Kiến nghị dừng triển khai dự án BT từ năm 2020-2022

Quốc Hải Thứ năm, ngày 16/07/2020 15:35 PM (GMT+7)
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) kiến nghị việc dừng triển khai dự án BT (xây dựng - chuyển giao) nên giới hạn trong khoảng năm 2020-2022, để có đủ thời gian hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật điều chỉnh loại hình đầu tư này…
Bình luận 0

HoREA vừa gửi kiến nghị đến Ủy ban thường vụ Quốc Hội và Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ những vướng mắc của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP).

Kiến nghị chỉ dừng triển khai dự án BT trong khoảng năm 2020-2022 - Ảnh 1.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA (Ảnh: IT)

Theo HoREA, tại khoản 5 và khoản 6, điều 101 Luật PPP quy định dừng triển khai dự án mới áp dụng loại Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) kể từ ngày Luật PPP có hiệu lực (1/1/2021) và dừng thực hiện dự án BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư kể từ ngày 15/8/2020, là rất kịp thời và rất cần thiết, để có thời gian rà soát, xem xét chấn chỉnh lại hoạt động đầu tư theo hình thức Hợp đồng BT.

"Hiệp hội hoan nghênh khoản 5, điều 101 Luật PPP quy định xử lý chuyển tiếp các dự án BT phù hợp thực tiễn và có lý có tình. Nhất là, điểm c, khoản 5, điều 101 Luật PPP sẽ tháo gỡ được các ách tắc, vướng mắc trong 'việc triển khai thực hiện dự án, thanh toán theo quy định của hợp đồng BT đã ký kết', do hiện nay, một số NĐT dự án BT gặp khó khăn, vướng mắc, do chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của địa phương thanh toán khối lượng đã thực hiện, hoặc chưa được bàn giao quỹ đất để thực hiện dự án khác", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, chia sẻ.

Dù vậy, theo Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, Luật PPP hiện nay vẫn còn nhiều mặt hạn chế cần được tháo gỡ sớm.

Thứ nhất, Luật PPP quyết định dừng triển khai dự án mới áp dụng loại Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) kể từ ngày Luật PPP có hiệu lực (1/1/2021) và dừng thực hiện dự án BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư kể từ ngày 15/8/2020, nhưng không quy định rõ là "dừng tạm thời trong một thời gian", hay là "xóa sổ" phương thức xã hội hóa đầu tư dự án theo hình thức Hợp đồng BT (?!).

Thứ hai, Luật PPP không sửa đổi, bổ sung, cũng không bãi bỏ phương thức xã hội hóa đầu tư các dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT), được quy định tại khoản 3, điều 13, điều 44 và điều 117  - Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (là những điều, khoản về đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), nên theo suy đoán logic thì các điều, khoản này vẫn có hiệu lực, mà chỉ bị dừng triển khai, dừng thực hiện theo khoản 5, khoản 6 - điều 101 - Luật PPP.

Chưa kể, khoản 7- điều 99 - Luật PPP chỉ "Bãi bỏ điểm c khoản 4 và khoản 5 - điều 30, khoản 4, điều 51 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14". Đây là các quy định về "đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư" của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, nay đã được thống nhất quy định trong Luật PPP.

Thứ ba, HoREA nhận thấy, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư thông qua các dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) là rất cần thiết và đúng đắn. Tuy nhiên, những năm qua, do một số cơ chế chính sách, pháp luật chưa đầy đủ và chưa đồng bộ, kể cả khâu thực thi pháp luật đối với một số dự án BT, nên bên cạnh mặt tích cực, đã bộc lộ các bất cập, thậm chí đã có các "lỗ hổng", dẫn đến khả năng có thể làm thất thoát tài sản công (chủ yếu là tài sản đất đai, trụ sở làm việc), thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Kiến nghị chỉ dừng triển khai dự án BT trong khoảng năm 2020-2022 - Ảnh 2.

Có nhà đầu tư dự án BT đã chiếm hưởng nhiều lợi ích không chính đáng (Ảnh minh họa: IT)

"Có nhà đầu tư dự án BT có thể đã chiếm hưởng được nhiều lợi ích không chính đáng, ngay ở "đầu Xây dựng (đầu B-Building)" khi thực hiện công trình BT, và cả ở "đầu Chuyển giao (đầu T-Transfer)" khi được thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc để thực hiện "dự án khác", theo "đúng đề xuất" của nhà đầu tư dự án BT. Đồng thời, còn làm cho môi trường kinh doanh kém minh bạch và thiếu công bằng", ông Lê Hoàng Châu, lý giải.

Trước những vướng mắc này của Luật PPP, HoREA kiến nghị việc dừng triển khai dự án BT nên giới hạn trong khoảng năm 2020-2022, để có đủ thời gian hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật điều chỉnh loại hình đầu tư này. Đồng thời, HoREA cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát, xây dựng đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

"Trọng tâm thời gian tới là phải rà soát, xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định 63/2018/NĐ-CP, Nghị định 69/2019/NĐ-CP; Luật Đầu tư công; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Đấu thầu; Luật Đấu giá tài sản,… nhằm đảm bảo tính khả thi, bịt kín các lỗ hổng, đủ điều kiện để khởi động lại các dự án theo hình thức Hợp đồng BT hiệu quả hơn, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và lợi ích công cộng", ông Châu đề xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem