Kỷ niệm về chuyến đi cuối cùng với nhà văn Bùi Ngọc Tấn

Vũ Thị Hải Thứ năm, ngày 18/12/2014 17:17 PM (GMT+7)
Sau câu nói của tôi, ông bắt tay tôi rất chặt: "Đúng. Anh sẽ lập di chúc. Hôm nay nói chuyện này xong anh như người đã trút được gánh nặng". Tưởng rằng câu chuyện chỉ là nói để đấy. Không ngờ, 10 ngày sau, chúng tôi nhận tin ông vừa đi khám bệnh, phát hiện có khối u ở phổi...
Bình luận 0

Một buổi chiều giữa tháng 5.2014. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn gọi điện: "Hải có rảnh không, anh chị muốn đi Đồ Sơn, thời tiết hôm nay nóng bức, ngột ngạt quá". "Vâng, em qua ngay". Tôi quay xe qua đón hai vợ chồng nhà văn ngay đầu ngõ số 10 Điện Biên Phủ. Vừa ngồi vào xe, ông đã "mặc cả": hôm nay để anh chi đấy nhé. Anh có tiền nhuận bút tái bản 3 tập sách đây rồi.

Tôi ngoan ngoãn vâng dạ để ông yên lòng. Trên đường đi tôi tranh thủ gọi điện cho nhà thơ Vũ Thị Huyền: "Mụ chuẩn bị đi, 10 phút nữa tôi qua đón. Hôm nay bọn mình được anh chị Tấn chiêu đãi. Vui lắm đấy".

img

Vợ chồng nhà văn Bùi Ngọc Tấn

Đón Huyền lên xe xong, chúng tôi vọt ra Đồ Sơn. Thấy vẫn còn sớm, Đồ Sơn vẫn nắng rực rỡ, tôi cho xe chạy vào tận khu 3, dừng trước cửa khách sạn Vạn Hoa, nơi có thể nhìn sang đảo Dấu với khoảng cách gần nhất. Tất cả xuống xe chụp ảnh. Ảnh rất đẹp vì có ánh nắng chiều tỏa sáng. Trên đường quay ra khu 2, tôi cho xe men theo đường núi, kéo cửa kính để gió biển ùa vào trong xe. Tiếng nhà văn không ngớt xuýt xoa, hít thở luồng gió mát.

Đến nhà hàng quen thuộc, chúng tôi chọn chiếc bàn được kê sát bờ biển, hưởng thụ những cơn gió thổi mạnh từ ngoài khơi. Tôi và Vũ Thị Huyền vô tư cười, nói, trò chuyện cùng vợ chồng ông như nhiều lần đã từng như vậy. Câu chuyện đưa đẩy thế nào tự dưng lại quay sang chủ đề lập di chúc khi còn sống. Tôi có lẽ đã mắc căn bệnh nghề nghiệp rất nặng khi "khuyên" ông một cách rất thành thật: "Anh nên lập di chúc đi. Việc đấy cần phải làm thì làm luôn. Anh có nhiều tài sản vô giá, nhất là liên quan tới việc tái bản các tác phẩm. Nếu anh không làm, sau này xảy ra chuyện, khổ con khổ cháu, thiệt nhất là những đứa ngoan hiền.

Em làm nghề này em biết, nhiều vụ kiện tụng nhau, mất cả tình anh em chú cháu. Em nghĩ cứ lập di chúc trước là văn minh... ". Sau câu nói của tôi, ông bắt tay tôi rất chặt: "Đúng. Anh sẽ lập di chúc. Hôm nay nói chuyện này xong anh như người đã trút được gánh nặng". Tưởng rằng câu chuyện chỉ là nói để đấy. Không ngờ, 10 ngày sau, chúng tôi nhận tin ông vừa đi khám bệnh, phát hiện có khối u ở phổi. Sau này, trong một lần đến thăm ông, trên giường bệnh, ông nói, "Hôm đi Đồ Sơn, anh đã có cảm giác không bình thường".

Hóa ra, cái không bình thường ấy bắt nguồn từ việc năm nay ông "bỗng dưng gặp may" khi cùng lúc  Nhà xuất bản Trẻ tái bản ba tập Biển và Chim bói ca, Viết về bè bạn, Người chăn kiến. Mừng xong, ông lại phấp phỏng lo với suy nghĩ "Sao lại có thể may mắn đến thế. Bỗng nhiên được thế này hẳn phải là điềm gì xấu lắm đây". Nhiều ngày trời, ông đã tự nhát mình với suy nghĩ lo âu, cho đến ngày cảm giác về một cái gì đó rất xấu đang đến khiến ông như ngộp thở và ông đã gọi cho tôi buổi chiều hôm đó.

Chiều 6.12, khi hai đứa em gái là tôi và nhà thơ Vũ Thị Huyền đến thăm, ngay khi mở cửa, người con dâu cả của ông cho biết, hôm nay ông đã yếu lắm, nguy kịch lắm. Ông gần như mê sảng, chỉ nói những câu nói vu vơ về một chốn nào đó từ rất xa xưa trong ký ức. Chúng tôi vội bước lên cầu thang, bước vào gian phòng ông vẫn nằm dưỡng bệnh. Chợt nhìn thấy tôi và Huyền, ông như nhận ra.

img
Vợ chồng nhà văn Bùi Ngọc Tấn (ngồi), nhà thơ Vũ Thị Huyền
đứng (trái) và tác giả bài viết.

Chúng tôi thấy mừng. Ông vẫn tỉnh táo. Nhưng chỉ vài giây sau, ông đã nói với chúng tôi như những người nào đó trong ký ức của ông. Tinh thần của ông đã phiêu dạt tận đẩu tận đâu. Và ông nhoẻn miệng cười. Cười rất tươi. Khuôn mặt rạng rỡ. Nhưng không phải cười với chúng tôi. Cũng không giống như cười với ai đó, cười vì một điều gì đó.

Tôi mới chỉ bắt gặp những nụ cười như thế ở những đứa trẻ ở những tháng đầu đời mới sinh, nụ cười vô định, mà dân gian thường gọi đó là đang được "mụ dạy".  Huyền cứ lẩm bẩm, "Thua rồi, không thắng được rồi". Tôi lên dây cót cho Huyền, "Ông chịu đựng được đến giờ cũng đã là kiên cường lắm rồi". Bấm đốt ngón tay, kể từ ngày phát hiện khối u quái ác, đến nay đã nửa năm. Thời gian đầu, khi ông và gia đình có ý định đưa ông đi Hà Nội để làm xét nghiệm sinh thiết, tôi đã ngăn cản.

Tôi nói với ông, hãy coi nó là một cái u lành và quên "nó" đi để sống cho thoải mái. Thỉnh thoảng cơ thể mình lại mọc một cái mụn nào đó, khi thì ở chân, ở tay, bây giờ thì ở phổi, có gì mà quan trọng. Ông đã ngoài 80, nếu là lành thì nó sẽ tự khỏi, chẳng phẫu thuật làm gì cho yếu sức, nếu là ác, biết được thì chỉ làm mình "bực mình" thôi. (trong thâm tâm, tôi nghĩ, ông tuổi đã cao, đến bệnh viện phải làm nhiều xét nghiệm như thế, chỉ vượt qua giai đoạn chẩn đoán đã mệt rã rời. Hãy cứ coi đó là một cái u lành.

Đỡ nghĩ ngợi. Nếu là u ác, có xạ trị, có phẫu thuật cũng chẳng đi đến đâu, lại khổ tấm thân già). Thấy tôi phân tích, cười nói rổn rảng, ông cũng phấn chấn lên và từ bỏ ý định đi Hà Nội. Rồi ông vào TP Hồ Chí Minh. Tôi động viên, ông bà cứ đi đây đi đó cho khuây khỏa. Một bạn đọc giới thiệu và mời người chữa khối u cho ông bằng liệu pháp truyền năng lượng. Tôi động viên, "Tốt anh ạ. Nếu không làm nhỏ được khối u, thì nó cũng làm tăng sức khỏe, tăng sức đề kháng cho anh". "Đúng là khỏe hơn hẳn"- ông nói.

Ông tin tưởng và tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu của "nhà năng lượng", ở rịt trong đó mấy tháng trời để nhận năng lượng. Thỉnh thoảng lại có người tư vấn đến bệnh viện khám xét, cho đến lần cuối cùng, ông chuẩn bị làm các thủ tục để truyền hóa chất nhưng rồi lại thôi. Rồi ông trở ra Hải Phòng. Tôi lên thăm ông thấy không có điều gì bất thường.

Chỉ hai chân bị đau. Ông vẫn đau như vậy từ nhiều năm nay. Chuyện trò cả buổi, cả chủ lẫn khách đều cười nói vui vẻ. Bẵng đi mươi ngày không đến, hôm đó tới nhà Huyền, Huyền bảo ông Tấn "không ổn" rồi. Tôi vội lấy máy gọi điện cho ông. Giọng ông ở đầu dây rất mệt mỏi, "Anh đau lắm, mệt lắm". Tôi vội vã chạy đến. "Anh đau ở đâu?" "Xương. Nó di căn vào xương rồi.". "Anh đừng nghĩ thế. Anh đau xương hàng chục năm nay chứ có phải bây giờ mới đau đâu." "Nhưng lần này đau khác lắm".

Tôi chẳng biết nói sao, chỉ khuyên ông, nếu đau quá thì đến bác sỹ xin mua mooc-phin để tiêm. Không nên chịu đựng làm gì. Nếu cứ cố, cơn đau hành hạ, không ăn không ngủ được, sức khỏe sẽ suy sụp nhanh lắm. Tôi động viên ông "Anh cứ tiêm đi, không sợ nghiện đâu. Anh có nghiện năm vài năm nữa cũng được. Miễn là không phải chịu đau đớn.

Có khi lại biết cảm giác thế nào là nghiện, lại viết được một cái gì đó cho người nghiện...". Ông cũng gật gù, "Ừ nhỉ, phải tiêm thôi, chẳng tội gì mà phải chịu đau đớn. Nhưng rồi ông vẫn chưa chịu tiêm ngay. Hơn tuần sau, qua thăm, thấy ông suy sụp hẳn và rất đau đớn, ông bảo vẫn chưa tiêm mooc- phin mặc dù đã mua được cả túi thuốc, vì sợ tiêm rồi thì không còn tiêm được gì nữa. Tôi chực ứa nước mắt. Sợ gì chứ, chịu đựng đau đớn chừng ấy ngày, không ăn không ngủ, mất hết cả sinh lực rồi, còn sức đâu mà chống chọi với bệnh tật.

Tiêm đi cho cơ thể đỡ bị đau đớn hành hạ, sống ngày nào khỏe mạnh ngày ấy chứ. Hôm đó, cả nhà thống nhất sẽ tiêm moocphin để giúp ông thoát khỏi đau đớn. Hôm sau tới thăm, ông vừa được tiêm thuốc, đang thiu thiu ngủ. Chúng tôi định lùi ra thì ông gọi. Hôm đó, ông ăn hết được một cái bánh giò Huyền mang tới. Rồi chuyện trò rổn rảng.

Tôi động viên ông cố gắng ăn uống đủ chất, khỏe lên rồi còn thực hiện lời hứa với tôi và Huyền là cho chúng tôi về thăm nhà ông ở quê Câu Tử Ngoại, Hợp Thành, Thủy Nguyên, được thưởng thức gà luộc chấm muối lá chanh- cây chanh ở vườn nhà ông. Ông còn nợ chúng tôi lời hứa đó từ mấy tháng trước. Chúng tôi đúng là luôn muốn được tới nơi đó một lần, nơi ông đã sinh ra, sống những năm tháng tuổi thơ tươi đẹp như trong những câu chuyện mà ông đã kể qua những trang sách...

Đúng là có những việc tưởng như đơn giản, có thể làm được bất cứ lúc nào, nhưng hóa ra không phải vậy. Lần thăm đó, chúng tôi ngồi chơi lâu, không nỡ rời xa, ông nắm tay tôi rất chặt. Tôi cũng có cảm giác đó là lần cuối cùng ông có thể làm như vậy đối với tôi.

Hôm nay thì ông đã ra đi. Giống như nhà thơ Lê Đại Thanh của Hải Phòng- một nhân vật trong tập hồi ký "Viết về bè bạn", nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã bình thản Trở về với tinh thể sao trời(*), ông đã Xuống ga đời, trả lại vé quê hương (*)

(*) Lời thơ của nhà thơ Lê Đại Thanh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem