Chia sẻ với Dân Việt sáng 23/12, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, trong năm 2022 lượng kiều hối chuyển về thành phố ước đạt khoảng 6,8 tỷ USD, giảm khoảng 0,3 tỷ USD so với năm 2021.
Theo ông Lệnh, nếu xem đây là nguồn vốn cho phát triển kinh tế xã hội, thì kiều hối có đặc điểm khác với các nguồn vốn khác. Đó là không phải hoàn trả; không phải trả chi phí sử dụng vốn, chi phí lãi vay. Đồng thời, đây là nguồn thu bằng ngoại tệ, vì vậy giá trị mang lại từ nguồn kiều hối là rất lớn.
"Kiều hối là "nguồn lực vàng" cần được tiếp tục khuyến khích, thu hút và phát huy hiệu quả từ nguồn lực này", ông Lệnh nói.
Cũng theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, trong bối cảnh kinh tế của một số quốc gia và khu vực trên thế giới gặp nhiều khó khăn do lạm phát, do đồng tiền mất giá, suy giảm kinh tế,... thì việc kiều hối chuyển về trong năm 2022 đạt mức này vẫn tiếp tục có ý nghĩa và vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội đất nước nói chung và thành phố nói riêng.
"Theo số liệu dự ước, kiều hối chuyển về TP.HCM năm 2022 giảm so với năm 2021, song trong điều kiện thu nhập của người dân, của kiều bào cũng như của người lao động ở nước ngoài bị giảm sút thì lượng kiều hối trên vẫn là nguồn lực quan trọng, nguồn lực vàng đối với phát triển kinh tế xã hội thành phố...", ông Nguyễn Đức Lệnh, nói.
Đặc biệt, nếu so với nguồn thu ngân sách thành phố (dự ước năm 2022 đạt trên 434 nghìn tỷ đồng), nguồn kiều hối chuyển về trong năm 6,8 tỷ USD là nguồn thu không nhỏ, mang lại hiệu ứng tích cực.
"Nếu so với quy mô tiền gửi bằng ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng (TCTD) hiện nay trên địa bàn thì nguồn kiều hối chuyển về trong năm 2022 chiếm 48%. Đây cũng là con số ý nghĩa và là nguồn vốn không nhỏ", ông Lệnh nói thêm.
Hơn nữa, nguồn kiều hối chuyển về trong năm 2022 là nguồn thu ngoại tệ, do vậy góp phần trong việc bảo đảm cung - cầu ngoại tệ, góp phần quan trọng trong việc phát huy hiệu quả chính sách tiền tệ, tỷ giá và lãi suất của Ngân hàng Trung ương, trong bối cảnh áp lực tăng tỷ giá; tăng lãi suất là không nhỏ, khi áp lực lạm phát gia tăng và các đồng tiền tại một số quốc gia trên thế giới có xu hướng mất giá mạnh trong năm 2022.
"Việc sử dụng hiệu quả nguồn lực này, cũng như tiếp tục thực hiện tốt cơ chế chính sách và chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với kiều bào, đối với chính sách ngoại hối, hoạt động chi trả ngoại tệ, đặc biệt tiếp tục xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư... sẽ là động lực để nguồn kiều hối tiếp tục tăng trưởng qua từng năm", ông Lệnh chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.