chiến sự Nga - Ukraine: Kinh tế Nga tụt lùi 30 năm vì đòn trừng phạt của Phương Tây
Kinh tế Nga có thể bị tụt lùi ít nhất 30 năm do đòn trừng phạt từ Mỹ và phương Tây
Lan Hương (The Guardian, CNBC)
Thứ tư, ngày 16/03/2022 06:30 AM (GMT+7)
Chiến sự Nga - Ukraine sẽ khiến nền kinh tế Nga tụt lùi ít nhất 30 năm và hạ thấp mức sống của người dân nước này trong ít nhất 5 năm tới, theo nhận định của các nhà kinh tế.
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng thế giới, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga vào năm 2020 là 1.483,50 tỷ USD. Theo đó tốc độ tăng trường GDP của Nga là -2.95% trong năm 2020, giảm 4.98 điểm so với mức tăng 2.03% của năm 2019. GDP Nga năm 2021 dự kiến sẽ còn 1.305,48 tỷ USD nếu nền kinh tế Nga vẫn giữ nguyên nhịp độ tăng trưởng GDP như năm vừa rồi.
GDP bình quân đầu người (GDP/người) của Nga là 10.127 USD/người vào năm 2020. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Nga đạt -2.77% trong năm 2020, giảm -1.371 USD/người so với con số 11.498 USD/người của năm 2019. GDP bình quân đầu người của Nga năm 2021 dự kiến sẽ đạt 8.919 USD/người.
Nền kinh tế Nga phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu các mặt hàng với nguồn thu từ bán dầu thô. Các sản phẩm dầu mỏ và khí đốt tự nhiên chiếm khoảng một nửa ngân sách liên bang của Nga. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Nga là: nhiên liệu và các sản phẩm năng lượng (63% tổng lượng xuất khẩu, trong đó dầu thô và khí đốt tự nhiên lần lượt chiếm 26% và 12%); kim loại (10%); máy móc và thiết bị (7,4%); sản phẩm hóa chất (7,4%) và thực phẩm và nông sản (5%). Các đối tác xuất khẩu chính là: Trung Quốc (12%), Đức (9%), Hà Lan (8,4%), Ý (5,8%), Belarus (4,7%), Thổ Nhĩ Kỳ (4,4%) và Nhật Bản (4,1%).
Tổng giá trị xuất khẩu của Nga năm 2021 là 400 tỷ USD, với giá trị trung bình mỗi tháng là 32 tỷ USD. Xuất khẩu từ Nga đã tăng 72% so với một năm trước đó lên 45,93 tỷ USD vào tháng 1 năm 2022, trước khi diễn ra chiến sự Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Vào tháng 3, Nga đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đối với hơn 200 sản phẩm bao gồm thiết bị viễn thông, y tế, xe cộ, nông nghiệp và điện, cho đến cuối năm 2022 để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây vì xâm lược Ukraine. Từ tháng 3, do chiến sự Nga - Ukraine và cấm vận, xuất khẩu Nga dự báo giảm xuống chỉ còn hơn 20 tỷ USD/tháng trong năm nay.
Kim ngạch xuất nhập khẩu của Nga năm 2021 là 785 tỷ USD, tăng 38% so với 2020.
Hiện tại, Nga đang dự trữ 2300 tấn vàng. Từ dữ liệu của Hội đồng vàng cho thấy, dự trữ vàng của Nga tăng vọt trong 10 năm trở lại, kể từ 2012. Theo đó, từ 2012 đến 2021, dự trữ vàng của Nga tăng tới 250% tức 2,5 lần. Tính trong 2 năm trở lại đây, dự trữ vàng của Nga tăng hơn chậm hơn trước đó nhưng vẫn ở mức cao là +5%/năm.
Kể từ năm 2014, Nga lọt top 5 nước dự trữ vàng lớn nhất thế giới và đứng vững ở vị trí này cho đến nay. Trước đó vào năm 2012, Nga chỉ đứng thứ 7 thế giới về dự trữ vàng.
Năm 2021, ngoài dự trữ vàng, dự trữ ngoại hối của Nga cũng nằm trong top 5 quốc gia có lớn nhất thế giới. Theo đó, dự trữ ngoại hối của Nga là 639,6 tỷ USD, tăng 6% so với năm ngoái, đứng thứ 4 toàn cầu.
Kinh tế Nga sẽ ra sao sau chiến sự Nga - Ukraine
Các biện pháp trừng phạt sâu rộng của phương Tây được đưa ra nhằm gây ra những thiệt hại lớn nhất cho nền kinh tế Nga. Cách mạnh nhất là trục xuất Nga khỏi thị trường toàn cầu và đóng băng tài sản trên khắp thế giới.
Kể từ thời điểm có hiệu lực cách đây 3 tuần, các lệnh trừng phạt đã mở ra một chương mới trong lịch sử kinh tế Nga.
Hệ thống tài chính và tiền tệ của Nga đang sụp đổ trên nhiều mặt, buộc Điện Kremlin phải đóng cửa thị trường chứng khoán và nâng đỡ đồng rúp bên trong biên giới của mình.
Những cải cách quan trọng về kinh tế và xã hội bắt nguồn từ những năm 1980 đã mang lại cho Liên Xô hương vị đầu tiên của họ đối với các sản phẩm của Mỹ. Nhưng, sự hội nhập nền kinh tế vào châu Âu đã kết thúc trong vài tuần qua, khi các công ty lần lượt rời khỏi thị trường Nga, trong khi Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu cắt đứt thương mại và du lịch với Nga.
Trong đó đặc biệt là hai lệnh trừng phạt nặng đã gây ra sự tàn phá đáng kể. Đầu tiên, đó là trục xuất các ngân hàng lớn nhất của Nga khỏi mạng lưới thanh toán toàn cầu được gọi là SWIFT. Điều khiến Nga rất khó xử lý các giao dịch ở nước ngoài.
Thứ hai, đó là đóng băng hàng trăm tỷ euro dự trữ của ngân hàng trung ương Nga. Nếu không có quỹ dự trữ để tăng giá đồng rúp, Điện Kremlin khó có thể ngăn chặn giá trị đồng rúp bị sụp đổ.
Trong khi đó, Mỹ và Anh cũng đang ngừng nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, Mỹ đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với thiết bị công nghệ cao và hàng xa xỉ, và danh sách ngày càng nhiều các quốc gia cấm tàu Nga ra khỏi cảng của họ.
Từ tháng 3, do chiến sự và cấm vận, giá trị xuất khẩu Nga dự báo giảm đến 50%, xuống chỉ còn hơn 20 tỷ USD/ tháng trong năm nay.
Với mong muốn duy trì giá trị của đồng rúp trong nước, vào ngày 8 tháng 3, Điện Kremlin đã ban hành một lệnh cấm đổi đồng rúp lấy các đồng tiền ngoại tệ như đô la Mỹ hoặc euro..
Những chính sách như thế đã xóa bỏ tín nhiệm tín dụng của Nga được xây dựng trong nhiều thập kỷ.
Cuộc xâm lược Ukraine đã đặt Nga trên bờ vực phá sản. Lãi suất đã tăng gấp đôi, thị trường chứng khoán đóng cửa và đồng rúp giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay.
Các chuyên gia về chính sách đối ngoại cũng tin rằng Nga sẽ vỡ nợ chính phủ khi hơn 100 triệu USD tiền thanh toán trái phiếu đến hạn vào thứ Tư.
Nếu các biện pháp trừng phạt được duy trì, Nga sẽ bị cắt khỏi các đối tác thương mại chính, chỉ trừ Trung Quốc và Belarus. Các cơ quan xếp hạng hiện dự đoán Nga sẽ sớm không thể trả nợ cho các chủ nợ của mình, một lần nữa với những tác động to lớn về lâu dài đối với nền kinh tế. Tín nhiệm giảm sút sẽ khiến nước này khó thu hút các khoản đầu tư nước ngoài mà không có sự đảm bảo lớn. Có khả năng khiến Nga hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc.
Các ước tính cho thấy nền kinh tế Nga có thể giảm -7% trong năm tới, thay vì mức tăng trưởng 2% đã được dự báo trước cuộc xâm lược. Thậm chí theo một số dự đoán, mức giảm có thể lên tới -15%.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.