TT-Huế: Dân rớt nước mắt nhìn toàn cá đặc sản đắt tiền lăn ra chết

Thứ hai, ngày 31/08/2020 06:45 AM (GMT+7)
Thời tiết diễn biến phức tạp, thay đổi đột ngột khiến các loại cá đặc sản ở một số địa phương của tỉnh Thừa Thiên Huế chết hàng loạt gây thiệt hại lớn.
Bình luận 0

Cá đặc sản chết chưa giảm

Ông Trần Đức Tâm ở thôn 2, xã Hải Dương (TX. Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) phản ánh, từ khi thả giống nuôi đến nay hơn 7 tháng, nằm trong khung thời điểm nắng nóng diễn ra gay gắt, thời tiết phức tạp, môi trường thường thay đổi đột ngột.

TT-Huế: Dân rớt nước mắt nhìn toàn cá đặc sản đắt tiền lăn ra chết - Ảnh 1.

Người dân vớt cá chết.

Từ tháng 6 đến nay, nguồn nước tại khu vực nuôi cá đặc sản như mú, hồng mỹ, nâu, kình bắt đầu có dấu hiệu bất thường. 

Cá nuôi có hiện tượng lờ đờ, bỏ ăn và chết lai rai, kéo dài từ hai tháng nay. Các biện pháp bảo vệ, ứng phó đã được triển khai nhưng chỉ cầm cự trong thời gian ngắn. 

Đến những ngày cuối tháng 8, cá bắt đầu chết hàng loạt gây thiệt hại lớn.

Hộ ông Tâm nuôi 10 lồng cá, mỗi lồng bình quân 500 con, gồm các loại cá mú, hồng mỹ, cá nâu, cá kình. Trọng lượng cá đến nay bình quân đạt khoảng 0,5kg/con. Hiện tượng ban đầu là cá bỏ ăn, tróc vảy, sau đó chết hàng loạt, ước thiệt hại trên 100 triệu đồng.

Cá mú là đối tượng chết nhiều nhất trong các loại cá nuôi. Mặc dù chưa tới kỳ thu hoạch nhưng do cá chết nhiều nên ông Tâm phải thu hoạch tỉa bán để gỡ phần nào. Bình thường loại cá mú này bán với giá 200 – 300 ngàn đồng/kg, nhưng giờ bán non nên phải hạ giá, thậm chí chỉ còn 50-70 ngàn đồng/kg. 

"Giá bán cá mú thấp đã đành nhưng vẫn ít người mua do cá còn non, chất lượng thấp”, ông Tâm trăn trở.

Cùng thời điểm, tại xã Quảng Công (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) xuất hiện tình trạng cá nuôi như mú, hồng mỹ, nâu… bỏ ăn và chết hàng loạt, nhiều nhất là cá nâu và cá kình. 

Ông Trần Vinh ở thôn 4, xã Quảng Công chia sẻ, trước tình trạng cá chết, ông Vinh đã sử dụng thuốc và các biện pháp theo quy định để chữa trị nhưng vẫn không giảm. 

Những ngày này, gia đình ông Vinh thu hoạch non để bán, chấp nhận giá thấp nhằm cứu vãn phần nào.

TT-Huế: Dân rớt nước mắt nhìn toàn cá đặc sản đắt tiền lăn ra chết - Ảnh 3.

Người dân thu hoạch cá mú bán dù chưa đạt kích cỡ...

Theo các địa phương, mặc dù đã triển khai các biện pháp ứng phó nắng nóng, thời tiết bất thường nhưng tình trạng cá chết vẫn chưa dừng lại, thậm chí tăng nhanh, gây thiệt hại lớn. 

Tính riêng hai xã Hải Dương, Quảng Công bị thiệt hại ước tính 2-3 tỷ đồng. Đặc biệt đối với các hộ nuôi ban đầu đã đầu tư kinh phí lớn cho hệ thống ao hồ, trang thiết bị máy móc, lồng bè, giờ bị thiệt hại lớn nên gặp nhiều khó khăn trong việc tái đầu tư.

Cần kết hợp khoa học và kinh nghiệm

Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định, nguyên nhân cá chết là do nắng nóng kéo dài, cộng với thời tiết phức tạp, mưa đột ngột làm cho môi trường nước bị thay đổi, khiến cá không kịp thích nghi. 

Ngoài gần 100 lồng cá nuôi tại hai xã Hải Dương, Quảng Công bị thiệt hại nặng, hiện nhiều lồng nuôi cá nâu, dìa… vùng đầm phá trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cũng xảy ra tình trạng cá bị chết rải rác.

Nắng nóng và mưa dông vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế khuyến cáo bà con cần thu hoạch tỉa để bán nhằm hạn chế tối đa thiệt hại. 

Đối với các loại cá còn nhỏ, chưa đạt kích cỡ thu hoạch cần thực hiện các biện pháp kỹ thuật bảo vệ phù hợp, như rải vôi, có thể kết hợp tạt nước vôi để giữ độ pH nước luôn ổn định. 

Các hộ cho cá ăn với khẩu phần và chế độ hợp lý theo kích cỡ và mật độ nuôi trong ao, lồng bè.

Ngoài các biện pháp kỹ thuật, kinh nghiệm của trong quá trình nuôi, các hộ cần kết hợp các biện pháp khoa học theo quy định của cơ quan chức năng. Định kỳ 10-15 ngày/lần cần bổ sung vitamin C, khoáng vi lượng; sử dụng men tiêu hóa trộn vào thức ăn cho tôm, cá, mỗi đợt từ 5-7 ngày nhằm tăng sức đề kháng.

TT-Huế: Dân rớt nước mắt nhìn toàn cá đặc sản đắt tiền lăn ra chết - Ảnh 5.

Cá nâu đặc sản được người dân thu hoạch bán.

Sử dụng các loại chế phẩm sinh học, định kỳ 10-15 ngày/lần để xử lý nước và đáy ao nuôi. Khi sử dụng các chất bổ sung và xử lý nước trong ao nuôi, cần lưu ý sản phẩm nằm trong danh mục cho phép được lưu hành, lượng dùng theo quy định, hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Khi có mưa lớn, người dân cần tiến hành xả nước tầng mặt, đồng thời tăng cường sục khí đảo nước tránh hiện tượng phân tầng gây thiếu oxy tầng đáy, phát sinh khí độc. 

Trước và sau khi mưa sử dụng vôi với lượng từ 2 - 3kg hòa vào 100m3 nước tạt xuống ao để ổn định độ pH. Giảm từ 30 - 50% lượng thức ăn cho cá, tôm khi thời tiết thay đổi đột ngột, như mưa lớn hoặc nắng nóng với nhiệt độ nước trên 33oC, ngừng cho ăn khi nhiệt độ nước trên 350C.

Một số vùng nuôi tôm chuyên canh cao triều vùng đầm phá và nuôi tôm chân trắng trên cát đang chuẩn bị thả giống vụ đông, được xem là vụ nuôi chính.

Các địa phương cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi sử dụng giống từ các cơ sở sản xuất có uy tín, có nguồn gốc xuất xứ và chấp hành tốt các quy định pháp luật về quản lý giống thủy sản.


Triều Hảo (Báo Thừa Thiên Huế)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem