Ranh (tỉnh Khánh Hoà) đạt trọng lượng hơn 2kg/con nhưng vẫn phải nuôi cầm cự.

Chỉ xuống đìa cá mú còn hơn 1.000 con đã “quá lứa”, ông Nguyễn Văn Khạo (phường Cam Phúc Nam, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà) cho biết, đáng lẽ giờ này ông đã thả nuôi lứa cá mú tiếp theo. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, thương lái thu mua cá mú rất ít khiến cá còn tồn hơn 1.000 con, ước khoảng 2 tấn.

Mọi năm, cá mú đạt 0,8 - 1,5kg là ông Khạo có thể xuất bán nhưng hiện nay, cá mú đã nặng 2 - 2,5kg, giá bán chỉ còn 90.000 đồng/kg mà cũng không ai mua. Thời điểm này năm ngoái, giá cá mú luôn ổn định ở mức 260.000 - 280.000 đồng/kg, có khi lên đến 300.000 đồng/kg.

2ha đìa của gia đình ông Hồ Hóa Hải (thôn Hòa Sơn, xã Cam Thịnh Tây, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà) có khoảng 7 tấn cá mú. Từ đầu năm đến nay, ông mới bán được 2 tấn, còn tồn khoảng 5 tấn cá.

“Mọi năm cá mú đến size chỉ cần gọi là thương lái đến mua ngay. Nhưng năm nay gọi khắp nơi mà họ vẫn từ chối vì không nhập được cho các nhà hàng, khách sạn. Không xuất bán được, giá cá mú cũng rớt theo khiến chúng tôi vô cùng điêu đứng”, ông Hải buồn rầu nói.

Theo ông Lê Minh Hải - Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh (tỉnh Khánh Hoà), người nuôi tôm, cá trên địa bàn thành phố đang điêu đứng vì không xuất bán được, giá giảm chỉ bằng 30 - 50% so với mọi năm. 

Hiện nay, toàn thành phố Cam Ranh có hơn 100ha đìa và khoảng 5.000 ô lồng nuôi cá mú, trong đó tập trung chủ yếu ở xã Cam Thịnh Đông, phường Cam Phúc Nam, phường Cam Thuận. Mỗi năm, toàn thành phố cung cấp hơn 100 tấn cá mú cho thị trường TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Nha Trang…

Nhưng hiện nay TP Cam Ranh vẫn còn tồn gần 70 tấn cá mú tại các đìa, ô lồng của ngư dân.

Ngư dân nuôi cá mú điêu đứng

Theo ông Khạo, gần 20 năm nuôi cá mú, chưa năm nào ông lâm vào tình trạng lỗ nặng như năm nay. Không bán được cá, nhưng ông vẫn phải chi tiền để mua thức ăn, nuôi cầm cự. Tuy không cho cá ăn nhiều như trước, nhưng mỗi tháng, ông cũng tốn thêm hơn 10 triệu đồng tiền thức ăn.

Ông Hồ Hóa Hải cũng trong tình cảnh tương tự. Hiện nay, mỗi tuần ông phải bỏ ra 5 triệu đồng để mua thức ăn nuôi các đìa cá mú. Trong khi đó, cá mú càng lớn càng mất giá. Để trụ được trong giai đoạn này, ông Hải bất đắc dĩ phải bỏ đói cá, giảm thức ăn đến mức thấp nhất.

Từ chỗ cho cá mú ăn 1 lần/ngày sang một tuần một lần. Ngoài đìa cá đã “quá lứa” chưa xuất bán được, gia đình ông còn 2 đìa cá mú 2 tháng và 4 tháng sau sẽ xuất bán. Tuy nhiên, với tình hình như hiện nay, ông không dám tính đến bài toán lời lãi, mà trước mắt phải… cầm cự. Nhưng càng cầm cự càng lỗ…

Theo tính toán của người nuôi, muốn hòa vốn thì giá cá mú phải đạt ít nhất 120.000 đồng/kg. Với giá bán từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng/kg như bây giờ thì người nuôi cầm chắc lỗ vốn. 

Ông Lê Xuân Tùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Phúc Nam (TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà) cho biết, trước tình hình trên, hội đã vận động người nuôi không nên thả giống mới và tiếp tục tìm nguồn để bán hết số cá tồn đọng.

Tìm cách “giải cứu” cá mú đặc sản

Mỗi ngày nhận hàng chục cuộc gọi của các chủ đìa cá mú nhưng ông Lê Tấn Vũ (thương lái chuyên thu mua cá mú tại TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà) cũng không thể xoay xở để thu mua cho các hộ nuôi. 

Ông cho biết, trước đây, cá mú tươi sống chủ yếu tiêu thụ tại khách sạn, nhà hàng trong tỉnh phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, từ đầu năm, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nguồn khách du lịch không có nên mặt hàng này cũng ế ẩm từ đó. 

Từ chỗ thu mua 5 tấn cá mú/ngày, hiện nay, ông chỉ thu mua 2 tấn cá mú/ngày. Thị trường tiêu thụ cá mú trong tỉnh gần như đóng băng, ông phải tìm nơi tiêu thụ tại chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc. 

Tuy nhiên, số lượng tiêu thụ cá mú rất hạn chế và còn gặp tổn thất lớn do vận chuyển đi xa. Sau khi trừ chi phí vận chuyển, thương lái chỉ lời khoảng 4.000 đồng - 5.000 đồng/kg cá mú, trong khi trước đây lời đến 15.000 đồng/kg.

Bên cạnh trông chờ vào các thương lái, một số hộ nuôi cá mú ở TP. Cam Ranh đã bắt tay với siêu thị Co.opmart Nha Trang mở chương trình “giải cứu” cá mú.

Theo ông Võ Đình Dũng - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Nha Trang, siêu thị đã triển khai chương trình này được gần 2 tháng với số lượng tiêu thụ khoảng 10 tấn cá; giá bán cá mú tại siêu thị gần 160.000 đồng/kg.

Khánh Hoà: Khổ, đây là loài cá đặc sản dân Cam Ranh đang cần giải cứu bởi nuôi báo cô không nổi nữa rồi! - Ảnh 2.

Chương trình “Giải cứu cá mú” của siêu thị Co.opmart Nha Trang (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà) mỗi ngày bán được khoảng 150kg.

Siêu thị sẽ triển khai chương trình giải cứu cá mú này cho đến khi thị trường tiêu thụ cá mú phục hồi nhằm góp phần hỗ trợ người nuôi tại TP. Cam Ranh.

Ông Lê Minh Hải cho rằng, hải sản nói chung và cá mú nói riêng muốn tiêu thụ được phụ thuộc rất lớn vào thị trường du lịch. Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, chưa biết khi nào thị trường du lịch mới khởi sắc trở lại. 

Phòng đang phối hợp với cơ quan chức năng tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ cá mú nhằm chia sẻ khó khăn với ngư dân; đồng thời sẽ có văn bản cáo cáo thành phố kiến nghị các ngân hàng có chính sách khoanh nợ, giảm lãi vay cho người nuôi.

Về lâu dài, để ổn định đầu ra cho cá mú, theo ông Hải phải tìm được thị trường ngoài nước theo con đường chính ngạch. Muốn vậy, cá mú phải đảm bảo những yêu cầu rất khắt khe, tuân thủ quy trình sản xuất sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nuôi trong vùng quy hoạch, có doanh nghiệp xuất khẩu được cấp phép…

Tuy nhiên, hiện nay, người nuôi cá mú chủ yếu nuôi ngoài vùng quy hoạch; quy hoạch nuôi trồng thủy sản của TP. Cam Ranh (tỉnh Khánh Hoà) lại bị chồng lấn, không đúng quy định. Vì vậy, UBND TP. Cam Ranh đang kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hoà sớm phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, tạo điều kiện phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản của địa phương.

Văn Kỳ-Hoàng Dung (Báo Khánh Hoà)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem