Tính đến hiện tại, mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã giảm mạnh so với những tháng đầu năm. Lãi suất phổ biến tại các ngân hàng thương mại cổ phần cho kỳ hạn 12-24 tháng khoảng 5,2-6,9%.
Riêng với kỳ hạn 6 tháng, 4 "ông lớn" đã giảm về 5%/năm, tương đương lãi suất thời điểm dịch Covid-19.
Dòng tiền liệu có chuyển hướng khi lãi suất tiết kiệm giảm?
Lãi suất tiền gửi liên tục giảm kể từ đầu quý II/2023, nhưng trước bối cảnh thị trường có khó khăn, các kênh đầu tư khác chưa thực sự hồi phục, nhiều người dân vẫn chọn gửi tiết kiệm.
Trao đổi với PV, phó trưởng khoa Ngân hàng - Học viện Ngân hàng, bà Phạm Thu Thuỷ cho biết: Từ thời điểm này cho đến cuối năm sẽ có một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn. Khi lãi suất giảm, nhiều nhà đầu tư sẽ không còn mặn mà với việc gửi tiết kiệm ngân hàng. Thay vào đó sẽ hướng đến những kênh đầu tư đem lại lợi nhuận cao hơn so với gửi tiết kiệm.
Trước xu hướng mặt bằng lãi suất tiết kiệm giảm, nguồn tiền nhàn rỗi không còn dồn về ngân hàng. Tiền gửi của người dân, dù vẫn tăng nhưng so với các tháng trước tốc độ tăng trưởng đang có dấu hiệu chững lại.
Về lý thuyết, khi lãi suất tiền gửi đi xuống sẽ làm giảm tính hấp dẫn của kênh tiền gửi tiết kiệm. Dòng tiền sẽ chuyển sang tìm các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng… để mong tìm lợi suất tốt hơn.
Lãi suất tiết kiệm giảm, liệu dòng tiền có quay lại chứng khoán, bất động sản trong những tháng còn lại của năm 2023?
Hiện có 4 kênh đầu tư chính “cạnh tranh” với tiền gửi ngân hàng. Đó là vàng, ngoại tệ, bất động sản và chứng khoán. Nhưng ngoại tệ và bất động sản đang “yếu thế” rõ nét.
Về ngoại tệ, bà Thuỷ chia sẻ từ đầu năm đến nay, đồng VND có tăng giá so với USD nhưng độ tăng cơ bản là thấp. Chính vì vậy, ngoại tệ không phải là kênh đầu tư mang lại hấp dẫn cho người dân. Hay với mảng bất động sản tuy đã có những chính sách gỡ vướng nhưng có khi phải đến quý IV thì thị trường này mới hồi phục được.
Như vậy, theo chia sẻ của bà thì thị trường vàng có vẻ khả quan hơn cả. Nhưng hiện giá vàng đang giảm đáng kể sau khi chinh phục mức cao nhất thời đại hồi đầu tháng 5/2023.
Chính vì vậy, thị trường chứng khoán dự kiến sẽ là nơi dòng tiền chảy vào mạnh nhất vì còn không có độ trễ. Nhà đầu tư có thể đổ tiền vào ngay từ tuần này hoặc trong tháng này luôn.
Nhà đầu tư có nên xem xét cổ phiếu tiềm năng để tích lũy ngay từ lúc này, hay nên chờ đợi thêm một thời gian mới tìm kiếm cơ hội tốt?
Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành nửa cuối năm 2023 của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết: lợi suất của chứng khoán vẫn hấp dẫn hơn các kênh đầu tư khác. Hiệu ứng dịch chuyển dòng vốn vào chứng khoán đang ngày càng rõ. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới và số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại công ty chứng khoán bắt đầu tăng trở lại. VDSC cho rằng, chừng nào lãi suất còn duy trì ở mặt bằng thấp như hiện nay thì nhà đầu tư sẽ tiếp tục tái đầu tư vào thị trường, kéo theo xu hướng thị trường giá lên khó có thể bị phá vỡ trong nửa cuối năm 2023.
Thị trường hiện tại nhìn chung đã ổn định hơn khi tâm lý nhà đầu tư được cải thiện, không còn nhiều đợt bán tháo mạnh kể từ đầu năm nhờ vào các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Dòng tiền quay trở lại thị trường cũng là chỉ báo tích cực cho sự phục hồi của chỉ số VN-Index trong thời gian tới.
Do đó, bà Thuỷ cho rằng, thời điểm này, nhà đầu tư nên xem xét cổ phiếu tiềm năng tốt để tích lũy cho đầu tư dài hạn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.