Kỳ lạ, giếng cổ hình bàn chân khổng lồ ở Hà Nội: Cả làng thay nhau tát nước từ sáng đến đêm mới cạn

Nhật Minh Thứ bảy, ngày 16/04/2022 13:02 PM (GMT+7)
Nguồn nước từ giếng cổ hình "bàn chân khổng lồ" ở Tốt Động (Chương Mỹ, Hà Nội) luôn trong vắt, đầy ắp. Những năm hạn hán, giếng nước ở khắp các làng đều trơ đáy, nhưng giếng cổ hình "bàn chân khổng lồ" vẫn không hề cạn, nguồn nước trong mát đến kì lạ.
Bình luận 0

Cách trung tâm Hà Nội khoảng hơn 20 km, xóm Mát thôn Yên Duyệt xã Tốt Động (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) được nhiều người dân trong vùng biết đến là địa phương có "báu vật" lộ thiên đó là 2 giếng cổ. Một trong 2 giếng cổ này có hình bàn chân nếu quan sát từ trên cao. Giếng cổ hình bàn chân khổng lồ nhiều năm qua thu hút sự chú ý của nhiều vị khách phương xa.

Người dân địa phương vẫn hay truyền tai nhau những câu chuyện kỳ bí về sự tích hình thành nên giếng cổ hình bàn chân khổng lồ đặc biệt này. 

Theo đó, nơi đây xưa kia đất đai cằn cỗi, người dân thường phải hứng chịu hạn hán, mất mùa. Những lúc như vậy, người dân không biết làm gì khác ngoài việc ngước lên trời cầu mong mưa thuận, gió hòa, có đủ nước để duy trì cuộc sống.

Kỳ lạ, giếng cổ hình "bàn chân khổng lồ": "Cả làng thay nhau tát nước từ sáng đến đêm mới cạn"   - Ảnh 1.

Nhìn từ trên cao có thể thấy giếng cổ xóm Mát thôn Yên Duyệt xã Tốt Động (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) có hình bàn chân (Ảnh: Tư liệu).

Không ai ngờ rằng những lời thỉnh cầu đó đã lay động đến một vị Thánh ở trên trời. Vị Thánh này đã hạ phàm xuống làng và bước chân của Ngài đã để lại một hố lớn đầy ắp nước. Dân làng vui sướng hò reo và cho rằng giếng ấy được tạo thành chính từ bàn chân của Thánh.

Sự tích hình thành nên giếng cổ hình bàn chân khổng lồ này chỉ là truyền miệng. Tuy nhiên, ngay cả các cụ cao niên trong làng từ khi sinh ra cũng đã gọi giếng cổ này với cái tên kỳ lạ "giếng bàn chân".

Kỳ lạ, giếng cổ hình "bàn chân khổng lồ": "Cả làng thay nhau tát nước từ sáng đến đêm mới cạn"   - Ảnh 2.

Trong bất cứ thời điểm nào, giếng cổ hình bàn chân khổng lồ vẫn luôn đầy ắp nước (Ảnh: Tư liệu).

Theo người dân địa phương đây là giếng đá ong, có độ sâu khoảng 6 - 7m. Lòng giếng có đường kính chỗ lớn nhất lên tới 2,5m, chiều dài khoảng 4m, được ghép từ những viên đá ong tự nhiên có kích thước 20 – 30 cm xếp chồng lên nhau từ đáy giếng lên đến thành.

Giếng cổ án ngữ ngay đầu làng, nằm cạnh con đường hàng ngày người dân địa phương vẫn ra đồng canh tác, sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh giếng có một cây si cổ thụ tỏa bóng mát trên một khoảng không rộng lớn. Đây vẫn là nơi nghỉ chân cuả người dân trong làng mỗi khi đi làm đồng về, là nơi vui chơi hóng mát của người già, trẻ nhỏ những ngày hè oi ả.

Cả trăm năm qua, nguồn nước từ "giếng bàn chân" luôn trong vắt, đầy ắp. Có những năm hạn hán, giếng nước ở khắp các làng đều trơ đáy, nhưng "giếng bàn chân" khổng lồ ấy vẫn không hề cạn, nước trong vắt, mát lành đến kỳ lạ.

Kỳ lạ, giếng cổ hình "bàn chân khổng lồ": "Cả làng thay nhau tát nước từ sáng đến đêm mới cạn"   - Ảnh 3.

Thời gian gần đây giếng cổ được cải tạo, kè đá ong xung quanh thành giếng. Người dân trong làng thả thêm cá vàng (Ảnh: Tư liệu).

Theo tiết lộ của người dân trong làng, lý do giếng nước quanh năm đầy ắp và trong mát là dưới đáy có một mạch nước ngầm rất lớn lúc nào cũng tuôn trào. Kỳ lạ rằng, dù giếng nước chưa bao giờ cạn nhưng nước cũng chỉ dâng lên đến thành giếng thì mạch nước sẽ ngưng chảy, nước giếng không bao giờ tràn ra ngoài.

Bà Trịnh Thị Hải (xóm Mát xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết: "Hơn 70 tuổi đời của tôi gắn liền với cái giếng này, từ nhỏ đã phải ra giếng gánh nước về dùng. 

Ngày xưa gánh bằng thúng quét sơn đen chứ không phải thùng tôn như bây giờ. Nước ở giếng này ăn thì miễn chê, nhất là nấu nước chè xanh thì ngon miễn chê".

Ngày trước giếng chưa được lát gạch phía trên mặt, xung quang vẫn là đá ong tự nhiên. Để bảo vệ cảnh quan, người dân đã lát gạch, kè đá ong xung quanh miệng giếng như hiện nay.

"Giếng tuy sâu vậy nhưng mỗi năm chúng tôi đều tát cạn để vệ sinh một lần, bây giờ có máy bơm chỉ cần hai máy bơm vài tiếng là cạn. Ngày trước mỗi lần tát giếng phải huy động cả dân làng, tát nước bằng khau dây, có 2 khau mỗi bên 6 người thay nhau tát nước từ sáng đến tối khuya mới cạn", bà Hải nhớ lại.

Kỳ lạ, giếng cổ hình "bàn chân khổng lồ": "Cả làng thay nhau tát nước từ sáng đến đêm mới cạn"   - Ảnh 4.

Tại xóm Tròn giờ vẫn còn tồn tại một chiếc giếng với hình thù khá đặc biệt nhưng một phần miệng giếng đã được bê tông hóa để làm đường dân sinh (Ảnh: Tư liệu).

Tại xã Tốt Động không chỉ có một chiếc giếng cổ có hình "bàn chân khổng lồ" mà cách đó không xa, tại xóm Tròn giờ vẫn còn tồn tại một chiếc giếng với hình thù khá đặc biệt. Tuy miệng giếng tròn nhưng lòng giếng lại có hình bàn chân. Lòng giếng được xếp bằng đá ong tự nhiên, nước giếng trong vắt nên có thể nhìn thấy tận đáy giếng.

Năm 2004 để mở rộng đường làng, người dân đã đổ một tấm bê tông lớn phủ lên một phần của miệng giếng, phần đáy giếng vẫn được giữ nguyên.

Kỳ lạ, giếng cổ hình "bàn chân khổng lồ": "Cả làng thay nhau tát nước từ sáng đến đêm mới cạn"   - Ảnh 5.

Thời điểm hiện tại, xung quanh giếng cổ hình "bàn chân khổng lồ" đang có nhiều công trình xây dựng, cây cối vào mùa thay lá nên người dân địa phương phải dùng lưới che miệng giếng để đảm bảo vệ sinh môi trường. Ảnh PV

Giá trị tinh thần và vật chất của của giếng làng mang lại có ý nghĩa to lớn cho sự phát triển của cộng đồng dân cư làng xã. Tuy nhiên, những giá trị đó đang dần mất đi do sự chuyển biến mạnh mẽ của cuộc sống hiện đại, nhiều giếng làng đang dần biến mất.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem