Làm việc với Hội ND xã Trọng Quan (Thái Bình), Phó Chủ tịch Hội NDVN Bùi Thị Thơm yêu cầu làm tốt 6 nhiệm vụ
Làm việc với Hội ND xã Trọng Quan (Thái Bình), Phó Chủ tịch Hội NDVN Bùi Thị Thơm yêu cầu làm tốt 6 nhiệm vụ
Minh Ngọc
Thứ sáu, ngày 08/11/2024 15:30 PM (GMT+7)
Sáng ngày 8/11, Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Bùi Thị Thơm - Trưởng Ban Chỉ đạo Cụm thi đua số 2, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Trung ương Hội đã có buổi làm việc với Hội Nông dân xã Trọng Quan, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.
Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Văn Phan – Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Hội; Lê Xuân Trường - Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hội; Nguyễn Lâm Hồng – Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Hội.
Về phía tỉnh Thái Bình có các đồng chí: Lê Hồng Sơn – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Bình; Tô Xuân Thức – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Bình; lãnh đạo Hội Nông dân huyện Đông Hưng và xã Trọng Quan.
Đẩy mạnh liên kết theo chuỗi, hướng tới sản xuất xanh - sạch- an toàn
Trước khi làm việc với Hội Nông dân xã Trọng Quan, Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Bùi Thị Thơm cùng đoàn công tác đã tham quan, kiểm tra mô hình nuôi cá chạch sụn tại hộ ông Trần Văn Thuật và trồng dưa chuột, mướp, cá chua trong nhà màng của hộ anh Phạm Xuân Khánh.
Báo cáo với Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Bùi Thị Thơm, ông Thuật cho biết, trước đây gia đình nuôi các loại cá truyền thống nhưng hiệu quả không cao, sau thời gian học hỏi ở một số mô hình tại huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), ông đã quyết tâm chuyển sang nuôi cá chạch sụn.
Đầu tháng 2/2023, ông Thuật mua hơn 40 vạn con cá chạch sụn giống về thả nuôi trên diện tích 2.000m2. Sau gần 4 tháng nuôi, tỷ lệ cá chạch sụn sống đạt trên 70%, đã đến kỳ xuất bán, trọng lượng cá chạch sụn đạt 40-50 con/kg.
Với giá bán cá chạch sụn là 70.000-100.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Thuật có lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng mỗi năm.
"Cá chạch sụn là loài có thịt thơm ngon, xương mềm, giá trị dinh dưỡng cao, thị trường tiêu thụ mạnh, giá cả ổn định. Hơn nữa, chạch thích ứng với đa dạng môi trường sống và loài chạch sụn này rất dễ nuôi", ông Thuật cho biết.
Tại mô hình trồng dưa chuột trong nhà lưới, anh Khánh cho biết, đây là vụ thứ 2 anh đưa dưa chuột vào trồng trong nhà màng. Tuy nhiên, bão số 3 vừa qua đã làm thiệt hại hầu hết diện tích trồng dưa chuột của gia đình.
Để khôi phục sản xuất, anh Khánh được quỹ hỗ trợ của Hội nông dân huyện cho vay 100 triệu đồng, cùng với nguồn vốn của gia đình, đến nay, đã khôi phục lại sản xuất và dưa chuột đã cho thu hoạch với năng suất cao.
Báo cáo với Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Bùi Thị Thơm, anh Khánh cho hay, sau hơn 1 tháng đưa bầu ra trồng, dưa bắt đầu cho thu hoạch, bình quân 1 ngày thu hoạch 3 tạ dưa chuột, với giá 10.000 đồng/1 kg, thời gian thu hoạch khoảng 1 tháng. Lợi nhuận bình quân đạt 35 đến 40 triệu đồng trên 1.000 m2 trồng dưa trong nhà màng.
Hiện nay ngoài 2.000 m2 dưa chuột trong nhà mạng đang cho thu hoạch, gia đình anh Khánh đang mở rộng diện tích 8.000 m2 để trồng dưa chuột và mướp vụ đông.
Sau khi tham quan, kiểm tra tại 2 mô hình, Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Bùi Thị Thơm đánh giá cao tinh thần "dám nghĩ, dám làm" của hội viên nông dân xã Trọng Quan. Các mô hình không chỉ làm giàu cho gia đình, mà còn góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương.
Đồng chí Bùi Thị Thơm cũng đề nghị lãnh đạo xã Trọng Quan tiếp tục quan tâm hơn nữa để hỗ trợ các mô hình mở rộng sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời gợi mở một số cách làm mới, áp dụng sản xuất hữu cơ, tập trung hướng tới sản xuất xanh - sạch- an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm...
Sôi nổi phong trào thi đua "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi"
Làm việc với Hội Nông dân xã Trọng Quan, Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Bùi Thị Thơm cho biết, Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN tổ chức đoàn kiểm tra nhằm đánh giá toàn diện tình hình, kết quả công tác Hội và phong trào nông dân năm 2024; kết quả các cấp Hội Nông dân thực hiện Nghị quyết số 46 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam và Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam...
Qua đó, nắm được những kết quả đạt được, những cách làm mới, mô hình hay đem lại hiệu quả cao cũng như những khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong hoạt động công tác và phong trào nông dân ở cơ sở.
Đồng thời, đây cũng là dịp để đoàn công tác Trung ương Hội lắng nghe những kiến nghị, đề xuất, giải pháp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ đối với công tác Hội và phong trào nông dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo.
Báo cáo với đoàn công tác Trung ương Hội, ông Dương Văn Hà – Chủ tịch Hội Nông dân xã Trọng Quan cho biết, Hội Nông dân xã có 7 chi hội theo địa bàn dân cư, với tổng số 1.174 hội viên. Năm 2024 đã kết nạp thêm 27 hội viên.
Theo ông Hà, Hội Nông dân xã luôn chú trọng công tác kiểm tra, giám sát các Chi hội trong việc thực hiện các nhiệm vụ công tác hội và phong trào nông dân, kiểm tra công tác sử dụng vốn vay hàng quý, kiểm tra về quản lý sổ sách của các Chi hội.
Năm 2024, Hội Nông dân xã đã tổ chức học tập, quán triệt, phổ biến, tuyên truyền, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 46 ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị "Về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới" vàNghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII; Quyết định số 182 ngày 20/2/2024 của Thủ tướng Chính Phủ về phê duyệt Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030" vàcác chương trình, kế hoạch của Hội cấp trên và Đảng ủy, UBND xã về thực hiện các nghị quyết, quyết định.
Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" được Hội Nông dân xã triển khai thực hiện tốt. Hội tập trung tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên tích cực học tập, áp dụng các tiến bộ KHKT, đầu tư tiền vốn phát triển chăn nuôi, chuyển đổi vùng đất kém hiệu quả sang chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao. Phong trào đã có những chuyển biến mạnh mẽ.
Theo đó, nhiều hội viên đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao, giải quyết được việc làm cho nhiều lao động ở địa phương phát triển kinh tế hộ gia đình. Điển hình như: hộ ông Trần Văn Thuât thôn Vinh Hoa, Phạm Xuân Khánh thôn Hưng Quan... đã mạnh dạn đầu tư vốn tích tụ ruộng đất mở rộng trang trại, gia trại nuôi chạch thương phẩm, dựng nhà lưới trồng dưa chuột sạch mỗi năm cho thu nhập từ 150 triệu đồng và giải quyết việc làm cho hàng chục lao động.
Hoạt động dịch vụ tư vấn hỗ trợ và dạy nghề nông dân cũng được tổ chức tốt. Theo đó, phối hợp với trường Trung cấp nông nghiệp Thái Bình mở lớp đào tạo nghề chăn nuôi gia súc gia cầm cho 33 hội viên. Tổ chức 7 hội nghị tập huấn KHKT sử dụng các loại chế phẩm sinh học ET, bảo đảm an toàn thực phẩm nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản, chất lượng an toàn vì sức khỏe cộng đồng; chuyển giao khoa học kỹ thuật và giới thiệu sản phẩm phân bón hữu cơ VBM 3 trong 1. Hướng dẫn kỹ thuật phòng bệnh trên đàn vật nuôi và kỹ thuật ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý nhanh rơm rạ sau thu hoạch cho trên 1.000 lượt hội viên.
Thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm
Qua thăm thực tế và lắng nghe báo cáo, kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Bùi Thị Thơm đánh giá, Hội Nông dân xã Trọng Quan đã bám sát các nhiệm vụ của địa phương và của Hội Nông dân các cấp.
"Qua kiểm tra, đường giao thông nông thôn rất rộng rãi, nhiều ngôi nhà khang trang... điều này thể hiện đời sống của bà con nông dân đã có nhiều đổi mới, phát triển. Để đạt được kết quả này, là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, trong đó, có sự đóng góp của Hội Nông dân", Phó Chủ tịch Trưng ương Hội NDVN Bùi Thị Thơm nói.
Về công tác Hội và phong trào nông dân của xã Trọng Quan, Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Bùi Thị Thơm đánh giá cao kết quả đạt được. Trong đó, các hoạt động nổi bật như: Phong trào thi đua Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng NTM, đặc biệt, hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ nông dân "làm khá tốt". Hội Nông dân xã đã tổ chức các lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp nông dân về kiến thức, xây dựng các mô hình, cung ứng vật tư nông nghiệp...
Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Bùi Thị Thơm cũng chỉ ra một số hạn chế như: Công tác tuyên truyền về Nghị quyết số 46 của Bộ Chính trị, Quyết định số 182 của Thủ tướng Chính phủ chưa được chú trọng; Duy trì sinh hoạt, phát triển hội viên danh dự, thành lập Chi tổ hội nghề nghiệp, câu lạc bộ, tổ hợp tác, HTX còn hạn chế.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Bùi Thị Thơm cho hay, chỉ còn 2 tháng nữa kết thúc năm 2024, đồng chí đề nghị Hội Nông dân xã Trọng Quan rà soát các nhiệm vụ, chỉ tiêu. Những chỉ tiêu nào chưa hoàn thành phải quyết liệt triển khai thực hiện. Đồng thời, yêu cầu thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục quan tâm, chú trọng công tác tuyên truyền vận động, tập hợp hội viên nông dân phù hợp với tình hình địa phương. Theo đó, nội dung, hình thức tuyên truyền phải đa dạng, phong phú… trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền về Nghị quyết số 46 của Bộ Chính trị, Quyết định số 182 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam, từ đó cụ thể hóa, thực hiện tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp cho nông dân.
Thứ hai, cần nắm vững nội dung cơ bản của Nghị quyết số 04, 05, 06. Trong đó, quan tâm thành lập các Chi tổ hội nông dân nghề nghiệp, công tác phát triển hội viên, trong đó có hội viên danh dự; Duy trì sinh hoạt chi hội, thành lập các CLB của nông dân.
Thứ ba, tiếp tục tổ chức các hoạt động dịch vụ tư vấn hỗ trợ và dạy nghề nông dân về khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, xây dựng mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn.
Thứ tư, bám sát Quyết định số 182 của Thủ tướng Chính phủ để tuyên truyền, vận động hội viên nông dân trong liên kết sản xuất, tham gia tổ hợp tác, HTX, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao.
Thứ năm, đẩy mạnh phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, cấp ủy, chính quyền cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trở thành nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, từ đó thành lập CLB "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi".
Thứ sáu, thường xuyên lắng nghe, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên nông dân để kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền. Đồng thời thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội.
Một số hình ảnh Đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm việc với Hội Nông dân xã Trọng Quan, huyện Đông Hưng (Thái Bình):
Vui lòng nhập nội dung bình luận.