Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Chúng tôi gặp chị Đặng Thị Thoa – chủ trang trại nuôi lợn ở ấp 9, xã An Linh, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương vào một ngày thu nhân dịp chị ra Hà Nội dự cuộc gặp mặt của Chi hội Nông dân tỷ phú tỉnh Bình Dương với lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Kể lại hành trình khởi nghiệp, chị Thoa không kìm được xúc động, đôi lần rơi nước mắt...
"Trước đây gia đình tôi nghèo khó lắm, di cư từ miền Bắc vào đất Phú Giáo sinh sống nên luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau. Những năm đầu vợ chồng tôi làm thuê đủ nghề, ai thuê gì cũng làm, sau đó thì dùng tiền tích cóp gây dựng trang trại chăn nuôi heo. Giai đoạn trước năm 2016, chăn nuôi khá thuận lợi, bán luôn có lãi nên vợ chồng tôi có tiền xây nhà cửa kiên cố, mở rộng chuồng trại" - chị Thoa kể.
Cuộc sống đang khấm khá thì nỗi đau ập đến với người phụ nữ quê gốc ở Thái Bình. Chồng chị không may bị tai nạn mất đột ngột, chị Thoa một mình gồng gánh toàn bộ công việc, từ chăm sóc con cái đến làm kinh tế. Cùng thời điểm đó giá heo hơi liên tục giảm mạnh do cung vượt cầu, khiến chị Thoa lâm vào cảnh khó khăn chưa từng.
Thử thách chưa dừng lại ở đó, sau "bão giá heo" là đến dịch lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi lan rộng, khiến chị Thoa cũng như người chăn nuôi heo cả nước "bầm dập". "Đã có lúc tôi cảm thấy mình cùng đường rồi, chỉ muốn buông xuôi..." - chị Thoa rớm nước mắt nhớ lại khoảng thời gian hơn 4 năm trước.
Thật may chị được mọi người trong khu ấp quan tâm, động viên tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ, tinh thần chị Thoa dần khuây khỏa. Trong những lần tham gia sinh hoạt cùng mọi người, chị đã được nghe nhiều bài nói chuyện về tấm gương đạo đức, học tập và làm việc của Bác Hồ; được giới thiệu nhiều gương nông dân sản xuất giỏi trong địa bàn xã, huyện nên chị rất thấm thía và học theo.
"Mỗi lúc gặp khó khăn hay bị thua lỗ, tôi đều ngẫm nghĩ và đặt ra câu hỏi, tại sao người ta làm được mà mình lại buông tay? Tôi không chấp nhận được điều đó, và mỗi ngày đều cố gắng học hỏi, trau dồi tích lũy kinh nghiệm. Nếu không thoát nghèo được thì đó là lỗi tại mình. Mà muốn thoát nghèo thì phải cần tinh thần chiến đấu, ham học hỏi, tìm hiểu áp dụng công nghệ kỹ thuật mới" - chị Thoa tâm sự.
Trước kia chị Thoa chủ yếu nuôi lợn trong chuồng hở, nhưng sau khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, chị quyết định "chơi lớn", vay vốn đầu tư gần 3,7 tỷ đồng xây dựng trang trại chăn nuôi khép kín áp dụng công nghệ chuồng lạnh.
Theo đó, hệ thống ô chuồng được chị Thoa trang bị nhiều thiết bị hiện đại, 1 nhà cám với các ống dẫn cám tự động chảy vào máng ăn; 3 bể biogas xử lý toàn bộ chất thải từ chăn nuôi, đồng thời phát điện đủ dùng để chạy máy móc cho trang trại (3 máy ga, 1 máy dầu đề phòng lúc hết điện)... Nhờ chăn nuôi khép kín, tiêm phòng vaccine đầy đủ nên đàn lợn trong trang trại của chị an toàn trước dịch bệnh.
Với 2 trang trại chăn nuôi lợn, tổng đàn 3.500 con, đều đặn mỗi tháng chị Thoa xuất bán ra thị trường 1-2 đợt lợn thịt, tổng thu nhập mỗi năm đạt từ 1 - 2 tỷ đồng.
"Bây giờ công việc trong trang trại tôi giao hết cho 6 công nhân trông coi, thi thoảng tôi mới xuống kiểm tra tình hình. Trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống, tôi nhận ra rằng phải luôn giữ tinh thần lạc quan, yêu đời, giữ gìn sức khỏe thì mình mới có năng lượng tiếp tục phấn đấu và tham gia công tác đoàn thể, chia sẻ giúp đỡ những người còn khó khăn hơn mình" - chị Thoa chia sẻ.
Năm 2022, chị Đặng Thị Thoa tham gia sinh hoạt tại Chi hội Nông dân Tỷ phú tỉnh Bình Dương. Chị Thoa cũng được tin tưởng bầu làm Chi Hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 9 xã An Linh, thành viên Ban Chấp hành Hội Nông dân xã, đồng thời là Chi hội phó Chi hội Phụ nữ ấp 9.
Chị Thoa cho biết, dù đi vào hoạt động chưa lâu, thương hiệu Chi Hội Nông dân tỷ phú Bình Dương được nhiều bà con biết đến với những hoạt động sôi nổi.
Chị Thoa cho biết, hơn 2 năm trở lại đây, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, hiện lên tới 350.000 đồng/bao nên đã giá đẩy giá thành chăn nuôi tăng cao. Điều này khiến gia đình chị cũng như các hộ chăn nuôi trên địa bàn phải gồng gánh thua lỗ suốt nhiều tháng.
Trước tình hình đó, chị cũng như Hội Nông dân xã và các thành viên trong câu lạc bộ Nông dân Tỷ phú tỉnh Bình Dương đã tích cực tuyên truyền vận động bà con nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Chi Hội cũng trở thành đối tác lớn trong liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản đối với các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh.
Nhiệm kỳ vừa qua, các thành viên Chi hội Nông dân tỷ phú đã đăng ký tham gia phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tại các cơ sở Hội Nông dân. Kết quả bình xét cho thấy, tất cả hội viên trong Chi hội đều đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh trở lên.
Tại Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 7, khoá IX, nhiệm kỳ 2018 – 2023, Hội Nông dân tỉnh Bình Dương đã ra mắt Chi hội Nông dân tỷ phú tỉnh Bình Dương, quy tụ thành viên là những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, doanh nghiệp và nhà khoa học.
Theo Hội Nông dân tỉnh Bình Dương, hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với những mô hình trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao có quy mô lớn, doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, sự liên kết giữ những nông dân chỉ đang ở mức độ thấp, chưa được chặt chẽ, chưa thật sự xứng tầm với quy mô sản xuất hiện tại. Vì vậy, Hội Nông dân tỉnh thành lập Chi hội Nông dân tỷ phú là nhằm tạo ra một môi trường giao lưu, kết nối và học tập kinh nghiệm về trồng trọt, chăn nuôi một cách khoa học, chuyên nghiệp; tạo ra một sân chơi, một nhịp cầu để nông dân có cơ hội gặp gỡ, giao lưu kinh nghiệm.
"Chi hội Nông dân tỷ phú Bình Dương đã và đang trở thành cầu nối giữa các hội viên nông dân giỏi của tỉnh, là hạt nhân tiên phong trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; sẽ xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh vì mục tiêu phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh hiện đại", bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương cho biết.
Nhiệm kỳ 2022 – 2027, Chi hội Nông dân tỷ phú tỉnh Bình Dương phấn đấu hàng năm kết nạp mới từ 5 thành viên trở lên vào chi hội, phối hợp tổ chức ít nhất 2 đợt học tập mô hình trong nước và mô hình ở nước ngoài; phối hợp các đơn vị tổ chức các hoạt động bán hàng nông sản an toàn đến với lực lượng công nhân lao động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; phối hợp thực hiện chương trình từ thiện xã hội cho con em hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương, phấn đấu thực hiện trao 50 suất học bổng hiếu học cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Năm 2017, Công ty Koyu & Unitek là doanh nghiệp đầu tiên xuất thành công lô thịt gà chế biếnsang thị trường Nhật Bản. Sự kiện này đã để lại dấu ấn lớn cho ngành chăn nuôi Việt Nam, tạo động lực cho nhiều doanh nghiệp, trang trại đầu tư chăn nuôi theo chuỗi, xây dựng nhà máy chế biến thịt gà xuất khẩu. Nhưng để có sản phẩm thịt gà đạt tiêu chuẩn chất lượng đưa vào mâm cơm của người Nhật, phải kể tới những ông chủ trang trại đã đi đầu trong chăn nuôi công nghệ cao, mạnh dạn tham gia chuỗi liên kết khép kín...
Không nhiều chông gai như chị Đặng Thị Thoa ở Bình Dương, song việc chăn nuôi gà trắng của ông Nguyễn Minh Kha - chủ chuỗi trang trại Miền Đông (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) cũng trải qua nhiều đận bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch cúm gia cầm; giá cả thị trường bấp bênh. Ông Kha cho biết, ông khởi nghiệp với nghề nuôi gà trắng từ năm 2009, đến năm 2014 đã mạnh dạn hợp tác với doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết khép kín định hướng xuất khẩu gà sang Nhật Bản.
"Trong chuỗi liên kết gồm 4 bên thì cơ sở của tôi được coi là mắt xích đầu tiên. Nhiệm vụ của tôi là bỏ vốn đầu tư trang trại chăn nuôi, các đối tác còn lại cung cấp con giống, thức ăn và lo đầu ra" - ông Kha nói.
Ngày đó, với người chăn nuôi như ông Nguyễn Minh Kha, nuôi gà theo chuẩn Nhật Bản vẫn là một thứ gì đó quá mới mẻ, dù trang trại của ông có quy mô lớn nhất nhì địa phương lúc bấy giờ.
Ông Kha kể: Khi mới bắt tay vào làm, các cán bộ kỹ thuật của Nhật Bản, Việt Nam cùng đội ngũ bác sĩ thú y Koyu & Unitek hướng dẫn tôi kỹ lắm. Trước tiên, để được Nhật Bản cấp phép, ba khu trại gà của tôi phải thực hiện đồng loạt các quy trình: chăn nuôi, tiêm vaccine, tiêu độc khử trùng, xét nghiệm, bắt gà, kiểm soát nguy cơ, trong đó đặc biệt chú ý đến việc… quản lý chim, chuột xung quanh trang trại - việc hoàn toàn khác so với chăn nuôi truyền thống trước đây.
Tương tự, trước kia chủ trang trại, công nhân đi ra đi vào trại gà thường xuyên mà không cần khử trùng, còn bây giờ muốn vào trại phải tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo bảo hộ kín mít. Cục Thú y và cán bộ thú y địa phương cũng thường xuyên đến kiểm tra công tác giám sát an toàn dịch bệnh. Với 384 tiêu chuẩn phải thực hiện thì đến ngày 29/9/2017, lô hàng gà đầu tiên từ trại của ông Kha được Công ty Koyu & Unitek xuất vào thị trường Nhật Bản.
Sau những chuyến hàng sang Nhật Bản thành công, trang trại quy mô 750.000 con gà của ông Kha liên tục phát triển. Từ một hộ chăn nuôi, đến nay, ông Kha đã thành lập Công ty TNHH Đông Tây 68 để tiếp tục liên kết với Công ty TNHH De Heus Việt Nam thực hiện giấc mơ nuôi gà xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Mô hình liên kết chuỗi thành công của ông Kha đã trở thành mô hình mẫu tiêu biểu để nhiều trang trại nuôi gà lớn khác ở Đồng Nai, Bình Dương học hỏi, mạnh dạn đầu tư công nghệ cao, áp dụng các quy trình VietGAP, chăn nuôi khép kín để có đầu ra ổn định hơn, giá bán cao hơn.
Ông Kha chia sẻ, hiện nay hàng triệu hộ gia đình ở nông thôn vẫn đang sống dựa vào chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ. Mô hình này đã không còn phù hợp khi Việt Nam mở cửa thị trường chăn nuôi. Nuôi nhỏ lẻ nguy cơ dịch bệnh cao, chất lượng thấp, sản phẩm không đủ sức cạnh tranh. Trong khi đó trại gà của ông Kha nằm gọn lỏn gần núi đá, cách khu dân cư hơn 1km nên đảm bảo an toàn sinh học.
"Để có thể làm ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, cái đầu tiên là phải thay đổi là suy nghĩ, sau đó là quyết tâm và phải có tầm nhìn bền vững, lâu dài. Yêu cầu của đối tác đối với sản phẩm đầu ra rất khó khăn, nghiêm ngặt. Xưa kia tôi bán gà cho đối tác trong nước thì khi giao hàng xong coi như hết trách nhiệm. Nhưng làm với Nhật Bản thì không, kể cả khi thịt gà đến tay người tiêu dùng có vấn đề gì liên quan đến chất lượng sản phẩm thì người nuôi vẫn phải chịu trách nhiệm, bởi mỗi miếng thịt gà bán ra đều có hồ sơ truy xuất nguồn gốc rõ ràng" - chủ chuỗi trang trại Miền Đông khẳng định.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Minh Kha cũng chia sẻ, vì các mắt xích liên đới lẫn nhau nên ai cũng phải cố gắng làm cho tốt, nếu một ai đó làm sai, làm chưa tốt sẽ ảnh hưởng đến cả chuỗi. Riêng chi phí mua thuốc, vaccine phòng chống dịch bệnh, ông Kha tiêu tốn khoảng 1 tỷ đồng mỗi lứa gà, nhưng nhờ đó rất hiếm khi bị rủi ro từ dịch bệnh, gà được đối tác thu mua với giá ổn định, không phải lo biến động từ thị trường.
Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành chăn nuôi gà của Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu rất lớn, ước tính kim ngạch có thể đạt 500 triệu USD. Trong khi năm 2022, xuất khẩu sản phẩm thịt gia cầm sống, đã qua giết mổ của Việt Nam mới đạt gần 3,77 triệu USD, giảm mạnh so với mức 20,7 triệu USD của năm 2021.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.