Kỷ lục: Việt Nam chi 2,44 tỷ USD mua lượng khổng lồ khô đậu tương về làm gì?
Kỷ lục: Việt Nam chi 2,44 tỷ USD mua lượng khổng lồ khô đậu tương về làm gì?
Thiên Ngân
Thứ hai, ngày 19/12/2022 05:47 AM (GMT+7)
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu về Việt Nam trong 11 tháng qua đạt 5,14 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ. Trong số 27 chủng loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu về Việt Nam, cao kỷ lục là mặt hàng khô đậu tương, chiếm tới 2,44 tỷ USD.
Khô đậu tương là gì mà các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi phải tiêu tốn nhiều tỷ USD như vậy?
Theo tìm hiểu của PV, khô đậu tương là sản phẩm quan trọng trong ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi để bổ sung đạm, bởi nó chứa đến 50% protein.
Quê hương của đậu tương là Đông Nam Châu Á nhưng châu Mỹ mới là nơi chủ yếu sản xuất đậu tương vì có các cánh đồng rộng lớn, như Hoa Kì (chiếm khoảng 34% sản lượng toàn cầu); Brazil (chiếm khoảng 33%), Argentina (khoảng 15% sản lượng). Ở châu Á, 2 nước sản xuất nhiều đậu tương nhất là Trung Quốc và Ấn Độ.
Tại Việt Nam, đậu tương cũng được trồng ở nhiều nơi nhưng diện tích manh mún, năng suất thấp, giá thành cao, thậm chí không đủ cho sản xuất đậu phụ. Số liệu thống kê cho thấy, diện tích trồng bắp trên cả nước đã giảm còn dưới 900.000 ha, còn đậu tương diện tích ngày càng thu hẹp. Đậu tương của Mỹ 1 cây có tới 132 quả, nhưng của Việt Nam chỉ được chưa đến 70 quả.
Vì vậy hàng năm các doanh nghiệp Việt Nam đều phải chi hàng tỷ USD để nhập về một lượng khổng lồ khô đậu tương và đậu tương để phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng vừa qua, khối lượng đậu tương nhập về Việt Nam đạt 1,7 triệu tấn, tiêu tốn 1,18 tỷ USD. Còn khô đậu tương thì lên tới 4,33 triệu tấn, giá trị kim ngạch 2,44 tỷ USD, giảm 7,1% về lượng nhưng tăng 4,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 47% về lượng và 49% về trị giá trong tổng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam.
Nguồn cung cấp chính khô đậu tương là Nam Mỹ và Mỹ. Giá nhập khẩu trung bình khô đậu tương trong tháng 10/2022 ở mức 587 USD/tấn, giảm 1,4% so với tháng trước nhưng tăng 25,2% so với tháng 10/2021.
Trong hạt đậu tương có đến 38-45% là protein, lipid chiếm khoảng 15%-20%, gluxit và rất nhiều loại muối khoáng. Vì thế đậu tương được coi là cây thực phẩm chất lượng. 85% đậu tương trên thế giới được chế biến thành dầu đậu tương (soybean oil) hoặc khô đậu tương (soybean meal).
Khô đậu tương có chứa đến 50% lượng protein, vì vậy khô đậu tương được sử dụng làm nguyên liệu bổ sung protein cho vật nuôi. Khô đậu tương thường có dạng mảnh, dạng bột hoặc dạng hạt. Ước tính 97% khô đậu tương được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Mỹ là siêu cường quốc xuất khẩu khô đậu tương toàn cầu. Trong khi đó, Việt Nam, Đức, Bỉ, Bồ Đào Nha và Myanmar là các quốc gia có sản lượng nhập khẩu khô đậu tương cao nhất thế giới.
Cụ thể, Việt Nam là nước nhập khẩu khô đậu tương lớn thứ 3 thế giới (sau EU và Indonesia), dự kiến đạt 5,3 triệu tấn trong năm 2022, tăng 0,1 triệu tấn so với niên vụ trước.
Ngoài việc phải nhập một lượng lớn đậu tương và khô đậu tương, các doanh nghiệp Việt Nam còn phải chi rất nhiều tiền để nhập khẩu ngô, cám gạo, khô dầu, bột cá, bột thịt xương... Trong đó, lượng ngô nhập khẩu trong tháng 11/2022 đạt 880.000 tấn với giá trị 293,2 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu ngô 11 tháng năm 2022 đạt 8,42 triệu tấn và 2,95 tỷ USD.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.