Kinh tế nóng nhất: Đại gia Trương Thị Kim Soan bị bắt, "điềm báo”?

Nguyễn Minh Thứ năm, ngày 02/09/2021 09:53 AM (GMT+7)
Nữ đại gia khoáng sản Trương Thị Kim Soan là 1 trong những người được nhắc đến trong hồ sơ Panama (hồ sơ của những người được cho là trốn thuế, có nhiều tài sản bất minh). Trước khi bị bắt, đại gia Trương Thị Soan khá nổi tiếng với nhiều giao dịch bất động sản "tai tiếng" và từng bị nhắc trong hồ sơ Panama.
Bình luận 0

Đại gia Trương Thị Kim Soan bị bắt: “Điềm báo” từ hồ sơ panama? 

Kinh tế nóng nhất: Đại gia Trương Thị Kim Soan bị bắt, "điềm báo”? - Ảnh 1.

Bà Trương Thị Kim Soan, nữ đại gia bất động sản, người từng có tên trong vụ rò rỉ hồ sơ Panama, đồng thời nguyên là giám đốc doanh nghiệp khai thác khoáng sản Công ty TNHH Vàng Titan Việt Nam, vừa bị bắt. Ảnh Bộ Công an

Năm 2016, nữ đại gia Trương Thị Kim Soan còn được nhắc đến nhiều khi là 1 trong 189 cá nhân, tổ chức ở Việt Nam có tên trong "hồ sơ Panama" gây chấn động toàn thế giới.

Theo đó, ngày 3/4/2016, Hiệp hội nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã tiết lộ khoảng 11,5 triệu tài liệu của công ty luật Mossack Fonseca trong vòng 40 năm từ 1977 đến 12/2015, hé lộ mạng lưới công ty hải ngoại (công ty offshore, còn được biết đến là công ty vỏ bọc, công ty ma) khổng lồ trên thế giới.
Các công ty vỏ này được cho là những người giàu có và quyền lực sử dụng để che giấu tài sản, thậm chí là trốn thuế, lừa đảo tài chính, buôn bán vũ khí, buôn lậu ma túy.
Đây được coi là một trong những vụ tiết lộ thông tin lớn nhất trong lịch sử dư luận thế giới, có tên gọi "hồ sơ Panama".
Hồ sơ này tiết lộ tài sản ở nước ngoài của khoảng 140 chính trị gia và quan chức trên toàn thế giới. Ngoài ra còn có 29 tỷ phú trong danh sách 500 người giàu có nhất thế giới theo bình chọn của tạp chí Forbes (Mỹ).
Kinh tế nóng nhất: Đại gia Trương Thị Kim Soan bị bắt, "điềm báo”? - Ảnh 2.

Một số "tên tuổi" đáng chú ý trong hồ sơ Panama. Ảnh ICIJ.

Tài liệu này cũng công khai danh tính 189 cá nhân, tổ chức liên quan đến Việt Nam theo những cách khác nhau, và liên quan đến các công ty vỏ bọc. Ngoài ra, tài liệu cũng công khai tên 23 cá nhân và tổ chức trung gian, 185 địa chỉ tại Việt Nam, phần lớn phân bố ở Hà Nội và TP.HCM. Trong đó có bà Trương Thị Kim Soan và nhiều nhân vật đình đám ở Việt Nam.
Ngay sau khi hồ sơ Panama được công bố, nhiều cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam qua báo chí đã lên tiếng khẳng định các giao dịch đầu tư ra nước ngoài, mở pháp nhân tại nước ngoài theo Hồ sơ Panama cung cấp là hợp pháp.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc xác định các cá nhân hay tổ chức này là vô tội hay vi phạm cần phải phối hợp làm rõ, dù quy định về chuyển tiền và đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam khá chặt.
Thời điểm đó, Tổng cục Thuế đã thành lập tổ công tác liên quan đến hồ sơ Panama, trong khi các cơ quan chức năng khác cũng cho biết đã vào cuộc để tìm hiểu. Cơ quan này sẽ đối chiếu dữ liệu để kiểm tra nghĩa vụ thuế của những cá nhân, tổ chức Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama do ICIJ cung cấp. 

Như tin đã đưa, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Trương Thị Kim Soan (47 tuổi, trú tại quận Phú Nhuận, TP.HCM) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015. Các quyết định nêu trên đã được Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 3) phê chuẩn.

Theo điều tra ban đầu, bị can Trương Thị Kim Soan làm nghề môi giới đầu tư khai thác khoáng sản. Bà Soan còn là cựu giám đốc, đại diện theo pháp luật Công ty TNHH Vàng Titan Việt Nam, Công ty TNHH Khoáng sản Thiên Ân, Công ty TNHH Đầu tư khoáng sản Thiên Bình và một số công ty khác Cơ quan cảnh sát điều tra xác định, bị can Trương Thị Kim Soan đã lừa đảo, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 11,2 triệu USD (tương đương hơn 234,2 tỉ đồng) của ông John Koon (quốc tịch Úc) và các công ty do ông John Koon làm đại diện được ủy quyền.

Ông Phạm Đức Thắng sẽ thôi giữ chức Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam 

Kinh tế nóng nhất: Đại gia Trương Thị Kim Soan bị bắt, "điềm báo”? - Ảnh 4.

Ông Phạm Đức Thắng sẽ thôi giữ chức Tổng giám đốc từ 1/11/2021. Ảnh Đầu tư chứng khoán

Kinh tế nóng nhất: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã chứng khoán PLX - sàn HOSE) thay đổi lãnh đạo. Theo đó, Petrolimex vừa ra quyết định về việc nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí đối với ông Phạm Đức Thắng, Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc từ ngày 1/11/2021.

Như vậy, ông Thắng sẽ chính thức thôi giữ chức Tổng giám đốc của Petrolimex từ đầu tháng 11/2021. Được biết, ông Thắng sinh năm 1961, trình độ Thạc sỹ Kinh tế, Kỹ sư Kinh tế Vận tải biển. Ông Thắng được bổ nhiệm chức Tổng giám đốc từ 1/11/2017 tới nay.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý II/2021, PLX ghi nhận doanh thu đạt 46.588,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.513,7 tỷ đồng, lần lượt tăng 74,4% và 35,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận giảm từ 10,2% về chỉ còn 8,9%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 84.835,8 tỷ đồng, tăng 30,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 2.249,9 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 692,5 tỷ đồng.

Trong năm 2021, doanh nghiệp dự kiến doanh thu là 135.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 3.360 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 9,1% và 140,2% so với thực hiện trong năm 2020. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 2.741,3 tỷ đồng, PLX đã hoàn thành được 81,6% kế hoạch lợi nhuận năm. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/9, cổ phiếu PLX tăng 1.100 đồng lên 50.800 đồng/cổ phiếu.

HOSE tiếp tục đưa cổ phiếu Đầu tư Sao Thái Dương (SJF) vào diện cảnh báo 

Kinh tế nóng nhất: Đại gia Trương Thị Kim Soan bị bắt, "điềm báo”? - Ảnh 5.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) tiếp tục duy trì cảnh báo đối với cổ phiếu của CTCP Đầu tư Sao Thái Dương (Mã chứng khoán SJF - sàn HOSE). Ảnh Đầu tư chứng khoán

Kinh tế nóng nhất: Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) tiếp tục duy trì cảnh báo đối với cổ phiếu của CTCP Đầu tư Sao Thái Dương (Mã chứng khoán SJF - sàn HOSE). Theo HOSE, ngày 30/8/2021, Sở đã nhận được BCTC bán niên đã soát xét của SJF. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 06 tháng đầu năm 2021 trên BCTC hợp nhất của SJF là -7,65 tỷ đồng.

Như vậy, Công ty chưa khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo, HOSE tiếp tục duy trì diện cảnh báo đối với cổ phiếu SJF và sẽ xem xét hướng xử lý tiếp theo đối với cổ phiếu SJF sau khi có báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 của Công ty.

Trước đó, ngày 20/4/2021, HOSE ban hành quyết định số 227/QĐ-SGDHCM về việc đưa cổ phiếu SJF vào diện cảnh báo.

Được biết, năm 2021, SJF đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu là 350 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 5 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm với việc ghi nhận lỗ, công ty đang cách rất xa kế hoạch lợi nhuận năm. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/9, cổ phiếu SJF tăng 170 đồng lên 4.670 đồng/cổ phiếu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem