Khó khăn gỡ thẻ vàng IUU và câu chuyện gần 60% ngư dân chỉ học hết cấp I, nhiều người mù chữ
Khó khăn gỡ thẻ vàng IUU và câu chuyện gần 60% ngư dân chỉ học hết cấp I, nhiều người mù chữ
Tất Định
Thứ tư, ngày 21/08/2024 11:07 AM (GMT+7)
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho hay, gần 60% ngư dân học hết cấp I, nhiều người không biết chữ, trình độ văn hóa thấp dẫn đến sự hạn chế trong việc nhận thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Tại phiên chất vấn sáng 21/8, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2024, ngành thủy sản nước ta tiếp tục đối mặt với rất nhiều thách thức từ thị trường, giá bán đến các thách thức do những rào cản thương mại. Đặc biệt trong bối cảnh đã gần 7 năm Việt Nam bị cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) về hoạt động thủy sản.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết đến thời điểm hiện tại, Bộ đang gặp những khó khăn, vướng mắc nào trong quá trình thực hiện vận động Ủy ban Châu Âu gỡ bỏ thẻ vàng về thủy sản đối với Việt Nam? Bộ trưởng có cam kết cụ thể nào để giải quyết vấn đề này?
Trả lời đại biểu về các giải pháp gỡ "thẻ vàng" IUU, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, giải pháp chủ yếu vẫn là thực hiện tốt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó phát triển thủy sản dựa trên ba trụ cột: Giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển, để đảm bảo trữ lượng thủy sản dành cho thế hệ mai sau.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, những giải pháp nhằm gỡ thẻ vàng IUU chúng ta thực hiện trong suốt 7 năm qua đã có những thành quả nhất định. Chúng ta cũng tổ chức lại hệ thống kiểm ngư, hiện 28 địa phương ven biển đều có lực lượng kiểm ngư; chúng ta có Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hình sự hóa những hành vi vi phạm liên quan đến IUU.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn
Mặc dù đã giảm 20.000 chiếc tàu (từ hơn 100.000 chiếc xuống còn 86.000 chiếc) nhưng so với các nước trong khu vực, số lượng tàu của Việt Nam quá nhiều trên vùng biển, ảnh hưởng đến việc phát triển bền vững.
Thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục chứng minh về những nỗ lực của Việt Nam trong việc tháo gỡ thẻ vàng IUU; phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cùng vào cuộc triển khai tháng cao điểm.
Tuy nhiên, cấu trúc ngành thủy sản rời rạc, manh mún, nhỏ lẻ, nhưng chưa có thiết chế thực hiện theo hướng cộng đồng cùng quản lý nguồn lợi thủy sản - đây cũng là nội dung đã được quy định trong luật.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc nâng cao trình độ, nhận thức của ngư dân trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khai thác hiện đại là giải pháp lâu dài phát triển nghề cá bền vững.
"Chúng ta nói là nghề cá nhưng chúng ta chưa từng ứng xử với người ngư dân như người làm nghề. Thống kê của chúng tôi, trên 60% ngư dân tốt nghiệp cấp I, đặc biệt có những người không biết chữ. Cấu trúc nghề cá hiện đại cần nguồn nhân lực trình độ cao hơn", ông Hoan nói.
Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo nhằm nâng cao trình độ ngư dân để họ có kỹ năng khai thác ít hơn nhưng hiệu quả cao hơn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản lâu dài.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.