Không cần tiền lương cao, điều này mới giữ chân lao động

Thùy Anh Chủ nhật, ngày 28/01/2024 08:51 AM (GMT+7)
Một số báo cáo nghiên cứu mới đây cho thấy, tiền lương không còn là yếu tố hàng đầu để lao động xác định gắn bó với đơn vị.
Bình luận 0

Bức tranh tiền lương: Nhiều khả năng tăng trưởng năm 2024 chỉ dừng lại ở mức trung bình, tuyển dụng hạn chế 

Adecco Việt Nam (Nhà cung cấp dịch vụ Tính lương, Tuyển dụng và Thuê ngoài nhân sự) vừa công bố Báo cáo hướng dẫn lương năm 2024, cung cấp bức tranh tổng quan về mức tiền lương tiêu biểu tại Hà Nội và TPHCM.

Bà Thanh Lê - Tổng Giám đốc Adecco Việt Nam cho biết, các báo cáo cho thấy trong năm 2023 kinh tế thế giới đối mặt với hàng loạt khó khăn, dẫn đến sự giảm cầu trong bối cảnh các chi phí đầu vào sản xuất - kinh doanh tăng cao. Việc suy thoái tại hai lĩnh vực quan trọng, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam.

Trong nước, những lĩnh vực này đã phải đối diện với nhiều vấn đề khó khăn, gây giảm hấp thụ vốn doanh nghiệp và gia tăng nợ xấu, song song với nhiều thách thức khác. Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, kinh tế Việt Nam vẫn có tín hiệu tích cực trong quá trình phục hồi, nhờ một loạt các biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ.

tuyển dụng

Uy mô tuyển dụng tăng trưởng nhanh ở nhóm ngành bán buôn, bán lẻ. Ảnh: N.N

"Bối cảnh thị trường tuyển dụng và lao động năm 2024 cho thấy doanh nghiệp đang lựa chọn các giải pháp thận trọng, điều này được phản ánh qua các quyết định tuyển dụng của họ. Theo khảo sát của Adecco Việt Nam, có đến 74% doanh nghiệp dự đoán tăng trưởng trong năm tới chỉ đạt ở mức hạn chế hoặc trung bình", bà Thanh nhận định.

Theo đó, 37% cho biết ý định duy trì quy mô nhân sự hiện tại, trong khi 35% có kế hoạch tăng cường đội ngũ nhân viên ở mức dưới 25%. Các lĩnh vực có xu hướng gia tăng quy mô nhân sự đáng chú ý phải kể đến công nghệ thông tin, bán lẻ - bán buôn - hàng tiêu dùng và giáo dục.

Ngược lại, 18% dự kiến giảm quy mô nhân sự, tăng 8% so với năm trước, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sản xuất và bất động sản. Điều này phản ánh thị trường tuyển dụng vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức trong năm nay.

Bức tranh tiền lương: Xu hướng tuyển dụng cũng thay đổi

Trong giai đoạn đầy biến động này, nhà tuyển dụng có xu hướng ưu tiên tìm kiếm những ứng viên có kỹ năng lãnh đạo và quản trị biến động, với 47% doanh nghiệp tham gia khảo sát lựa chọn yếu tố này. Kỹ năng về công nghệ và kỹ năng số cũng đứng đầu trong các tiêu chí tuyển dụng.

Từ góc độ của người lao động, tình hình thị trường khó lường đang tạo ra tâm lý thận trọng trong việc tìm kiếm cơ hội mới. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong vòng 12 tháng tới, 29% người được khảo sát không có ý định thay đổi công việc, trong khi 36% sẵn sàng cho cơ hội mới nhưng không chủ động tìm kiếm công việc.

tuyển dung

Số đông người lao động được khảo sát ưu tiên chọn cơ hội thăng tiến và phúc lợi thay vì tiền lương khi quyết định gắn bó với công ty. Ảnh: Hà Quân

Trái ngược với năm 2023, khi mà lương được đánh giá là yếu tố quan trọng nhất khi người lao động đổi chuyển công việc thì năm nay người lao động tham gia khảo sát lại ưu tiên chọn cơ hội thăng tiến, phát triển và chế độ phúc lợi làm yếu tố quan trọng hơn.

"Trước bối cảnh thị trường đầy biến động và nhiều sự cạnh tranh, doanh nghiệp đang thận trọng trong các quyết định tuyển dụng, trong khi nguồn ứng viên chất lượng lại khan hiếm với nhiều kỳ vọng cao về công việc, chúng tôi hiểu rằng đưa ra các quyết định liên quan đến chính sách nhân sự sẽ đối mặt với nhiều khó khăn", bà Thanh Lê - Tổng Giám đốc Adecco Việt Nam chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem