Lao động ở tuổi 40 mất việc có xu hướng tăng, cận Tết không biết đi đâu, làm gì...
Thùy Anh
Thứ bảy, ngày 13/01/2024 10:42 AM (GMT+7)
Công bố báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. HCM mới đây cho thấy tỷ lệ lao động trong độ tuổi 40 trở lên có xu hướng tăng lên qua các năm. Năm 2023 tăng gấp 1,6 lần thời điểm 2021.
Lao động mất việc cận Tết không biết đi đâu, làm gì
Chị Nguyễn Thị Lan (42 tuổi) quê Thanh Hóa cho biết, trước đây chị làm công nhân ở khu công nghiệp Hoằng Long (Thanh Hóa), nhưng làm được 5 năm công ty khó khăn quá, phá sản chị mất việc phải ra Hà Nội tìm việc.
Ở tuổi 42 không biết phải làm gì nên xin đi bán hàng ở cửa hàng làm bánh. Nhưng mới làm được một năm thì cửa hàng nói làm ăn thua lỗ phải tiết kiệm nhân công nên muốn thuê một người thợ vừa làm được bánh vừa bán hàng nên họ cho tôi nghỉ việc. Nghỉ việc thời điểm này đồng nghĩa với việc chị không có lương, cũng chẳng có thưởng Tết. Nhưng giờ cận Tết rồi cũng chẳng biết phải làm gì, nên chị dự định về quê nghỉ ngơi, ra Tết tìm việc làm mới.
Chị Dương Thị Huế (Thanh Hóa) sống ở quận Bình Tân, TP HCM, cho biết, trước đây chị từng có thời gian dài làm công nhân của một công ty giày da lớn nhất Sài Gòn. Thế nhưng, công ty làm ăn thua lỗ, cắt giảm dần lao động. Công ty cắt giảm lao động tới 2 lần, cứ ngỡ mình thoát được, ai ngờ đến lần 3 thì có tên chị.
"Giờ chị cũng không biết đi đâu về đâu, về quê thì không được bởi các con đang tuổi ăn tuổi học, bé đầu gần thi vào đại học nên có muốn chuyển về quê cũng khó. Trước mắt tôi cứ nhận gia công tạm quần áo, đợi ra Tết đi xin việc mới vậy", chị Huế nói.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng, nhiều nhất trong độ tuổi từ 40
Số liệu của Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho biết, năm 2023, cả nước có hơn 1,1 triệu người lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có hơn 1 triệu người có quyết định hưởng trợ cấp này.
Con số từ Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM cũng cho thấy trong năm 2023, số lao động nhận trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn tăng 10% so cùng kỳ. Họ bị mất việc do các doanh nghiệp cắt giảm lao động hoặc một số khác muốn chuyển đổi công việc.
Trong hơn 166.000 người thất nghiệp, lao động dưới 24 tuổi chiếm 8%, 62% thuộc nhóm 25-40 tuổi, tỉ lệ này ở lao động ngoài 40 tuổi là 29%. Tuy nhiên, khi so sánh qua các năm, tỉ lệ lao động trên 40 tuổi mất việc trong tổng số người đăng ký trợ cấp thất nghiệp đang tăng, năm 2023 gấp 1,6 lần thời điểm 2021.
Cụ thể, năm 2021, có hơn 29.000 lao động ngoài 40 tuổi mất việc, chiếm trên 26% tổng số người muốn nhận trợ cấp thất nghiệp. Tỉ lệ này năm 2022 là trên 27%, tương đương hơn 40.600 người.
Ngoài ra, thời gian qua, tại nhiều doanh nghiệp ghi nhận tình trạng lao động làm lâu năm, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dưới 20 năm cũng chủ động nghỉ để chờ nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Trong hơn 166.000 người muốn nhận trợ cấp thất nghiệp, lao động không có trình độ, bằng cấp chứng chỉ chiếm đến 51%, mức hưởng trợ cấp bình quân hơn 5,5 triệu đồng mỗi tháng.
Đại diện Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP HCM cũng cho biết thêm, hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất như dệt may, da giày bắt đầu có đơn hàng hoặc mở rộng xưởng có nhu cầu tuyển mới công nhân nới độ tuổi đến 45. Đây là tín hiệu tích cực của thị trường và cơ hội cho người thất nghiệp. Tuy nhiên, nhiều người chỉ muốn nhận trợ cấp, từ chối công việc khi được giới thiệu, điều này dẫn đến tình trạng lao động mất việc nhiều nhưng doanh nghiệp vẫn khó tuyển được người.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.